Ngày 8/12, với đa số đại biểu tán thành, HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết về đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Một trong những điểm mới của đồ án là đề xuất mô hình thành phố trong Thủ đô để tạo các cơ chế chính sách đặc thù vượt trội. Đó là thành phố phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía Nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa).
Ban soạn thảo cho rằng việc định hướng xây dựng các thành phố trên nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các khu chức năng về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ, logicstics, thương mại quốc tế, tài chính và để hình thành các động lực, trung tâm phát triển mới của Thủ đô.
Trong ảnh là Thị trấn Vân Đình - Ứng Hòa
Nằm ở Phía Nam của Thủ đô, huyện Ứng Hòa có diện tích tự nhiên khoảng 183.000km2 cùng dân số hơn 215.000 người (2022). Với lợi thế vị trí quan trọng, huyện là đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa, tạo động lực phát triển khu vực phía nam của Thủ đô.
Cùng với Ứng Hòa, huyện Phú Xuyên là khu vực được đề xuất quy hoạch trở thành thành phố thứ 3 của Hà Nội, huyện có diện tích khoảng 170.000km2 cùng dân số hơn 226.000 người (2020).
Trong ảnh là Thị trấn Phú Xuyên - huyện Phú Xuyên
Huyện Phú Xuyên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, ở vị trí cửa ngõ Thủ đô với nhiều tuyến đường giao thông quan trọng đi qua như Quốc lộ 1A, tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường sắt, đường thủy qua địa bàn làm cho vị trí của huyện có lợi thế đặc biệt cho phát triển kinh tế - xã hội. Huyện Phú Xuyên là nơi giữ gìn được nhiều nét văn hoá truyền thống với các làng cổ, làng nghề đặc sắc.
Trong ảnh là Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc
Ngoài ra, trước đó Hà Nội cũng có định hướng quy hoạch thành phố phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và thành phố phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai) có tổng diện tích 884km2, trong đó đất đô thị lên tới 520km2. Đến năm 2045, hai thành phố mới của Thủ đô có dân số khoảng 4,45 triệu người.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)