Từ bỏ tất cả để đến với lan đột biến
Người dám từ bỏ mọi công việc đang trên đà phát triển để đến với lan mà chúng tôi đang nhắc tới không ai khác chính là Đức Đại Phát, sinh năm 1987 ở Đồng Mai - Hà Đông – Hà Nội.
Chàng trai thủ đô này từng có ước mơ đi theo nghề du lịch. Thế là, lớn lên anh theo học trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, Đức Đại Phát sang Nhật du học để trau dồi thêm ngoại ngữ, vốn rất cần thiết với “dân du lịch”. Sau 5 năm học ở đây, anh đã có thể giao tiếp bằng tiếng Nhật một cách lưu loát.
Đi du học trở về, Đức Đại Pháttrở thành một phiên dịch viên giỏi. Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục lấn sân sang các mảng khác như tài chính, bất động sản để làm kinh tế. Cứ ngỡ rằng Đức Đại Phát sẽ tiếp tục theo đuổi để phát triển trong những công việc này. Thế nhưng, anh đã từ bỏ tất cả khi đang trên đà phát triển, để đến với hoa lan.
Đức Đại Phát chia sẻ: “Mục đích ban đầu khi đến với hoa lan là chỉ để thỏa mãn đam mê và làm kinh tế. Thế nhưng, khi đã “chơi sâu” thì mình bị mê mẩn vẻ đẹp các mặt hoa lan đột biến”.
Tâm sự về những khó khăn đã phải trải qua trong nghề, Đức Đại Phát nói rằng mặc dù nhận được nhiều trợ giúp từ các nghệ nhân lâu năm, thế nhưng anh cũng không tránh khỏi gặp phải khó khăn. Thậm chí, có lần còn đứng trước nguy cơ tay trắng.
Đó là lần anh vào Sài Gòn nhập số lượng lớn cây lan đột biến (ngày 22/7/2020). Sau ngày đó, thị trường lan bắt đầu có chiều hướng biến động, đi xuống vì dịch Covid-19 và một vài thông tin thất thiệt trên báo chí. Những yếu tố này ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành lan và bản thân anh cũng nằm trong số đó.
May mắn, cuối cùng sóng gió cũng qua. Đức Đại Phát đã lèo lái được vườn lan của mình vượt qua khủng hoảng. Sau biến cố mà có lẽ không bao giờ anh quên được ấy, Đức Đại Phát hiểu nhiều hơn về thị trường chơi lan, cũng như xây dựng và củng cố niềm tin sâu sắc với ngành lan var (lan đột biến).
Cơ duyên đến với lan
Đức Đại Phát chia sẻ rằng anh là người rất may mắn vì được nhiều người giúp đỡ trong những bước đầu bỡ ngỡ tới với lan và việc kinh doanh loài hoa bất tử này. “Anh Nguyễn Huy Tấn, con bác ruột tôi, là nghệ nhân chơi lan lâu năm có tiếng. Nhờ có anh đã dìu dắt, chỉ bảo tận tình mà tôi được như ngày hôm nay. Ngoài ra, tôi còn được anh Trương Tấn Lợi và Trương Tấn Lộc (chủ vườn lan Hai Beo) truyền lửa và định hướng con đường chuẩn mực”.
Những bậc tiền bối, nghệ nhân trong giới ấy đã giúp đỡ anh rất nhiều. Và anh luôn thầm biết ơn họ vì đã làm nên một Đức Đại Phát của ngày hôm nay.
Sau khi đến với lan, anh đã dành toàn bộ tâm huyết và sự nghiệp của mình vào đó. Đức Đại Phát từng bán đến những 3,4 căn nhà để đầu tư lan. Anh cũng bỏ hết mọi công việc mà bản thân đang theo đuổi và đã đạt được những thành tựu nhất định để toàn tâm toàn ý “ăn với lan, ngủ với lan”.
Đến thời điểm hiện tại, vườn lan của Đức Đại Phát đã sở hữu được nhiều loại lan đột biến quý như Hiển Oanh, Bảo Duy, Hồng Minh Châu, Hồng Xòe, Bạch Tuyết, Vọng Xưa, Mắt Trâu, Bảo Duy, Ngọc Sơn Cước, Thảo Chi, Hồng Đại Nguyên Soái, Cờ Đỏ. Tất cả những loại lan đột biến này rất đẹp và có giá trị cao, được nhiều người săn lùng.
Thành quả cho sự tâm huyết, say mê ấy quả không làm anh thất vọng. Hiện nay, Đức Đại Phát đang làm vườn mới trên Lương Sơn - Hoà Bình với diện tích toàn bộ khoảng 3000m2, trong đó diện tích vườn ươn lan là khoảng gần 500m2. Anh đặt cho tên vườn của mình là vườn lan Tuyến Pháp - tên của anh và người anh trai cả, người không những có công khuyên bảo mà còn tạo động lực mạnh mẽ để anh có thể đến được với lan.
Khi được hỏi về tương lai của ngành lan, Đức Đại Phát bộc bạch: “Ngành lan var đang là một ngành kinh doanh thu hút đầu tư lớn từ các giới đầu tư tay trái. Các doanh nghiệp đa ngành nghề cũng đã và đang chú ý tới cây lan var. Đó là những tín hiệu rất tốt. Mình tin cây lan var sẽ là kênh đầu tư rất đúng đắn cho năm 2021”.
Mục tiêu mà Đức Đại Phát đặt ra cho mình trong tương lai là vừa sưu tầm được nhiều loại giống quý vừa làm kinh tế. Trong giới chơi lan, nhiều người biết đến anh và ngưỡng mộ tài năng cũng như tấm lòng “quảng đại” - luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người của anh.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)