“Nghề chém không ai kêu”
Một bác sĩ đã nói vui như vậy khi bàn đến những khoản thu nhập “khủng” của các bác sĩ phẫu thuật thẩm mĩ. Theo ước tính của vị bác sĩ này, một bác sĩ thẩm mĩ có tên tuổi, có thể có thu nhập hàng trăm triệu/tháng là chuyện bình thường.
Vị bác sĩ này lấy ví dụ: Trong phẫu thuật thẩm mĩ, chỉ đơn cử một ví dụ như, phẫu thuật nâng ngực bằng túi tròn được nhiều thẩm mĩ viện hét giá 55 triệu – 60 triệu/ca phẫu thuật. Trong khi đó, giá bán lẻ của túi tròn - nguyên liệu dùng trong phẫu thuật này chỉ khoảng 14 – 20 triệu/cặp (chưa bao gồm khấu trừ, và khuyến mại). Như vậy, chỉ sau một ca phẫu thuật đó, bác sĩ đã có thể bỏ túi hàng chục triệu đồng.
"Đấy là còn chưa kể việc, nhiều trung tâm thẩm mĩ còn “lừa đảo” khách hàng bằng cách sử dụng những nguyên liệu không có nguồn gốc xuất sứ, bán trôi nổi trên thị trường với giá một vài triệu, thậm chí tính bằng trăm rồi dùng vào ca phẫu thuật cho khách hàng sau đó hét giá như nguyên liệu chính hãng” - Một bác sĩ phẫu thuật thẩm mĩ khác tại Hà Nội tiết lộ.
Theo vị bác sĩ này, tình trạng trà trộn đó tuy không phổ biến, nhưng không phải không có. Bởi, khách hàng người Việt thường không có thói quen yêu cầu bác sĩ cho kiểm tra nguồn gốc xuất sứ, hay mã số, mã vạch của nguyên liệu trước khi nguyên liệu này được đưa vào trong cơ thể mình. Điều đó đã tạo kẽ hở cho hành vi lừa đảo của những bác sĩ hám lợi.
Phẫu thuật nâng ngực. Ảnh minh họa
Tha hồ hét giá trên trời?
Vị bác sĩ phẫu thuật thẩm mĩ giấu tên còn cho biết, trong ngành phẫu thuật thẩm mĩ, chi phí cho một ca phẫu thuật thẩm mĩ không chỉ dựa vào giá thành của nguyên liệu sử dụng trong ca phẫu thuật mà nó còn phụ thuộc rất nhiều vào độ nổi tiếng của Trung tâm thẩm mĩ cũng như tên tuổi của vị bác sĩ thực hiện.
Ví dụ, chỉ riêng phẫu thuật “Thu gọn đầu mũi”, ở thẩm mĩ viện này thu mức 10 triệu đồng, nhưng ở một thẩm mĩ viện khác có bác sĩ nổi tiếng hơn, chi phí cho phẫu thuật đó đã đội lên 20 triệu đồng.
“Đó là mức chênh lệch khá lớn nhưng khách hàng lại luôn quan niệm theo kiểu “tiền nào của nấy”, nên trước khi quyết định đi tân trang sắc đẹp, nhiều chị em có điều kiện không bao giờ để tâm đến giá thành mà chỉ quan tâm đến những dòng quảng cáo mĩ miều và độ nổi tiếng về tên tuổi của vị bác sĩ thực hiện cho mình ca phẫu thuật. Do đó nhiều khi các “thượng đế” bị các bác sĩ “chém đẹp” mà vẫn không một lời ca thán.
Tuy nhiên, phải nói rằng, nếu chỉ dựa vào tên tuổi, độ nổi tiếng của các bác sĩ cũng như thẩm mĩ viện để đánh giá tay nghề của người phẫu thuật thì sẽ không hoàn toàn chính xác. Nhất là trong xã hội có thể dùng tiền để quảng bá, và mua tên tuổi như hiện nay” – vị bác sĩ này nói.
Theo vị bác sĩ này, tại Hà Nội, số lượng các bác sĩ được đào tạo đúng chuyên ngành phẫu thuật thẩm mĩ không nhiều. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nhìn thấy từ đồng nghiệp, nhiều bác sĩ thuộc các chuyên ngành khác đã tham gia khóa học về kĩ thuật thẩm mĩ và lấy chứng chỉ ngành sau đó chi tiền để được khen trên báo, trên các trang mạng xã hội, rồi cứ thế hành nghề, khiến không ít những trường hợp đáng tiếc đã xảy ra.
Theo Vietnamnet.vn