Đêm chòi rẫy kinh hoàng ấy vẫn còn là ác mộng trong tâm trí mỗi người dân địa phương. Với người cha tàn độc này thì quãng đời còn không chỉ sống trong ngục tù mà còn bị dằn vặt bởi tội ác chẳng thể xóa nhòa “hổ dữ ăn thịt con”.
Ký ức buồn cha con “không đội trời chung”
Gần một năm kể từ ngày xảy ra vụ án kinh hoàng tại thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước), nhưng mỗi khi nhắc lại những điều tra viên kinh nghiệm của phòng điều tra tội phạm về TTXH (PC 45) từng tham gia vụ án vẫn không khỏi rùng mình.
Bị can Thế trong trại giam.
Án mạng xót lòng hơn nữa khi hung thủ là người cha chịu thương chịu khó Hoàng Minh Thế (SN 1963) sau nhiều năm nén nhịn nghịch tử Hoàng Minh Đông (SN 1986) đã lạnh lùng chém nhiều nhát xối xả vào đứa con đứt ruột đẻ ra, không thương tiếc.
Trước mắt chúng tôi là một người đàn ông tóc đã điểm sương, vẻ mặt có vẻ hốc hác. Tuy nhiên, cái dáng vẻ chân chất hiền lành cùng giọng nói thều thào cũng một người đồng bào dân tộc thì không lẫn vào đâu được. Nếu như không khoác lên mình chiếc ao tù thì chẳng ai ngờ, Thế chính là hung thủ ra tay sát hại chính con ruột của mình.
Khi được hỏi về vụ án mà bản thân trực tiếp gây ra, khuôn mặt của Thế tái lại và tối sầm đi, nước mắt trào ra trên khóe mắt. “Bị can do giận quá mất khôn nên dùng dao chém chết con mình. Từ ngày vào đây chẳng đêm nào ngủ được, cái đêm kinh hoàng ấy cứ ám ảnh bị can đến tận bây giờ”, Thế nói trong nước mắt. Cố nén giữ cảm xúc, người đàn ông kể lại chuỗi ngày dài tha phương kiếm sống, xung đột triền miên, dai dẳng không thể lắng dịu giữa mình và người con trai.
Người đàn ông này là con út trong một gia đình nông dân, người dân tộc Tày ở huyện miền núi thuộc tỉnh Cao Bằng. Tuổi thơ vất vả cơ cực, nhà nghèo lại đông anh em nên đang học dở lớp 7, Thế phải bỏ ngang. Từ đó, cuộc sống của Thế gắn liền với đồi núi chập chùng, cùng công việc cài bẫy bắt chim muông nơi miền rừng Tây Bắc.
Người đồng bào sống tận những nơi hẻo lánh, xa xôi nên chẳng có một nghề gì cho ổn định, Thế cũng vậy. Phải mưu sinh đủ thứ công việc để tự nuôi sống bản thân. Xong những vụ mùa trên nương đồi, Thế lại lang thang đế những vùng quê lân cận để tìm việc làm. Nghèo khó cứ bám riết nên khi luống tuổi chàng trai mới nghĩ đến đường vợ con. Thế nên duyên với một người con gái trong bản là Nông Thị Vẻ.
Năm 1985, hưởng ứng chủ trương xây dựng kinh tế mới của Đảng và Nhà nước, Thế cùng vợ vào đất Đồng Nai lập nghiệp. Hạnh phúc như đủ đầy hơn khi trên vùng đất mới một năm, đứa con trai ra đời, cặp vợ chồng gửi bao hy vọng đặt tên là Hoàng Minh Đông.
Vài năm sau đó, vợ chồng có thêm 2 người con, đủ cả trai lẫn gái. Các con của Thế do hoàn cảnh khó khăn nên cũng chỉ được đi học cho biết cái chữ. Năm miệng ăn trong gia đình đều cậy nhờ vào đồng tiền ít ỏi từ công việc nhổ cỏ mì, cạo mủ cao su cho các hộ dân trong vùng.
Tuy cực khổ nhưng do bản tính siêng năng làm lụng và chắt bóp chi tiêu nên 10 năm sau đó vợ chồng có một chút vốn liếng kha khá. Họ quyết định chuyển nơi sinh sống đến xã Bom Bo, huyện Bù Đăng (Bình Phước) mua 4ha đất rẫy, trồnng điều để gây dựng cuộc sống.
Thế buồn bã kể: "Từ nhỏ, thằng Đông bản tính ương bướng, lầm lì. Bản thân tôi cũng nóng tính, trong dạy bảo con cái thường dùng đòn roi nên khiến đứa con chai lì, trong nói năng ngày càng tỏ ra thô lỗ với cha mẹ. Không khí gia đình luôn căng thẳng bởi chuyện cha con xung khắc triền miên. Nhà thì còn khó khăn nhưng Đông rất lười biếng, siêng ăn nhác làm, chè rượu bê tha. Cũng vì bản thân tôi là cha không tốt, thường hay uống rượu nên âu cả là chuyện “nhà dột từ nóc”", Thế ân hận.
Sống cùng cha mẹ nhưng Đông có thái độ vô cùng bất kính. Quá quắt hơn, đứa con trai còn nhiều lần cầm dao đe dọa, đòi cha mẹ phải phân chia tài sản. Nhiều cuộc cãi lộn đòi quyền lợi xảy ra, vì thế mà không khí gia đình hết sức nặng nề. Thế phân trần: “Con thì tôi có ba đứa, phân chia đất đai thì phải chia đều. Trong khi nó chưa có vợ con, vẫn còn sống với cha mẹ lại đòi hỏi quá đáng nên tôi không đồng ý. Lý do cha con xung khắc của chỉ có vậy”. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là vào năm 2008, khi Thế đã nhậu say nằm ngủ thì bị Đông khóa cửa ngoài và dùng lửa đốt cháy căn chòi trong rẫy.
Đêm kinh hoàng trong chòi rẫy
May mắn cho Thế là giữa lúc nửa đêm, lửa bốc cháy bừng bừng nên được bà con hàng xóm phát hiện, chạy đến phá cửa giải cứu kịp thời. Thế bị phỏng toàn thân và được đưa đi cấp cứu điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh suốt nửa năm trời. Vụ phỏng nặng khiến Thế mất hơn 70% sức lao động. Vì là cha con nên gia đình không báo lên chính quyền, cơ quan chức năng để khởi tố vụ án hình sự. Nhưng cũng từ đó, hai cha con trở thành kẻ thù không đội trời chung. Đứa con bất hiếu sau vụ việc ngầm giết cha vở lở, bỏ đi biệt tăm biệt tích, làm mướn một thời gian dài không về nhà.
Một năm sau ngày hỏa hoạn, gia đình phải bán rẻ 4ha đất ở Bòm Bo chuyển đến Phú Văn mua 3ha đất rẫy để canh tác sản xuất. Đến năm 2010, Đông trở về Bình Phước, tiếp tục đòi đất rẫy, bị cự tuyệt nên Đông đốt một căn chòi trên đất của gia đình. Sau đó, Đông lại bỏ đi tiếp.
Tháng 9/2013, Đông trở về nhưng không dám về nhà vì sợ cha chửi nên tá túc ở nhà hàng xóm. Để thực hiện ý định giành đất, sau đó, Đông dựng căn chòi nhỏ trong vườn nhà “cố thủ”. Trước khi gây án khoảng 10 ngày, Thế vào vườn làm nhưng Đông không cho. Đứa con bất trị còn lấy đá đuổi theo chọi vào người ông Thế. Từ đó, Đông cấm ông Thế vào vườn canh tác vì “Đây là vườn của tao. Mày mà vào là tao lấy mạng mày ”. Trong chòi của Đông lúc nào cũng chuẩn bị sẵn một con dao nhọn và buông lời hăm dọa sẽ giết ông Thế để lấy vườn. Biết được điều này, lựa lúc Đông đi vắng ông Thế đã đến và lấy con dao này đem về cất. Con dao này cũng chính là hung khí của vụ án đau lòng xảy ra sau này.
Căm giận đứa con bất trị, Thế cho rằng “không giết nó thì nó cũng giết mình” nên đã ngầm nghĩ kế hoạch sát hại Đông. Đêm xảy ra vụ án, Thế uống rượu rất nhiều, nghĩ về “mối thù chưa trả” nên cơn giận trong người bốc lên. Không kiềm chế được bản thân, khoảng 0h một ngày đầu tháng 10/2013, Thế điều khiển xe gắn máy mang một con dao phay đến chòi rẫy gần nhà.
Lúc này, Đông đang ngủ với bạn là Hoàng Văn Triệu trong chòi. Khi đến rẫy, Thế dựng xe cách chòi khoảng 100 mét đi bộ vào trong rồi dùng đèn của điện thoại di động để tìm đứa con trai. Phát hiện có người vào chòi, Đông liền hỏi: “Ai vậy”. Nghe tiếng của Đông, Thế biết vị trí của đứa con nằm liền tắt đèn rồi tiến đến chém nhiều nhát vào người. Triệu cũng vùng dậy thì bị Thế chém liên tiếp vào tay và đùi. Đông thấy vậy liền vùng bỏ chạy ra khỏi chòi, nhưng chỉ độ khoảng 7 mét thì gục ngã và kêu lớn: “Triệu ơi cứu tao”.
Thế tiếp tục chém liên tiếp nhiều nhát vào mặt cổ, bụng, mặt khiến Đông nằm bất động. Lúc này biết Đông đã chết, Thế cầm dao ra xe đi về nhà tắm rửa rồi đi ngủ. Còn Triệu chạy ra vườn mì cách chòi 43 mét sau đó gọi điện cho người thân đến đưa đi cấp cứu.
Tại Bản giám định số: 269/2013/GĐPY ngày 7/10.2013 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Phước kết luận: Nạn nhân Đông bị vật sắc nhọn, bản mỏng chém nhiều lần vào vùng đầu, mặt, cổ gây đứt sương sọ, đứt tổ chức não, bứt bó mạch thần kinh cảnh, đứt khí quản dẫn đến tử vong. Còn nạn nhân Triệu sức khỏe giảm do thương tích gây nên là 36%. Về phần hung thủ, 6h30' cùng ngày đã đến công an xã Phú Văn đầu thú và giao nộp con dao gây án.
Người đàn ông tâm sự, lúc gây ra vụ án cũng đã có uống chút rượu nhưng vẫn còn đủ tính táo để nhận biết. Vì nghĩ đứa con bất hiếu luôn đe đọa giết mình, một ý nghĩa dại dột bỗng lóe lên trong đầu người cha. “Khi ấy chỉ nghĩ mình không giết nó thì nó cũng giết mình nên tôi liền lựa lúc nửa đêm xuống tay với con ruột. Giờ bĩnh lĩnh lại để suy xét bản thân thì đã quá muộn. Dù sao nó vẫn là con ruột, xưa nay hổ dữ không ăn thịt con mà chính bản thân tôi lại làm điều đó. Tôi hối hận vô cùng".
Thế cho biết: “Từ ngày vào đây được các cán bộ động viên nên bị can cũng vơi bớt phần nào nỗi day dứt trong tâm can. Chỉ khổ vợ bị can đang phải hứng chịu những búa rìu dư luận giáng xuống. Phiên tòa sắp tới bà ấy chắc khổ tâm lắm vì vừa là đại diện người bị hại, vừa đại diện bị cáo”. Nói rồi người đàn ông nức nở: “Sau vụ việc gánh nặng cuộc sống đều đổ dồn lên đôi vai bà ấy. Một mình phải làm lụng nuôi các con, vừa phải lặn lội xuống trại giam để thăm nom chồng. Ngoài ra còn phải chạy vạy, vay mượn một số tiền lớn để bồi thường cho người bị hại Hoàng Văn Triệu gần 90 triệu để mong chồng tôi được giảm án”.
VKSND tỉnh Bình Phước truy tố Hoàng Văn Thế về tội “Giết người” quy định tại điểm a, n khoản 1 Điều 93, BLHS, mức án phải nhận sẽ là từ 12 năm tù đến tử hình theo quy định của pháp luật. Nhưng phía sau bản án là nỗi đau dai dẳng, khó thể nguôi ngoai trong suốt thời dài.
Hiện VKSND tỉnh Bình Phước đã chuyển cáo trạng truy tố bị can Hoàng Văn Thế về tội Giết người sang TAND đồng cấp định ngày xét xử.
Theo Đời Sống Pháp Luật