Tập đoàn Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ vừa chính thức ra mắt thương hiệu cà phê mới E-Coffee song song với chuỗi Trung Nguyên Legend đang hoạt động.
Nếu như Trung Nguyên Legend là thương hiệu do chính tập đoàn sở hữu và vận hành thì hướng đi của E-Coffee là nhượng quyền. Đối tượng khách hàng mà chuỗi mới hướng tới có phần đa dạng hơn, trong đó, tập trung chủ yếu là phân khúc bình dân.
Chuỗi E-Coffee hoạt động theo hình thức nhượng quyền, hướng tới đối tượng khách hàng bình dân. (Ảnh: Truyên Nguyên).
Đại diện Trung Nguyên cho biết do hoạt động với hình thức nhượng quyền, doanh nghiệp đặt mục tiêu chuỗi này sẽ phát triển thần tốc và là thương hiệu cà phê có số lượng điểm kinh doanh dẫn đầu trên thị trường vào năm sau.
Hiện tại, số lượng cửa hàng nhượng quyền E-Coffee có mặt trên thị trường đã khoảng 100 điểm. Trung Nguyên dự báo cuối năm nay, con số này sẽ tăng gấp 3, và chỉ sau 1 năm, tức 2020, số lượng điểm kinh doanh sẽ tăng gấp 10 lần, cán mốc 3.000 điểm kinh doanh, phủ rộng khắp cả nước.
Dù mục tiêu đặt ra được xem là quá cao nhưng Trung Nguyên cho rằng điều này hoàn toàn sẽ thực hiện được, bởi sức mạnh của thương hiệu cà phê Trung Nguyên đối với khách hàng Việt Nam.
Đối tác mà chuỗi cà phê nhượng quyền “E-Coffee” của Tập đoàn Trung Nguyên hướng tới là những cá nhân có khát vọng khởi nghiệp bằng nghề cà phê, chủ cửa tiệm tạp hóa –quán cà phê truyền thống, các nhà bán lẻ hiện đại, các công ty trong lĩnh vực nhượng quyền, ẩm thực, du lịch, vận tải, bán lẻ,...
Đại diện Trung Nguyên cho hay thời gian này, ngoài chi phí ban đầu, hãng chưa thu phí nhượng quyền thương hiệu. Tuy nhiên, đến thời điểm nào Trung Nguyên thu phí nhượng quyền E-Coffee thì Trung Nguyên cũng không tiết lộ.
Trước khi ra mắt, Trung Nguyên của Đặng Lê Nguyên Vũ đã thử nghiệm chuỗi cà phê “E-Coffee” vào tháng 12/2017 với mong muốn tạo ra một hệ thống cửa hàng chuyên Cà phê Năng lượng – Cà phê đổi đời.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Trung Nguyên của Đặng Lê Nguyên Vũ nhượng quyền thương hiệu. Cách đây hơn chục năm, hàng loạt quán cà phê trên cả nước đều mang bảng hiệu Trung Nguyên, hoạt động theo hình thức nhượng quyền.
Tuy nhiên một thời gian sau, các cửa hàng này đã không còn nữa khi các chuỗi cà phê ngoại tấn công Việt Nam, và hàng loạt thương hiệu cà phê Việt khác mọc lên. Đây cũng là thời điểm Trung Nguyên của vua cafe Đặng Lê Nguyên Vũ tập trung cho chuỗi cửa hàng cà phê Trung Nguyên Legend theo định hướng mới.
Theo báo cáo của VIRAC, doanh thu của chuỗi cà phê Trung Nguyên năm 2018 đạt 350 tỉ đồng, đứng thứ 5 thị trường, sau Highlands Coffee, The Coffee House, Starbucks và Phúc Long.
Trong khi “vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ tham vọng có 3.000 cửa hàng bình dân trong năm sau thì vợ cũ của vua cà phê là bà Lê Hoàng Diêp Thảo cũng không kém cạnh với mục tiêu mở 1.000 quán cà phê khắp cả nước và sẽ khai trương quán King Coffee đầu tiên tại Mỹ và các quốc gia khác.
Trên trang cá nhân của mình, bà Lê Hoàng Diệp Thảo viết, “Nhìn thấy King Coffee được người tiêu dùng khắp nơi yêu thích, đặc biệt tại khắp các tỉnh thành Việt Nam, đó là niềm vui rất đặc biệt.
King Coffee phát triển lớn mạnh cũng có nghĩa sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm cho rất nhiều gia đình tại các trang trại cà phê cho đến nhà máy TNI King Coffee và tại các văn phòng TNI Corporation trên toàn thế giới. Mang lại công việc ổn định cho cộng sự, đem sản phẩm tốt đến khách hàng, đưa cà phê Việt Nam đi xa hơn nữa - đó là động lực để tôi cùng những đồng đội tiếp tục làm việc chăm chỉ và trách nhiệm hơn, với trọn vẹn những đam mê của mình”.
Nói về cuộc ly hôn giữa “vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, tranh chấp quyền điều hành tại Trung Nguyên chính là yếu tố quan trọng dẫn tới sự “kịch tính” trong các phiên tòa xét xử ly hôn của cặp đôi nghìn tỷ này.
Ngày 27/3/2019, HĐXX TAND TP.HCM có nhiều phán quyết trong đó đáng chú ý là bản án chia tài sản chung của vợ chồng ông Vũ, bà Thảo là bảy công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên theo tỉ lệ 6-4 cổ phần. Đồng thời, tòa giao cho ông Vũ sở hữu toàn bộ số cổ phần tại các công ty này và trả chênh lệch cho bà Thảo. Tuy nhiên, ngay sau đó phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đều kháng cáo.
Chưa hết, Tập đoàn Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ mới đây tiết lộ, sau khi kết hôn và bị thi rớt, không được tuyển vào làm việc tại Đài 1080 Buôn Ma Thuột, bà Lê Hoàng Diệp Thảo mới theo ông Vũ đến TP.HCM để kinh doanh cà phê đã rang xay. Ngoài ra, thông tin bà Thảo rêu rao về vai trò người sáng lập và chức danh Phó chủ tịch HĐQT Trung Nguyên là bịa đặt.
Trung Nguyên "tố" bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã cung cấp thông tin sai sự thật, bịa đặt ra bên ngoài về vai trò người sáng lập Trung Nguyên và Chức danh Phó Chủ tịch HĐQT
Phía ông Vũ cũng thẳng thừng tuyên bố, kể từ sau bản án sơ thẩm số 291/2019/HNGĐ-ST ngày 27/3/2019 của TAND TP.HCM trong vụ li hôn, bà Thảo và ông Vũ đã không còn là vợ chồng sau gần 20 năm chung sống.
“Bà Thảo luôn mạo danh vì tình yêu, nhân danh vì trách nhiệm đối với chống, với con để “khẩn thiết cứu chồng”; luông mạo danh trách nhiệm để “kêu cứu Trung Nguyên” nhằm che đậy cho âm mưu và hàng loạt các thủ đoạn thâm độc nhằm thực hiện dã tâm chiếm đoạt bằng được Trung Nguyên với mọi cách, không ngừng nghỉ vất cứ lúc nào và bất cứ phương cách nào để thực hiện các hành vi phá nát và làm tê liệt hệ thống vận hành của Tập đoàn Trung nguyên”, đại diện Tập đoàn Trung Nguyên nhấn mạnh.
Trước đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã tố cáo tập đoàn Trung Nguyên cắt ghép các tài liệu gửi cơ quan chức năng. Bà Thảo yêu cầu tòa hủy quyết định đã bãi nhiệm tư cách của bà - người đại diện theo pháp luật, vì cho là trái luật.
Như vậy, tính tới thời điểm hiện nay, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã khởi kiện tại 19 vụ kiện khác nhau trong quá trình tranh chấp tại Trung Nguyên, buộc Tòa áp dụng 12 Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Theo Danviet.vn