Người mẹ cả đời lam lũ bán bánh chưng ở chợ hoa Hồ Thị Kỷ (quận 10, TP HCM) có lẽ không bao giờ nghĩ con trai mình phạm tội giết người. Vì vậy, bà gần như lả người khi nghe đại diện VKSND TP HCM đọc cáo trạng.
Ám ảnh cả đời
Cha mẹ ly hôn khi Phạm Văn Phú (SN 1989, ngụ quận 10) vừa lên 9 tuổi, một mình mẹ Phú nuôi 2 con ăn học. Hết lớp 8, Phú theo người thân học nghề sơn mài rồi xin vào làm việc cho một cửa hàng ở trung tâm quận 1. Trong một lần tình cờ, Phú quen biết và nảy sinh tình cảm với chị N.H.H (SN 1993, ngụ quận 1).
Mẹ Phú kể con trai thường dẫn H. về nhà chơi và giới thiệu là bạn gái. “Thấy tụi nó thân thiết, những lần gia đình về quê ở Bến Tre, H. cũng đi theo nên tôi rất mừng. Nhưng rồi có lần Phú buồn bã nói người yêu sắp đi du học, tôi động viên con, nào ngờ…” - nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt đau khổ của mẹ Phú.
Sau khi đi du lịch Đan Mạch về, dù Phú cố níu kéo, chị H. vẫn dứt khoát chia tay để sang lại Đan Mạch du học. Phú lại được biết có thể H. sẽ kết hôn với bạn trai cũ. Không thể chấp nhận việc này, Phú thủ dao trong người đến gặp H. Trước thái độ lạnh nhạt của người yêu, Phú đã ra tay...
Được mời lên với tư cách đại diện phía bị hại, cha chị H. lặng thinh nhiều giây khiến không khí phòng xử trở nên ngột ngạt, nặng nề. Sau tiếng thở dài, ông đau đớn trình bày: “Tôi nhớ như in buổi chiều hôm đó. Đang ở trong nhà, tôi nghe con gái la thất thanh nên chạy vội ra thì thấy nó nằm co giật trên vũng máu. Vết đâm vào cổ khiến con tôi không thể trăng trối lời nào trước khi trút hơi thở cuối cùng. Từ ngày Phú gây án đến nay đã 8 tháng 15 ngày, vợ chồng tôi đêm nào cũng bị ám ảnh bởi tiếng thét thất thanh và đôi mắt cố níu kéo sự sống của con. Có khi đang ngủ, nghe tiếng xe cấp cứu cũng giật mình. Hình bóng con gái như ẩn, như hiện, vợ chồng lại ôm nhau khóc. Gia đình tôi không bao giờ tha thứ cho tội ác mà Phú đã gây ra”.
Bị cáo Phạm Văn Phú tại phiên tòa sơ thẩm.
Tình yêu không có chỗ cho cái ác
Trả lời về động cơ giết người, Phú trình bày: “Bị cáo rất yêu H., cả hai hứa hẹn sẽ sống với nhau đến răng long đầu bạc. Khi nghe H. chuẩn bị đi du học, bị cáo đến nói chuyện nhưng cô ấy tỏ thái độ khác lạ, không phải cách từng đối xử với bị cáo. Không kiềm chế, bị cáo đã…”.
Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa phân tích: “Trong tình yêu, mọi người đều có quyền bình đẳng, có quyền lựa chọn người mình thương để dìu nhau đi hết cuộc đời. Đó là quyền tự do của mỗi con người. Kể cả khi tình yêu đã đơm bông kết trái, nên vợ thành chồng, có con nhưng đến một giai đoạn nào đó trong đời người, cả hai cảm thấy không hợp nhau nữa thì vẫn có quyền ly hôn và được pháp luật cho phép, bảo vệ. Còn bị cáo và chị H. chỉ mới ở giai đoạn tìm hiểu nhau…”.
Nghe đến đây, Phú đưa tay bấu chặt vành móng ngựa, nước mắt nhạt nhòa sau đôi kính cận. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nói thêm: “Bị cáo nói yêu mà lại nhẫn tâm dùng dao đâm nhiều nhát vào người con gái tay yếu chân mềm. Khi yêu, thấy người mình thương đau một, mình đau mười. Hành vi của bị cáo không phải là yêu mà là sự ích kỷ cá nhân. Con người không phải là vật sở hữu của riêng ai. Mình muốn sống mà lại lấy dao đâm người ta chết, như vậy có phải là yêu không? Cả hai còn trẻ, có nhiều cơ hội lựa chọn cho mình một người phù hợp, người yêu chết rồi thì có tồn tại tình yêu hay không?”. Phú cúi đầu câm lặng.
Xét tính chất và mức độ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, HĐXX đã tuyên mức án tử hình đối với Phú. Nghe tòa tuyên án, mẹ Phú ngã quỵ. Bà lê từng bước chân khó nhọc rời sân tòa dưới cái nắng gay gắt của buổi trưa tháng 3. Từ đây, đứa con bà từng chăm bẵm, yêu thương đã vĩnh viễn vuột khỏi tay bà…
Theo Nld.com.vn