Lộ trình ban hành bảng lương theo vị trí việc làm khi sáp nhập tỉnh, xã (Tờ trình 920)
Tại Tờ trình 920/TTr-BNV ngày 02/4/2025 về Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) (Tài liệu phục vụ thẩm định)
Hiện nay, thực hiện Luật Cán bộ, công chức hiện hành, 100% các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm, tuy nhiên còn gắn với cơ cấu ngạch công chức và bảng lương hiện hành.
Vì vậy, trong thời gian chưa thiết kế bảng lương mới theo vị trí việc làm, việc thực hiện từng bước chuyển đổi sang cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm vẫn áp dụng các ngạch lương hiện hành, nên không tạo ra sự xáo trộn lớn.
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), các bộ, ngành, địa phương sẽ hoàn thiện lại Đề án vị trí việc làm cho phù hợp để chuyển dần sang cơ chế quản lý mới theo lộ trình.
(Ảnh minh họa).
Tại Điều khoản chuyển tiếp Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) cũng nêu:
Do việc chuyển đổi cơ chế quản lý cán bộ, công chức từ ngạch, bậc sang vị trí việc làm, không gắn với cơ cấu và ngạch công chức liên quan đến con người, cần có lộ trình phù hợp để chuyển đổi tư duy, nhận thức đến hành động trong bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, cũng như gắn với việc ban hành bảng lương mới theo vị trí việc làm.
Vì vậy, đề nghị giao Chính phủ xây dựng lộ trình, ban hành quy định từng bước chuyển đổi quản lý theo vị trí việc làm trong thời hạn 05 năm tính từ ngày Luật này có hiệu lực.
Trong thời hạn 05 năm, việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng và trả lương cán bộ, công chức tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ (khoản 2 Điều 53).
Đề xuất phân loại và nội dung vị trí việc làm cán bộ công chức
Căn cứ Điều 19 dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) quy định phân loại, nội dung vị trí việc làm cán bộ công chức như sau:
- Vị trí việc làm bao gồm vị trí việc làm cán bộ và vị trí việc làm công chức.
- Vị trí việc làm của công chức gồm:
+ Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý;
+ Vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ;
+ Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
Đối với vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ thì cơ quan quản lý công chức có thể ký kết hợp đồng lao động để thực hiện.
- Cơ quan quản lý công chức có thể ký kết hợp đồng lao động đối với những người có tài năng, chuyên gia, nhà khoa học để thực hiện một số công việc chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Nội dung vị trí việc làm của cán bộ
+ Tên gọi vị trí việc làm;
+ Tiêu chuẩn chức vụ, chức danh;
+ Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm.
- Nội dung vị trí việc làm của công chức
+ Tên gọi vị trí việc làm;
+ Bản mô tả công việc (nội dung công việc và kết quả của công việc, khung năng lực).
(Ảnh minh họa).
Đề xuất về căn cứ xác định vị trí việc làm công chức
Theo Điều 20 dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) quy định về căn cứ xác định vị trí việc làm công chức như sau:
- Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức;
- Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành;
- Mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số;
- Ngoài quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều này, các cơ quan, tổ chức ở địa phương tùy theo vị trí địa lý; tính chất, quy mô, cơ cấu dân số; tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; tình hình an ninh - trật tự của địa phương để cụ thể thêm cho phù hợp.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)