Nhớ hồi 96 - 97 mới về Việt Nam, ở Hải Phòng, cả hai mẹ con mình hay ốm nên đến bệnh viện Việt Tiệp và các phòng khám tư nhân thường xuyên. Vài lần nhân viên bệnh viện không kìm được sự ngạc nhiên bảo mình: “Cô là bệnh nhân/người nhà bệnh nhân khó tính nhất không mà tôi từng biết!”, “ Sao lại có người khó tính thế nhỉ?”. Và còn rất nhiều câu nói kiểu đó đã không được thốt ra (vì lịch sự, vì ngại lắm chuyện...) nhưng ánh mắt họ nhìn mình như nhìn vật thể lạ từ ngoài hành tinh khác đến là đủ nói lên tất cả.
Chỉ là vì mình hay muốn bác sĩ nghe mình kể triệu chứng, bệnh sử của con, nó đã từng uống những thuốc gì trước khi bác sĩ ghi y lệnh. Chỉ là mình hay hỏi bác sĩ về tác dụng của các loại thuốc trong toa mà bác sĩ kê. Có lần mình yêu cầu hộ lí thay tấm giấy trải giường dính đầy máu trước khi để con mình nằm lên thì bà ta trừng mắt nhìn mình nói:
- Máu thì sao?
- Thì sẽ có nguy cơ lây bệnh ạ.
- Làm sao mà lây được! Không khám thì thôi, đi chỗ khác!
- Nếu vậy thì tôi sẽ đi gặp giám đốc bệnh viện! Mình tuyên bố và thấy bà ta sững sờ, mất 3 phút mới hiểu được mình nói gì và khi đã hiểu rồi thì nhìn mình như con điên. Mình ngạc nhiên vì sự chủ quan, coi thường quy định của nhân viên bệnh nhân thì ít mà ngạc nhiên vì thái độ của các bệnh nhân khác xung quanh mình lúc đó thì nhiều.
Thật kinh ngạc: họ cũng nhìn mình như nhìn người từ hành tinh khác đến! Họ chưa bao giờ đòi hỏi những điều sơ đẳng như vậy. Họ cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện gặp giám đốc bệnh viện để giải quyết vấn đề của họ. Họ xem việc được khám bệnh như nhận sự ban ơn (dù họ đã trả tiền cho dịch vụ đó). Và có lẽ lúc họ làm việc, họ cũng xem mình đang làm giúp người khác (mà đã giúp thì đừng đòi hỏi) cho dù họ nhận lương/tiền từ người khác vì công việc họ đang làm.
Đã có lần mình bế con chạy thẳng ra khỏi một phòng khám tư nổi tiếng ở Hải Phòng. Họ nổi tiếng mát tay vì chữa khỏi bách bệnh của trẻ con ngay lập tức. Mình đến và thấy 3 cái lò đun nước đang sôi sùng sục, 6 người đang lăm le kim tiêm và một dãy các mẹ bế trẻ con ngồi chờ. Đến lượt con mình họ bảo: “Kéo quần nó xuống, quay mông lại đây!”.
- Ơ, chưa khám mà? Chưa khám sao đã biết bệnh gì mà tiêm? Mà tiêm thuốc gì vậy chứ?
- Thuốc cho khỏi bệnh. Muốn khỏi bệnh thì phải tiêm. Ai đến đây cũng tiêm hết
- Vậy thì thôi, tôi về, không tiêm!
Trời ơi, điều đáng nói là cả dãy các bố, các mẹ ôm con ngồi chờ khám nhìn mình như nhìn vật thể lạ hay bệnh nhân thần kinh vừa sổng khỏi bệnh viện! Đây cũng không phải là chuyện chỉ có ở Hải Phòng, về Sài Gòn mình cũng gặp chuyện tương tự. Nhưng ý mình không muốn bàn đến y đức hay y khoa ở đây (có nhiều người trong ngành y đúng là từ mẫu).
Cũng những năm 90, có lần mình xếp hàng mua vé tàu ở ga Vinh. Hàng dài (máy có 2 cái song sắt chạy dọc trước quầy vé nên mới thành hàng chứ không phải xếp hàng tự nguyện đâu), một người đàn ông trẻ chen ngang, thản nhiên thò tay chìa tiền vào ô cửa mua vé. Người bán vé cũng đã định cầm tiền và xé vé, những người đang xếp hàng cũng không ai nói gì (quen rồi). Mình lên tiếng yêu cầu anh ta xếp hàng. Cả anh ta, cả người bán vé, cả dãy dài khách đang xếp hàng nhìn mình như vật thể lạ, làm như thể mình đã bất lịch sự khủng khiếp khi yêu cầu điều đó.
Một chuyện tương tự cũng xẩy ra ở ga Sài Gòn. 20 năm đã qua, có thể tình hình đã khác. Mà có khi bây giờ cũng chẳng khá hơn: nhiều khi mình vẫn bị nhìn như vật thể lạ, như bà cô khó tính (hề hề, mà hồi đó mình không phải là bà cô đâu nhá).
Mình có thể cố gắng hết sức để dạy tốt hơn nhưng cũng yêu cầu sinh viên của mình học hành nghiêm túc. Mình có thể rất lịch sự với sinh viên (lúc này mình được xem là vật thể lạ) nhưng mình cũng yêu cầu sinh viên lịch sự lại với mình (mình được cho là bà cô khó tính). Mà vấn đề mình muốn nói là những việc khác chứ không phải là sinh viên...
Nếu như những hành khách trên chuyến tàu định mệnh yêu cầu được cung cấp đủ áo phao ngay từ khi bước lên tàu, họ có thể đã bị xem là khó tính khác thường. Nếu như họ mặc áo phao ngồi trên tàu họ có thể bị xem là vật thể lạ. Nếu như họ yêu cầu chủ tàu lấy số lượng khách vừa phải thôi, họ có thể bị xem là problem makers - không phải chỉ từ phía chủ tàu, mà còn từ chính những hành khách khác cũng nên. Chỉ vì sự dễ dãi của người lớn mà những đứa bé chết tức tưởi.
Mình nhớ lần đầu đi xe khách, mình đã nỗ lực tìm thắt lưng an toàn, khi tìm ra lại không kéo lên khỏi ghế được (bị giấu kín dưới ghế) nên nhờ phụ xe giúp. Cả phụ xe, cả các hành khách xung quanh đã nhìn mình như đứa dở người: ai lại thắt dây an toàn! Sau, mình rút kinh nghiệm, len lén lấy cái khăn phủ lên trên dây an toàn sau khi thắt - để khỏi bị dòm ngó như vật thể lạ! Mà nhiều xe còn không có thắt lưng an toàn nữa!
Hành khách chen chúc trên xe và không hề thắt dây an toàn (Ảnh minh họa)
Các đồng nghiệp người nước ngoài của mình khi đi trên đường phố Việt Nam đã phải trợn tròn mắt kinh ngạc trước cảnh cha mẹ chở trẻ con trên xe máy, cho ngồi vắt vẻo phía trước, hoặc được mẹ ngồi sau xốc nách cho đứng trên yên xe, phía sau lưng người cầm lái. Chỉ một va chạm nhỏ thôi là họ có thể không còn con nữa. Không ai nghi ngờ vào tình yêu thương vô bờ bến họ dành cho con mình, thậm chí sẵn sàng hy sinh tính mạng cho con mình - nhưng họ lại có thể đặt tính mạng con mình nghìn cân treo sợi tóc như vậy. Nhiều lần mình cầm lòng không đặng lại thốt ra lời nhắc nhở về sự hiểm nguy - chưa bao giờ mình được cảm ơn, chỉ thấy họ nhìn mình cảnh giác cao độ! Người Việt Nam mình vậy đấy, dễ đồng cảm với nỗi đau, rơi nước mắt khi tai nạn xảy ra nhưng lại vô cùng thờ ơ với việc phòng ngừa nó.
Thanh Tú (TH) (Theo Giadinhvietnam.com)