Lao đao một phận đời
Chị Lê Thị Nền sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Thanh Hóa. Hạnh phúc gia đình tan vỡ, chị dắt hai con gái vào miền Nam làm thuê kiếm sống. Sau thời gian dài lao động vất vả, chị cũng tích cóp được tiền mua đất và xây nhà ở Bình Tân (TP.HCM).
Ở tuổi “xế chiều”, chị tìm thấy sự đồng cảm và qua lại với người đàn ông thứ hai theo cách “già nghĩa, non chồng”. Đến năm 2003, chị Nền sinh được một bé gái kháu khỉnh với người này.
Không lâu sau, chị phát hiện người đàn ông bên mình cùng lúc có mối quan hệ tình cảm với nhiều người phụ nữ, thậm chí có vợ khác. Tệ bạc hơn, người chồng hờ này đã tìm cách bán căn nhà ở Bình Tân và chiếm đoạt tài sản, đồng thời đưa con gái út về ở chung với người dì ghẻ cay nghiệt.
Mất nhà, phải sống xa con gái út, cuộc sống của chị lại thêm bao nỗi gian truân. Chị phải làm đủ nghề từ buôn bán ngoài chợ đến giúp việc để trang trải cho cuộc sống.
Chị Nền đã phải trải qua bao đắng cay, chìm nổi trong đời.
Nhiều lần đi chợ, chị nghe mọi người nói rằng đi nước ngoài lao động sẽ kiếm được nhiều tiền gửi về cho gia đình. Cùng lúc đó, ông Tư Mạnh (người hàng xóm cũ) cho chị số điện thoại của người em vợ tên là Hùng (cùng quê Thanh Hóa, sống tại Bình Tân), người này thường xuyên đưa người đi ra nước ngoài làm ăn. Chị biết đến vợ chồng Hùng và bàn tính chuyện đi làm ăn xa từ đó.
Vợ chồng Hùng cho chị học tiếng Thái Lan, hứa sẽ đưa chị sang Ma Cao làm ôsin để có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Họ bảo muốn đi nước ngoài phải có hộ chiếu nên yêu cầu chị Nền đưa 5 triệu đồng làm giấy tờ. Cuối cùng, kết quả như chị Nền nói: “Họ cũng là người Thanh Hóa quê tôi, hơn nữa bây giờ là chòm xóm, tôi cũng tìm hiểu mấy tháng trước khi đi. Nhưng không ngờ, tụi nó mưu mô lấy tiền và thông đồng với bà Vinh (cháu ông Tư Mạnh, qua Trung Quốc hơn 20 năm) lừa bán tôi sang đó”.
Những tháng năm chìm đắm trong đau khổ
Sáng mùng 6 Tết năm 2008, chị Nền được ông Hùng giao cho một người đàn ông tên Hiển (cháu của ông Hùng). Hiển đưa chị Nền ra bến xe Ngã Tư Ga, quận 12 (TP.HCM) mua vé xe đi Nam Định.
Mùng 7 Tết xe đến gần bến xe Nam Định, chị Nền được chuyển sang xe để đi cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Trên đường đi, chị thấy mọi người trên chuyến xe có vẻ mặt rất lo sợ, lén lút, Hiển thì theo sát chị như hình với bóng. Sau một ngày di chuyển, chi Nền được đưa tới nhà bà Vinh ở Trung Quốc.
Chị Nền kể: “Ngay ngày hôm sau, tôi phải làm đủ công việc ở nhà bà Vinh như dọn dẹp nhà cửa, bỏ phân, phun thuốc cỏ cho vườn cam. Tôi làm được 20 ngày nhưng không nhận được đồng tiền công nào.
Bà Vinh chỉ nuôi tôi ăn và nói sẽ có người đến thuê tôi làm việc. Sau đó, một người đàn ông Trung Quốc đến nhà bà Vinh, lúc này có khá nhiều phụ nữ người Việt, ông này nhìn một lượt rồi bảo tôi theo về nhà giúp việc.
Tôi không biết tiếng, bà Vinh bảo cứ yên tâm đi theo. Về nhà người đó, tôi mới biết mình đã bị bà ta bán với giá 4.000 nhân dân tệ (khoảng 13 triệu đồng - PV)”.
Chị Nền vừa khóc vừa kể lại câu chuyện cuộc đời đầy éo le với các PV.
Người đàn ông mua chị Nền tên là Tạ Sĩ Phong (65 tuổi, đã có vợ, sống chung với ba người con và cháu dâu). Ngôi nhà nhỏ của ông Phong nằm sâu trong rừng núi, dân cư thưa thớt thuộc thành phố Dương Xuân (Quảng Đông, Trung Quốc).
Vào mùa đông, tiết trời buốt giá nhưng chị Nền vẫn phải lên đồi cắt cam từ sáng sớm đến tận chiều tối. Mùa thu hoạch cam diễn ra trong 3-4 tháng, suốt thời gian đó chị không có thời gian ngơi nghỉ. Các con của ông Phong lại liên tục gây khó khăn khiến chị Nền phải chịu đựng bao đắng cay, uất hận trong cuộc sống.
Mấy năm ròng không có cách nào liên lạc được với người thân, chị nhớ con đến nỗi gặp ác mộng. Chị kể:“Tôi mơ thấy con bé út bị ai đó bắt đi. Sau giấc mơ hôm đó, tôi đổ bệnh, mê sảng không biết gì nằm một chỗ trong vòng 7 tháng trời. Mọi người nói tôi bị điên, những người hàng xóm nói ông Phong đem tôi ra suối hoặc lên đồi vứt đi”.
Đứng trước hoàn cảnh éo le, chị Nền đã cố gắng hết sức vượt qua mọi đau đớn về thể xác và tinh thần để vực dậy sống tiếp, mong mỏi ngày trở về. Chị đấu tranh đến cùng để đi làm bên ngoài, dò hỏi thông tin về bến xe, đợi cơ hội chạy trốn.
“Tôi làm ở nhà hàng gần 3 năm mới có thể biết sơ sơ đường đi lối lại, lộ trình của xe cộ. Hai đứa cháu bà chủ ghi cho tên mấy chuyến xe ra miếng giấy nhỏ, tôi phải giữ thật kỹ. Bà Vinh mà biết chuyện bỏ trốn là thuê người đánh tôi bầm dập liền” – chị Nền kể lại.
“Mùng Một Tết năm 2014, tôi đi tay không định bỏ trốn nhưng chưa đón được xe thì bị ông Phong bắt được. Lúc đó, tôi nói dối là đi mua đồ.
Đến sáng mùng hai Tết, tôi nói với ông Phong là lên chợ khâu lại cái khăn về quấn cổ trong dịp Tết chứ nó bị chuột cắn rách rồi. Lên tới chợ, tôi mua một cái khăn để che mặt, một mắt kính rồi đưa mảnh giấy tên xe, bến xe cho tài xế.
Mãi đến 17h mùng hai Tết, tôi mới lên được xe khách. Đến đêm, cảnh sát Trung Quốc kiểm tra giấy tờ tùy thân, tôi che kín mặt, giả vờ rên như người bệnh để không ai chú ý, 1h sáng mùng ba tôi về đến Móng Cái” – Cảnh sống ê chề nơi xứ người của người đàn bà bất hạnh chính thức khép lại từ đó.
Đã được 5 tháng từ ngày chị Nền trở về, mọi người trong ấp 2 vẫn chưa hết ngỡ ngàng. Họ càng không thể tin, chị Nền lại có thể trốn thoát ngoạn mục như thế. Chị Nguyễn Thị Lan, nhà kế bên, chia sẻ: “Thấy chị ấy tôi với mấy người ở đây bất ngờ lắm, không ai tin là chị có thể trở về khỏe mạnh, lành lặn như thế”.
Hạnh phúc khi trở về đoàn tụ cùng con cháu
(Trong ảnh: chị Nền đang khoe tấm hình cháu ngoại).
Trở về, chị đã đón cô con gái út từ nhà gã chồng hờ về nuôi, hằng ngày chị vẫn đi giúp việc cho một gia đình gần đó, 2 con gái lớn của chị cũng đã yên bề gia thất. Bên cạnh niềm vui đoàn tụ khôn xiết, giờ đây chị và các con vẫn đang phải sống trong nỗi lo sợ những kẻ xấu trả thù.
Phương - cô con gái đầu của chị không giấu được nỗi lo lắng: “Từ ngày mẹ về, chúng tôi vui không kể hết được nhưng lúc nào cũng phải đề phòng. Mẹ đi đâu cũng phải có người quen đi cùng chứ sợ bị bọn người lừa bán sang Trung Quốc tìm đến trả thù lắm”.
Tri thức trẻ