Một phút sai lầm
Khoảng 22h đêm ngày 26/1 (mùng bốn tết), Phong cùng vợ đi chúc tết bên nhà ngoại về muộn, về tới cổng, Phong tạt qua ngôi nhà đang xây dở ở bên cạnh để đi vệ sinh. Trời về đêm rét buốt, Phong đang vội vàng quay về nhà thì bỗng nhìn thấy có một người phụ nữ nằm ngay đó.
Đêm đã khuya, trời thì rét, sao lại có người nằm ở một nơi thế này? Phong liền đến lay gọi người đó, đập đập mấy cái mà không thấy cô ta có phản ứng gì, cứ nằm im thế. Sẵn có chút men say do bữa tối còn trong người, Phong đã làm chuyện đồi bại. Xong việc Phong bỏ về nhà, đi ngủ.
Sáng hôm sau Phong vẫn thấy người phụ nữ nằm đó nằm nguyên vị trí cũ, không động đậy, Phong liền hô hoán gọi mọi người trong nhà và đi báo công an xã. Khi công an xã tới thì phát hiện người phụ nữ đã chết từ trước đó và đang nằm trong một tư thế bất bình thường, quần áo xô lệch.
Thấy vấn đề nghiêm trọng, ông Nguyễn Công Khanh, công an xã Hoài Sơn vội vàng báo lên công an huyện Ứng Hòa. Mọi việc đã được làm sáng tỏ sau đó ít ngày. Phong bị bắt sau quá trình điều tra của công an.
Những ngày hạnh phúc đã qua
Đối tượng Phong khi bị bắt
Gia đình Phong có hai anh em trai, Phong là con cả. Em trai Phong cũng đã lập gia đình nhưng cả hai anh em đều sống trong một mái nhà, cùng chung một mâm cơm. Mọi người trong nhà đều rất hòa thuận, êm ấm.
Tuy Phong chỉ là thợ xây, nhưng từ nhỏ đã có tiếng ngoan hiền, tu chí làm ăn, không có thói hư tật xấu gì. Bố Phong là thương binh, một mình mẹ phải cáng đáng mọi việc, từ bé, Phong đã rất thương và muốn gánh vác đỡ đần mẹ.
Tính hay lam hay làm và biết quan tâm tới người khác đã có trong Phong từ ngày còn nhỏ.
Vợ Phong là Nguyễn Thị Thúy người cùng làng, làm cô nuôi dạy trẻ ở xã. Thúy hiền lắm, khuôn mặt trái xoan dịu dàng của cô trước đây làm nhiều chàng trai làng mê mẩn, nhưng không hiểu sao cô chỉ chú ý Phong thôi.
Cô yêu chàng trai cần cù chịu thương chịu khó ấy. Lúc đầu biết Thúy có tình cảm với Phong, bố mẹ cô cũng tỏ ý không bằng lòng. Họ lo lấy Phong cô sẽ vất vả vì bố mẹ anh đau yếu, bản thân Phong cũng không có nghề nghiệp ổn định. Nhưng Thúy bảo:
‘‘Con thương Phong vì anh ấy hiền lành, biết nghĩ sau này sẽ là chỗ dựa tốt cho con’’. Đám cưới diễn ra trong niềm vui hạnh phúc của đôi trẻ và vui nhất vẫn là bà Lịch - mẹ Phong.
Cả cuộc đời bà vất vả, lo toan cho chồng con, bố Phong là thương binh nặng mọi việc trong nhà đều đến tay bà, cũng may lớn lên anh em Phong không theo chúng bạn sa đà vào tệ nạn xã hội. Còn làng xóm ai cũng mừng cho gia đình bà Lịch có cô con dâu vừa đẹp người vừa đẹp nết.
Biết Phong luôn tự ti vì hoàn cảnh của bản thân nên Thúy nói khéo với bố đẻ là chủ thầu xây dựng cho Phong đi theo làm thợ chính. Bằng tình yêu và sự khéo léo, cô đã xua tan mọi tự ti mặc cảm luôn đeo đuổi chồng.
Phong cũng không phụ công vợ, cùng làm nghề với Phong, nhiều chàng trai trong làng không mắc chứng nọ thì tất kia từ cờ bạc đến rượu chè nhưng Phong tuyệt đối không. Xong việc là Phong về nhà, cùng vợ làm công việc gia đình, mặc kệ anh em chiến hữu chê cười là sợ vợ, phải làm việc đàn bà.
Thúy nhiều lần đem chồng ra khoe với bạn bè về người chồng thương vợ, không gia trưởng của mình. Mọi người trong xóm thấy vậy cũng nể Phong còn trẻ người mà đã chu đáo biết nghĩ thế, rồi mừng cho Thúy may mắn có người chồng tốt.
Đứa con nhỏ ra đời như sợi dây khiến vợ chồng Phong càng quấn quýt nhau hơn. Bố mẹ Thúy cũng thở phào nhẹ nhõm. Thúy kể trong nước mắt:
“Lần nào đi công trình xa, anh ấy cũng mua quà về cho cả nhà. Bước chân vào nhà là vồ lấy con, nhấc bổng nó lên cù vào nách khiến nó cười ngặt nghẽo, rồi thơm con tới tấp cho đến lúc con bé phải hét lên”. Nói đến đây, cô lại ôm mặt khóc.
Thúy có mang đứa con thứ hai. Lần này, sức khỏe của cô yếu đi nhiều, Phong đã không dám nhận việc nơi xa, chỉ luẩn quẩn làm gần nhà để còn đỡ đần vợ con. Biết vợ mang trách nhiệm là dâu trưởng, phải sinh con trai, nhưng Phong không hề quan trọng điều đó mà còn động viên vợ tránh được áp lực.
Thương bố chồng quanh năm đau yếu, mẹ chồng cũng bao năm vất vả, giữa năm 2011 Thúy bàn với bố mẹ chồng xây nhà để mọi người có nơi ở khang trang hơn không phải ở trong căn nhà cấp 4 nữa.
Mọi việc từ tuyển thợ đến đào móng, một tay Phong lo liệu chỉ vài tháng nữa thôi, căn nhà sẽ hoàn thiện cả nhà cô sẽ dọn sang nhà mới. Nhưng cái ngày hạnh phúc ấy chưa đến thì tai họa đã ập xuống.
Tổ ấm tan vỡ
Cuộc sống vợ chồng chẳng sang giàu nhưng cũng tạm đầy đủ, so với nhiều người trong làng ngoài xóm, Thúy và Phong đã rất may mắn và hạnh phúc rồi. Hạnh phúc ấy là do họ tự tay vun đắp lên, để rồi trong một lúc mê muội, Phong đã tự tay đập vỡ nó.
Ngày công an đến xem hiện trường, Thúy còn ngần ngại ra ngoài. Trời mấy ngày tết mưa lạnh, bụng cô thì đã nặng nề, lại là chuyện có liên quan đến người chết, nên cô chỉ muốn ngồi trong nhà cho yên thân.
Những vụ án hình sự, cô đã đọc báo và nghe tin tức quá nhiều rồi, cô thấy chúng làm cuộc sống nặng nề hơn. Lúc này cô sắp có đứa con thứ hai nên chỉ muốn nghĩ đến điều tốt đẹp. Còn những chuyện phức tạp đen tối cô muốn tránh càng xa càng tốt.
Khi thấy chồng mình bị cơ quan điều tra thẩm vấn, cô vẫn đơn giản nghĩ rằng chồng mình là nhân chứng, là người đầu tiên phát hiện ra nạn nhân nên mới bị hỏi nhiều. Nhưng đến lúc nghe tin Phong phạm tội, trời đất quay cuồng đổ sụp dưới chân Thúy.
Từ ngày Phong bị bắt, Thúy suy sụp hoàn toàn. Ngày ngày gục xuống khóc, có lúc tưởng Thúy có thể chết đi được. Mọi người ai cũng cố nén nỗi buồn của mình để an ủi Thúy, sợ Thúy không làm chủ được mình lại làm chuyện dại dột.
Thúy phải xin nghỉ công tác, phần vì quá đau buồn không thể tiếp tục làm công việc thường ngày, phần vì không có mặt mũi nào đối diện với mọi người. Lời ong tiếng ve mỉa mai bay khắp xóm làng. Thúy không biết ngày mai sẽ đi về đâu, vừa đau khổ vừa nhục nhã, làm sao mà ngẩng lên với đời.
Nghĩ hết chuyện đời mình Thúy lại nghĩ đến con. Làm vợ một người đồi bại đã khổ, rồi sau này con gái lớn lên, nó sống được với những lời đàm tiếu về bố nó hay không. Nhìn con gái vẫn ngây ngô không biết gì, Thúy lại như muốn gục xuống.
Rồi Thúy lại thương cha mẹ mình, chuyện Phong gây ra cũng làm bố mẹ Thúy buồn lắm. Con gái đi lấy chồng chẳng chăm lo được cho bố mẹ, yên ấm thì bố mẹ được an lòng, thế mà giờ cô lại khốn khổ khốn nạn thế này, bố mẹ cô chắc cũng xót xa nhiều không kém gì cô.
Cứ ngắn rồi lại nghĩ dài, Thúy vật vã trong những nỗi đau triền miên.
Đã bao lần, Thúy gắng gượng không khóc, để con gái đỡ sợ không hỏi đi hỏi lại những câu hỏi đã cũ: “Mẹ ơi sao mẹ khóc? Bố Phong đâu mà không về ngủ với mẹ con mình? Ai bắt nạt mẹ?...”, thế mà nước mắt từ đâu cứ chảy về.
Thúy nhớ chồng, nhớ những ngày tháng êm đềm hạnh phúc trước đó. Thúy vẫn một mực tin chồng mình vô tội, chồng mình không làm cái việc đồi bại kia.
Trong thời gian chờ đợi hoàn tất điều tra, Thúy ngất lên ngất xuống không biết bao nhiêu lần. Từ một người phụ nữ trẻ trung, hoạt bát và tự tin, chỉ trong mấy ngày, Thúy trở thành một con người hoàn toàn khác.
Thúy gầy rộc đi, đôi mắt u buồn và hoảng loạn. Thúy sợ hãi có người hỏi thăm, người lạ hay người quen lúc này Thúy đều muốn trốn tránh. 23 tuổi đầu, va chạm cuộc sống được bao nhiêu mà Thúy có kinh nghiệm hay nghị lực để đối diện với nỗi đau như thế này.
Trước đây cuộc sống hạnh phúc êm đềm có nhau đã làm Thúy dựa dẫm vào chồng quá nhiều, Thúy không thể tưởng tượng được một ngày cái chỗ dựa vững chắc ấy lại sụp đổ, mà đổ một cách cay đắng trái ngang.
Thúy muốn chạy trốn tất cả, muốn né tránh cuộc sống, muốn mọi người để cô được yên thâm… nhưng càng vùng vẫy, cô càng chìm vào nỗi đau tuyệt vọng.
Đau lòng người thân
Thúy khổ với nỗi khổ của người vợ có chồng là tội phạm thì bố mẹ Phong nhục nhã với nỗi đau của bậc phụ huynh có đứa con hư hỏng. Bố Phong, ông Phúc, vốn là một thương binh 1/4, bị chấn thương sọ não, cứ trái nắng trở trời là cơn đau lại hành hạ.
Từ ngày Phong bị bắt, ông Phúc ngất liên tục. Bệnh động kinh của ông lại tái phát, có khi cắn cả vào lưỡi. Là một thương binh, kinh qua trận mạc có lẽ ông đã trải qua nhiều phút giây kinh hoàng, đối diện với cái sống và cái chết.
Ngay như bây giờ, nỗi đau thể xác hàng ngày vẫn hành hạ ông nhưng ông vẫn kiên cường chống lại cùng với nó. Ấy thế mà ông gục hẳn do nỗi đau tinh thần khủng khiếp mà con ông đã gây ra.
Không nghĩ thì thôi, cứ nghĩ đến chuyện của con trai, ông lại ôm mặt khóc. Nước mắt của ông cứ ngỡ sẽ không rơi khi chiến tranh đã kết thúc, vậy mà hôm nay ông không tài nào kiềm chế được.
Bà Lịch, mẹ Phong càng khổ hơn. Con dại thì cái mang, bà như đứt từng khúc ruột khi hay tin con mình như thế. Gia đình bà xưa nay được tiếng ăn ở hiền lành, êm ấm. Bà Lịch nghẹn ngào nói: “Từ khi học lớp 5, Phong buổi sáng đến trường, buổi chiều về theo người làng đi phụ hồ kiếm thêm tiền.
Nó là đứa con hiếu thảo, chưa bao giờ làm chuyện gì khiến chúng tôi phải buồn rầu, suy nghĩ… Không ai ngờ nó gây ra tội lỗi này. Từ ngày Phong bị bắt giam, ông nhà tôi đổ bệnh nặng, thường xuyên lên cơn động kinh, cắn cả vào lưỡi. Tôi vừa lo cho con vừa lo cho chồng, không biết rồi sẽ ra sao…”.
Đau khổ là thế nhưng hàng ngày bà Lịch vẫn phải cố cứng rắn để cáng đáng mọi chuyện, chèo chống gia đình qua cơn sóng gió này. Thúy còn trẻ người non dạ, không vững vàng nổi, chồng bà thì đau yếu thế, cháu nội thì quá non nớt ngây thơ.
Bà phải cố cắn răng nuốt nhục với xóm làng, nuốt xuống cả những giọt nước mắt không muốn làm người khác yếu lòng theo. Chồng và con dâu giờ lòng rối như tơ vò, bà chẳng dám yếu đuối.
Thương con dâu vật vã đau khổ cả ngày, không chịu ăn uống gì, lại không ngủ được thì sức đâu mà sống tiếp, buổi tối bà phải kê ghế cạnh phản của mẹ con Thúy cho Thúy dễ ngủ, bớt đi cảm giác trống vắng.
Rồi khi không có ai bên cạnh, bà mới dám bật khóc một mình, tức tưởi gọi con: “Con ơi, sao ra nông nỗi này…”.
Vợ chồng người em trai của Phong cũng lầm lũi đi về trong sự chỉ trỏ đàm tiếu của người làng. Bây giờ biết nói thế nào cho mọi người hiểu.
Xưa nay, cái xóm nhỏ bình yên này làm gì có những chuyện động trời như thế. Có gặp ác mộng, chắc cũng chẳng ai có thể tưởng tượng ra một chuyện kinh khủng thế này.
Cứ thế, cả nhà Phong đang phải gánh chịu hậu quả do tội lỗi anh gây ra. Không biết giờ đây ngồi một mình trong phòng giam lạnh lẽo, Phong có biết chỉ vì một phút nông nổi của bản thân mà giờ đây cả gia đình đang phải hứng chịu những khổ đau tột cùng?
Phunutoday