Cứu bạn quên mình
Chiều 13/9, gia đình 8 nữ sinh lập bàn thờ bên hồ Tuy Lai, làm lễ cầu siêu cho linh hồn các em được siêu thoát. Trong số 8 nữ sinh xấu số đó, người dân nhắc nhiều tới em Nguyễn Hồng Thơm học sinh lớp 7A. Thơm đã đánh đổi chính mạng sống của mình để cứu 3 người bạn.
“Nghe tin Thơm bị chết đuối ở hồ Tuy Lai, tôi không thể tin được, bởi nhà cháu sống bên bờ sông Đáy, từ nhỏ cháu đã biết bơi. Nhiều hôm nước lớn nhưng vèo một cái cháu đã bơi từ bờ bên này sang bờ bên kia sông.
Người thân các nữ sinh khóc thương tại hồ Tuy Lai.
Hôm nào tôi sang chơi muốn ăn ốc, cháu lặn xuống sông Đáy mò loáng cái là được bữa ăn. Tôi nghe mọi người kể lại, khi thấy các bạn bị chìm dưới hồ, con bé đã nhảy xuống hồ cứu được ba bạn. Do kiệt sức cháu đã nằm lại dưới hồ”, ông Nguyễn Đức Trinh, bác họ em Thơm vừa khóc, vừa kể.
Nhiều người dân cũng cho rằng, do quá kiệt sức nên em đã bị chìm dưới nước. Tuy nhiên, có người cho rằng lẽ đời là thế. Nhiều người cứu nạn nhân chết đuối, rồi cũng phải bỏ mạng. Nếu như em không cứu bạn có thể em sẽ không chết. Em đã hy sinh chính mạng sống của mình để cứu bạn. Vì em cứu bạn mà “thủy quái” đã giữ em lại dưới đáy hồ Tuy Lai. Khi những thanh niên vạm vỡ lặn xuống tìm thi thể của Thơm, phải mất mấy tiếng đồng hồ mới tìm thấy. Xác của em bị dòng nước cuốn trôi ra phía ngoài.
Hầu như năm nào cũng “nuốt” người
Cụ Trần Thị Biển (75 tuổi) thôn Tảo Khê, Tuy Lai, Mỹ Đức, Hà Nội cho biết: “Từ nhỏ tôi đã được ông bà, bố mẹ căn dặn rằng tuyệt đối không được lên hồ Tuy Lai tắm. Bởi nơi đây không phải là nơi tắm giặt, vui chơi. Xung quanh hồ là những địa danh rất linh thiêng.
Bên tay trái hồ Tuy Lai là ngôi chùa Hàm Long cổ kính, trên là đền Vân Mộng, hang Xương Cá. Vì thế, chỉ những thanh niên khoẻ mạnh mới dám ra hồ tắm, đàn bà con gái không dám bén mảng đến. Độ sâu trung bình của hồ khoảng 3,5m, có quãng sâu tới 6m”.
“Hầu như năm nào, hồ Tuy Lai cũng “nuốt” ít nhất một người. Theo bố mẹ tôi kể lại và tôi cũng từng được chứng kiến, có hàng chục người dân bị “thủy quái” trong hồ “bắt đi”. Nhưng một lúc 8 cháu bị chết đuối dưới hồ, thực sự chúng tôi rất hoang mang. Đó không chỉ đơn thuần là chuyện các em bị chết đuối nữa mà còn mang tính tâm linh”, bà Biển cho hay.
Cầu mong cho linh hồn các trinh nữ được siêu thoát.
Bà Biển từng chứng kiến vụ đắm thuyền oan nghiệt của hai bố con T.V.N., người cùng thôn. Hôm đó, trời nắng to, không có bất kỳ dấu hiệu nào của mưa giông. Nhưng lạ kỳ thay, họ vừa đi đến giữa lòng hồ thì bất ngờ giông gió nổi lên, nước hồ nổi sóng cuồn cuộn làm lật thuyền, hất tung hai bố con xuống hồ. Dù hai bố con họ đều biết bơi, nhưng vẫn bị “thủy quái” nhấn chìm dưới hồ.
Bà Biển bảo, "nhiều vụ bị tai nạn như thế, người dân chúng tôi cũng lo sợ và kinh hãi lắm. Có người đồn đại rằng, do hồ ở gần nhiều đền chùa linh thiêng nên nơi đây mới hay xảy ra những cái chết bất ngờ như vậy. Ai đó gặp tai nạn trên hồ là khó thoát khỏi lưỡi tử thần".
12h trưa ra tắm là điều lạ
Cụ Nguyễn Đình Luật, thôn Giáp Bốn (Tuy Lai, Mỹ Đức, Hà Nội) bàng hoàng nói: “Năm nay, tôi 85 tuổi, từng vào sinh ra tử ở nhiều nơi. Trong vùng tôi chưa thấy có cảnh nào thương tâm đến vậy. Hôm các cháu gặp nạn, đêm về tôi không thể nào chợp mắt nổi. Tôi nghĩ rằng, giữa 12h trưa nắng chang chang, các cháu lại ra hồ tắm là điều lạ. Nhất là khi các cháu đã được người lớn dặn dò không được ra hồ tắm. Chỉ có “ma xui, quỷ khiến” các cháu mới làm như vậy.
Cụ Nguyễn Đình Luật hoang mang trước việc nhiều người chết trên hồ.
Cụ Luật không nhớ rõ hồ Tuy Lai có từ bao giờ, khi cụ lớn lên nó đã có rồi. Cụ chỉ biết chùa Hàm Long gần hồ được mọi người dân khắp nơi đến kêu cầu. Nhiều người cho rằng chùa linh thiêng đường làm ăn, con cái. Những ngày rằm, ngày lễ mọi người ra vào chùa như trẩy hội. Nơi các nữ sinh nhảy xuống hồ tắm và tử nạn, nằm gần với lối vào chùa.
Cụ Luật cũng cho biết thêm, chính hồ Tuy Lai đã cứu đói cho hàng trăm hộ dân nơi đây. “Trước kia, nơi đây là vùng nước hoang. Hễ mưa xuống là ngập ruộng, nắng lên thì hạn hán. Chính vì thế, người dân quanh vùng không thể trồng trọt, chăn nuôi được gì. Dân chúng quanh năm mất mùa, đói kém. Từ khi Nhà nước xây dựng cải tạo hồ Tuy Lai mới điều hòa được nguồn nước, phục vụ việc sản xuất nông nghiệp cho nhiều xã của huyện Mỹ Đức. Vào mùa mưa, hồ là nơi thoát nước, chống ngập úng. Vào mùa khô, hồ là nguồn nước tưới tiêu đồng ruộng. Nhờ thế mà hàng trăm ha lúa và hoa màu nơi đây quanh năm tươi tốt. Nhiều gia đình còn tận dụng nước hồ để thả cá”.
Cái chết của 8 nữ sinh sẽ ám ảnh mãi người dân nơi đây và không ai dám chắc rằng sẽ không còn những cái chết đau thương như thế. “Có lẽ khi chúng tôi có được cuộc sống no ấm nhờ hồ Tuy Lai, thì giờ phải gánh chịu những đau thương này chăng?”, cụ Luật lo sợ.
Kiến thức