Theo Nghị quyết, trong số 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh hiện nay, có 11 đơn vị không thực hiện sáp nhập, 52 đơn vị còn lại sáp nhập, hợp nhất thành 23 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới.
Danh sách kèm theo nghị quyết của Hội nghị Trung ương cũng nêu rõ dự kiến tên gọi các tỉnh, thành phố của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Cụ thể, như sau:
Các đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sáp nhập:
1. Thành phố Hà Nội.
2. Thành phố Huế.
3. Tỉnh Lai Châu.
4. Tỉnh Điện Biên.
5. Tỉnh Sơn La.
6. Tỉnh Lạng Sơn.
7. Tỉnh Quảng Ninh.
8. Tỉnh Thanh Hóa.
9. Tỉnh Nghệ An.
10. Tỉnh Hà Tĩnh.
11. Tỉnh Cao Bằng.
Hội nghị lần thứ 11 Trung ương khóa XIII, diễn ra từ ngày 10/4 đến ngày 12/4. Ảnh minh họa
Các đơn vị hành chính cấp tỉnh mới sau sáp nhập, hợp nhất:
1. Hợp nhất tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang, lấy tên là tỉnh Tuyên Quang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tuyên Quang hiện nay.
2. Hợp nhất tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái, lấy tên là tỉnh Lào Cai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Yên Bái hiện nay.
3. Hợp nhất tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên, lấy tên là tỉnh Thái Nguyên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Thái Nguyên hiện nay.
4. Hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ và tỉnh Hòa Bình; lấy tên là tỉnh Phú Thọ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Phú Thọ hiện nay.
5. Hợp nhất tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang, lấy tên là tỉnh Bắc Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bắc Giang hiện nay.
6. Hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, lấy tên là tỉnh Hưng Yên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.
7. Hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, lấy tên là thành phố Hải Phòng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Hải Phòng hiện nay.
8. Hợp nhất tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định; lấy tên là tỉnh Ninh Bình, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay.
9. Hợp nhất tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị, lấy tên là tỉnh Quảng Trị, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Quảng Bình hiện nay.
10. Hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, lấy tên là thành phố Đà Nẵng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Đà Nẵng hiện nay.
11. Hợp nhất tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi, lấy tên là tỉnh Quảng Ngãi, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Quảng Ngãi hiện nay.
12. Hợp nhất tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, lấy tên là tỉnh Gia Lai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bình Định.
13. Hợp nhất tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa, lấy tên là tỉnh Khánh Hòa, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Khánh Hòa hiện nay.
14. Hợp nhất tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Thuận; lấy tên là tỉnh Lâm Đồng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
15. Hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên, lấy tên là tỉnh Đắk Lắk, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay.
16. Hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh; lấy tên là Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
17. Hợp nhất tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước, lấy tên là tỉnh Đồng Nai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đồng Nai hiện nay.
18. Hợp nhất tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An, lấy tên là tỉnh Tây Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Long An.
19. Hợp nhất thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang; lấy tên là thành phố Cần Thơ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Cần Thơ hiện nay.
20. Hợp nhất tỉnh Bến Tre, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh; lấy tên là tỉnh Vĩnh Long, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Vĩnh Long hiện nay.
21. Hợp nhất tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp, lấy tên là tỉnh Đồng Tháp, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tiền Giang.
22. Hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau, lấy tên là tỉnh Cà Mau, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Cà Mau hiện nay.
23. Hợp nhất tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang, lấy tên là tỉnh An Giang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Kiên Giang.
Ảnh minh họa.
Bao giờ có tên gọi chính thức, cơ quan nào có thẩm quyền đổi tên tỉnh?
Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 đã quy định về thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính.
Theo đó, Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Bên cạnh đó, Luật quy định Chính phủ tổ chức xây dựng đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh trình Quốc hội.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Như vậy, khi sáp nhập tỉnh thì Quốc hội có thẩm quyền đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi văn bản xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và đề nghị bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và xem xét, thông qua 13 dự án luật để tiếp tục phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tại Kỳ họp thứ 9 (dự kiến khai mạc vào 5/5).
Hiến pháp cũng quy định Chính phủ có nhiệm vụ và quyền hạn trình Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đối với đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị bổ sung trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh tại Kỳ họp tháng 5 tới đây. Còn theo thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ ban hành các nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp cơ sở.
Bộ Nội vụ cho biết, dự kiến hoàn thành toàn bộ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 30/6 và cấp tỉnh là trước 30/8 để đến ngày 1/7 và 1/9/2025 các đơn vị hành chính đi vào vận hành theo tổ chức mới.
Theo Nghị quyết số 74/NQ-CP, Chính phủ đề ra kế hoạch tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp trước ngày 20/9/2025.
K.Hoàng (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)