Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết, Quyết định số 759/QĐ-TTg phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Đề án nêu rõ trên cơ sở nghiên cứu lịch sử hình thành, phát triển, quá trình sắp xếp đơn vị hành chính các cấp ở Việt Nam, cơ sở khoa học về các yếu tố cấu thành đơn vị hành chính cấp tỉnh và kinh nghiệm quốc tế, đề xuất 6 tiêu chí sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm: Diện tích tự nhiên; quy mô dân số; tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hoá, dân tộc; tiêu chí về địa kinh tế; tiêu chí về địa chính trị; tiêu chí về quốc phòng, an ninh.
Căn cứ vào 6 tiêu chí và định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025, Kết luận số 130-KL/TW ngày 14/3/2025 và kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025, Chính phủ đã nghiên cứu kỹ lưỡng, đa chiều với tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương thông qua.
Theo đó, tổng cộng 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ thực hiện việc sắp xếp, gồm 04 thành phố trực thuộc Trung ương và 48 tỉnh:
04 thành phố: TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng và TP. Cần Thơ.
48 tỉnh: Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Cà Mau, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Kiên Giang.
Đây là một trong những đợt cải cách hành chính quy mô lớn và toàn diện nhất kể từ sau thời kỳ đổi mới, phản ánh quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong việc tái cấu trúc không gian hành chính – phát triển – dân cư, hướng tới xây dựng một nền hành chính hiện đại, tinh gọn, hiệu lực – hiệu quả.
Cao Bằng là tỉnh duy nhất trên cả nước có diện tích tự nhiên chưa đạt theo quy định nhưng không trong diện dự kiến sáp nhập.
Riêng đối với tỉnh Cao Bằng, đây là tỉnh duy nhất trên cả nước có diện tích tự nhiên chưa đạt theo quy định (6.700,4km2 chỉ đạt 83,8% tiêu chuẩn) nhưng không thực hiện sắp xếp.
Nguyên nhân vì những lý do sau:
1. Cao Bằng là tỉnh có đường biên giới quốc gia rất dài, giáp với nước Trung Quốc, có địa hình đồi núi cao chia cắt phức tạp, hiểm trở với gần 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.
2. Các tỉnh giáp ranh đều không phù hợp để sắp xếp, sáp nhập. Phía Tây giáp tỉnh Hà Giang đã dự kiến sáp nhập với Tuyên Quang thành một tỉnh mới với diện tích tự nhiên lớn.
Phía Nam giáp với tỉnh Bắc Kạn nhưng đã dự kiến sáp nhập với tỉnh Thái Nguyên.
Phía Đông giáp với tỉnh Lạng Sơn có diện tích lớn và đã bảo đảm đạt 100% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích và quy mô dân số, nếu sáp nhập tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn sẽ giúp hình thành một tỉnh mới với chiều dài đường biên giới lớn, khó khăn trong công tác bảo đảm quốc phòng an ninh.
Cao Bằng là tỉnh miền núi, nằm ở vùng Đông Bắc Bộ, tiếp giáp Trung Quốc với đường biên giới dài gần 333km. Tỉnh có vị trí chiến lược cả về quốc phòng và giao thương quốc tế, với cửa khẩu Tà Lùng và Trà Lĩnh đóng vai trò quan trọng trong kết nối thương mại xuyên biên giới.
Cao Bằng là vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, nổi bật với các lễ hội truyền thống như lễ hội Lồng Tồng (xuống đồng), lễ hội pháo hoa Quảng Uyên, hát then – đàn tính, tục cấp sắc của người Dao. Ẩm thực phong phú với đặc sản như bánh khảo, hạt dẻ Trùng Khánh, phở chua, lạp xưởng hun khói.
Nơi đây nổi tiếng với Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, thác Bản Giốc – một trong những thác nước lớn và đẹp nhất Đông Nam Á, động Ngườm Ngao, khu di tích Pác Bó – nơi Bác Hồ trở về lãnh đạo cách mạng năm 1941.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)