Theo kết quả vừa được Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố, qua 8 năm triển khai Đề án điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội (Đề án Tây Bắc) đã hoàn thành được bản đồ địa chất - khoáng sản trên 13.381 km, bao phủ vùng Tây Bắc.
Kết quả nổi bật của đề án này là việc phát hiện 110 mỏ khoáng sản thuộc 25 loại khoáng sản quý, quan trọng. Trong đó, có tới 40 mỏ vàng với tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 29,9 tấn vàng.
40 mỏ vàng được phát hiện có trữ lượng gần 30 tấn. (Ảnh minh họa)
Trong 40 mỏ vàng trên, có 14 mỏ trung bình, 26 mỏ nhỏ, phân bổ tại các tỉnh: Tuyên Quang và Bắc Kạn mỗi tỉnh 8 mỏ, Lai Châu 5 mỏ, Thanh Hóa và Nghệ An mỗi tỉnh 4 mỏ, Cao Bằng và Lạng Sơn mỗi tỉnh 3 mỏ, Hà Giang (Yên Bái), Sơn La mỗi nơi 2 mỏ, Điện Biên 1 mỏ.
Hai khu vực phát hiện nhiều mỏ vàng nhất là tỉnh Tuyên Quang và Bắc Kạn, các nhà nghiên cứu phát hiện mỏ vàng được phân bố khá sâu.
Tại Tuyên Quang các mỏ vàng là phần nhân của nếp lồi Đạo Viện có trục kéo dài theo hướng đông Bắc - tây Nam. Vàng được phát hiện khi khoan xuống độ sâu 220 m. Chuyên gia cho rằng, các thân quặng vàng ở dưới sâu, tối đa lên đến 500 m nên cần được điều tra, đánh giá tiếp.
Số lượng các mỏ vàng phân bố tại các tỉnh. Riêng Tuyên Quang, Bắc Kạn mỗi tỉnh 8 mỏ.
Tại Bắc Kạn, nhà nghiên cứu phát hiện nhiều thân quặng vàng bắt đầu độ sâu 140 m, khả năng phát hiện thêm các thân quặng dưới sâu, quặng ẩn, đến độ sâu khoảng 200 - 250 m theo hướng cắm hoặc sâu hơn.
Còn tại tỉnh Lai Châu, các nhà nghiên cứu phát hiện vàng nằm trong các đới cà nát, milonit (đá biến chất động lực hạt mịn) dọc theo đới đứt gãy phương tây bắc - đông nam. Đây là khu vực có thân quặng tồn tại ở phần sâu, có triển vọng phát hiện quặng vàng ẩn sâu nên cần được đầu tư điều tra, phát hiện.
Theo ông Trần Quý Kiên - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường - đánh giá, Đề án Tây Bắc có ý nghĩa quan trọng, góp phần cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản và phục vụ mục tiêu phát triển bền vững khu vực Tây Bắc.
Trong thời gian tới, ngành địa chất và khoáng sản Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao dữ liệu để các địa phương khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên; tiếp tục điều tra chuyên sâu vào các khu vực khoáng sản ẩn sâu và bổ sung điều tra theo chỉ đạo của bộ; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và đào tạo cán bộ địa phương trong sử dụng cơ sở dữ liệu địa chất - khoáng sản đã bàn giao.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)