Lịch sử các vụ trốn tù từ trước tới nay ở nhiều trại giam đã cho thấy, phạm nhân đã phải vào tù, khi mà sự tự do chỉ còn là khát vọng thì việc thèm trốn trại cũng là điều dễ hiểu. Trong những điều kiện giam giữ ngặt nghèo các phạm nhân đã nghĩ ra nhiều cách phá cùm, khoét tường... bằng những phương tiện cực kỳ đơn giản mà nếu không có những thực nghiệm điều tra nghiêm túc, thì không ai có thể tin là thật.
Cách đây 8 năm, vào đêm 28/10/2001, tại Hỏa Lò mới (tên dân dã thường gọi của Trại tạm giam Hà Nội ở xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm để phân biệt với Hỏa Lò cũ nằm trên phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm) đã xảy ra một vụ việc động trời. Cùng lúc, hai tử tù trong cùng một kiên giam, đã cưa cùm, phá khóa xà lim, vượt qua tất cả các hàng rào canh giữ nghiêm ngặt nhất của trại giam trốn thoát. Đây là vụ trốn tù nguy hiểm nhất trong lịch sử của Trại Hỏa lò mới từ trước đến nay.
Nhưng, chỉ 17 ngày sau, bằng tất cả những nỗ lực cao nhất của các lực lượng thuộc Công an Hà Nội, cả hai tên tử tù đã bị bắt lại khi chúng chưa kịp gây thêm một tội ác nào khác.
Cho dù, Công an Hà Nội không coi đó là chiến công mà là một việc phải làm vì danh dự của Công an Hà Nội và vì sự nghiêm minh của pháp luật. Nhưng, cuộc truy lùng hết sức mưu trí và gian khổ của 500 CBCS thuộc Công an Hà Nội trong chiến dịch đặc biệt 17 ngày đêm này đã là một minh chứng sinh động về trí thông minh và lòng quả cảm…
Phần I: Hồ sơ một vụ vượt ngục
Cuộc sống bất thường ở khu biệt giam
Cũng giống như tất cả các trại tạm giam khác, Trại Hỏa Lò mới cũng có một khu giam riêng dành cho các bị án tử hình. Phạm nhân ở các buồng giam chung, sau khi bị Tòa tuyên án tử hình sẽ phải chuyển vào giam giữ tại khu giam riêng này trong suốt thời gian chờ xét xử phúc thẩm và chờ thi hành án. Khác với các buồng giam chung thường có tới vài chục phạm nhân, tại các buồng giam riêng thường chỉ có tối đa là 2 bị án tử hình.
Mỗi buồng giam riêng rộng chừng 7-8m², có một cửa thông gió ở phía trên, dưới sàn gồm hai chiếc "giường" cho tử tù là hai bệ xi măng, bồn chứa nước sạch để tử tù tắm rửa và khu vệ sinh. Tử tù sẽ bị cùm một chân bởi một chiếc cùm lắp ở phía cuối "giường". Các phạm nhân tự giác sẽ giúp các tử tù mọi việc liên quan đến ăn uống, vệ sinh hàng ngày ở buồng giam. Các tử tù cũng được hưởng chế độ thăm nuôi, nhận quà tiếp tế của gia đình, gặp mặt gia đình như những phạm nhân bình thường khác.
Thế nhưng, cuộc sống ở các khu biệt giam thì lại rất khác thường. Khi bản án tử hình được tuyên ấy là khi cái chết đã được định đoạt đối với các tử tù. Câu nói của cổ nhân: "Sinh có hạn, tử bất kỳ" đúng với tất cả những con người bình thường của nhân gian, ngoại trừ các tử tù. Bởi, với họ, cái chết đã được báo trước. Ở trại giam, các tù thường phạm thường gọi tử tù là "ma sống"...
Thế nên, những ngày đợi chờ ra pháp trường là những ngày mà các tử tù sống một cuộc sống khác. Cuộc sống mà ở đó, sự sợ hãi đến hoảng loạn đã khiến tất cả họ đều trở nên bất bình thường. Khi cái chết càng đến gần là khi niềm tiếc đời, là khi khát vọng sống càng trở nên mãnh liệt, khiến cho tất cả mọi trạng thái cảm xúc đều dường như được đẩy đến đỉnh điểm, đôi khi đến mức điên loạn.
Có tử tù nhớ người yêu, đêm nào cũng tỏ tình, cũng vuốt ve, mơn trớn bằng... lời. Bà trùm ma túy Nguyễn Thị Thơm, có nhiều đêm nhớ người tình quá, lồng lộn gào thét làm mất trật tự khu giam, cán bộ quản giáo phải nhắc nhở, giáo dục nhiều lần Thơm mới thôi... Ngày sinh nhật của người tình, ở trong buồng giam, Thơm đã làm một tấm thiệp rất đẹp, trang trí rất nhiều hoa văn, màu sắc rực rỡ bằng cách xé dán vỏ mì tôm, vỏ hộp sữa, vỏ bánh để tặng. Thơm còn sáng tác một bài hát bằng tiếng Trung và làm thơ gửi cho người yêu với những lời lẽ tha thiết, nồng nàn: "Mình ơi, hôm nay là sinh nhật mình, em chẳng biết làm thế nào để đến bên mình được. Em chỉ biết ngồi khóc và làm tấm thiệp này, bao nhiêu nỗi nhớ và tình yêu em dành trọn trong tấm thiệp".
Có những tử tù ngủ thì thôi chứ cứ hễ thức là bắt đầu gào thét chửi rủa những người có tư thù với mình đang giam ở các buồng giam khác hoặc đang còn ở ngoài xã hội mãi tít tận đẩu tận đâu. Có tử tù không chửi rủa mà chỉ la hét kêu oan, có khi vừa mới chối tội rồi lại xin được chết để đền tội. Có một nữ tù người Hà Nội phạm tội lừa đảo. Chồng cũng phạm tội cùng với vợ và bị kết án chung thân. Chị ta còn mẹ già và hai đứa con. Đêm nào nữ tử tù này cũng khóc mẹ và lạy hai con tha tội cho mình vì bản thân đã không làm tròn bổn phận.
Có tử tù vừa cười nói vui vẻ bỗng ôm mặt khóc hu hu như một đứa trẻ. Có khi lại vô cớ trút giận dữ bực tức cả vào quản giáo - những người duy nhất phải tiếp xúc thường xuyên với các tử tù. Có tử tù vì lý do nào đó gia đình bỗng dưng không gửi đồ tiếp tế nữa thế là tử tù này cứ nhằm vào quản giáo mà chửi, cho rằng quản giáo đã cắt tiếp tế của mình. Người quản giáo giải thích thế nào tử tù này cũng không nghe. Một thời gian sau, chắc là cơn bất ổn về thần kinh đã qua, tử tù này lại chắp tay xin lỗi quản giáo.
Có tử tù chẳng ốm đau gì, vừa mới hát ông ổng lại gào lên kêu cứu làm các đồng chí quản giáo suốt đêm nhấp nhổm không yên. Còn chuyện tử tù nổi cơn khùng hắt cả bô nước tiểu vào người quản giáo và các phạm nhân phục vụ thì đã xảy ra ở nhiều trại giam.
Một quản giáo có thâm niên làm công tác quản lý tử tù tại Trại giam Hà Nội đã nói về sự khác thường ấy bằng một định nghĩa rất vần điệu rằng: "Tử tù là sáng nắng, chiều mưa, trưa giở mặt". Thế nên, ở trong Trại giam, bộ phận CBCS làm nhiệm vụ trông coi tù tử hình là vất vả nhất.
Sự cố kinh hoàng trong đêm mưa
Chiều 27/10/2001, trời đột ngột chuyển gió mùa đông bắc. Cái lạnh đầu mùa trở nên tê tái hơn khi đêm ấy trời lại đổ mưa. 21h, các CBCS làm nhiệm vụ trực ca đêm, trong tua kiểm tra thấy khu giam riêng không có gì bất thường. Các xà lim vẫn im ắng. Phòng tử tù nào cũng đều đã buông màn...
Nhưng nửa đêm về sáng, trong cơn mưa, người ta nghe thấy một tiếng rầm trong khu trại lẫn trong tiếng mưa xối xả. Để rồi, sớm hôm sau, khi hết ca trực trở về, một chiến sĩ cảnh sát bảo vệ khi đi ngang qua khu vực tường rào bảo vệ của trại đã chứng kiến một cảnh tượng bất thường.
Tại bức tường thành ngăn cách giữa khu vực trại tạm giam và bên ngoài có một cây cầu tự tạo đã được bắc lên trên dây điện trần bảo vệ tường thành. Cây cầu này được tạo bởi 4 cây gỗ tròn được buộc nối vào nhau. Một đầu cầu được buộc với một cây keo (cây keo này nằm cách bức tường thành khoảng 5 mét), đầu kia thì bắc lên trên dây điện trần trên bức tường thành. Hai chiếc chăn - một chiếc chăn dạ, một vỏ chăn hoa - vẫn phủ chình ình lên hàng dây điện trần. Ngần ấy thứ để lại ở khu vực này đã cho thấy có dấu hiệu của một vụ trốn trại vừa được thực hiện trong đêm.
Nguồn tin trên lập tức được cấp báo về Ban giám thị. Ngay tức thì trại phát lệnh báo động toàn trại. Lúc đó là 6h sáng.
Toàn bộ trại và các khu vực lân cận được bao vây, chốt chặn để phục vụ cho công tác truy bắt. Tất cả các khu vực giam chung và giam riêng đều được kiểm tra.
Và, kết quả thật là sửng sốt: tại xà lim 3K3, có hai chiếc màn vẫn buông nhưng người thì đã biệt tăm biệt tích. Hai nam tử tù bị giam tại đây đã trốn thoát. Trong buồng biệt giam, chúng vẫn để lại ngổn ngang những đồ đạc mà sau này nhiều thứ trong đó đã được giám định chính là công cụ bọn chúng dùng để cưa xiềng, phá khóa. Như 1 chiếc cưa tự tạo có gắn một dao lam ở giữa buộc giằng hai đầu có mẩu nhựa màu vàng dài 5 cm; toàn bộ cưa tự tạo được buộc vào thanh nứa dài 15cm. Như một gương nhỏ hình bán nguyệt được gắn vào bàn chải đánh răng màu xanh - trắng. Như một miếng gạch men hình ngũ giác độ dài nhất 4cm, ngắn nhất 1,5cm mặt trên màu vàng, mặt dưới màu đen bị lõm...
Hai chiếc cùm chân ở phía cuối bệ nằm của tử tù cũng đều đã bị mài lõm ở móng cùm đến độ có thể... rút được chân ra mà không cần mở khóa. Bốn đoạn thanh chấn song sắt ở trên ô cửa thông gió cũng đã bị cưa đứt, tạo thành một lỗ hổng lớn, đủ cho một người chui qua. Đó là ở phía bên trong xà lim.
Còn ở phía bên ngoài xà lim thì 2 song sắt bên trái của cửa sổ tường rào của buồng giam 3K3 cũng đã bị cưa đứt và bẻ quặt vào phía trong tạo thành một lỗ hổng đủ cho một người chui qua. Ở hành lang phía sau khu K3, khóa treo cửa sắt ở hành lang và cửa sắt thông qua khu giam chẵn cũng đã bị phá.
Lịch sử các vụ trốn tù từ trước tới nay ở nhiều trại giam đã cho thấy, phạm nhân đã phải vào tù, khi mà sự tự do chỉ còn là khát vọng thì việc thèm trốn trại cũng là điều dễ hiểu. Thậm chí, có những kẻ quanh năm suốt tháng chỉ nung nấu ý định trốn trại.
Nguyễn Văn Thân và Nguyễn Hải Nam
Trong một lần lên Trại giam Tân Lập, tôi đã gặp tận mặt một kẻ như thế. Đó là Nguyễn Văn Tám, quê ở Phù Ninh, Phú Thọ. Chỉ trong vòng 3 năm từ 1989 đến 1993, Tám đã trốn trại tổng cộng 3 lần. Lần cuối cùng, trốn lâu nhất được những 5 năm và phiêu bạt từ Trại Vĩnh Quang (Yên Bái ) tới mãi TP HCM mới bị bắt. Đã có hàng trăm nghìn mưu ma chước quỉ được phạm nhân sử dụng để trốn trại. Trong những điều kiện giam giữ ngặt nghèo các phạm nhân đã nghĩ ra nhiều cách phá cùm, khoét tường... bằng những phương tiện cực kỳ đơn giản mà nếu không có những thực nghiệm điều tra nghiêm túc, thì không ai có thể tin là thật.
Tại Trại giam Tân Lập, năm 1997, cũng vào một đêm mưa gió, 11 phạm nhân án nặng đã trốn trại. Khám hiện trường, thấy một đám tường, thoạt trông tưởng vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng khi quan sát kỹ mới phát hiện thấy có một mảng ve tường có vẻ hơi dầy lên. Sờ tay vào mới tá hỏa hóa ra chỉ là một mảnh giấy được trát ve màu vàng y hệt như màu tường và được dán một cách rất khéo léo. Lật tiếp đám giấy thì lộ ra một mảng tường to đủ một người chui lọt với những viên gạch vẫn được xếp ngay ngắn, chỉ có điều chẳng còn tí vữa nào.
Mãi mấy tháng sau, khi bắt được hết đám tù trốn trại này, chúng khai đào được mảng tường ấy chỉ nhờ có mỗi một dụng cụ cực kỳ thô sơ là... chiếc đinh 5 cm. Sau khi mang được đinh vào phòng giam, đám tù này hàng đêm thay nhau đào cho hết lớp vữa trát. Sau rồi, cứ thế theo mạch vữa quanh viên gạch mà cạy cho tới khi từng viên gạch chẳng còn tí vữa nào thì chỉ việc lấy tay mà kéo ra. Suốt mấy tháng trời, để che mắt quản giáo, chúng lấy tờ giấy đã bôi đất cho có màu giống màu tường che bên ngoài nên bình thường không ai phát hiện ra.
Có những kẻ trốn trại bằng chiêu chịu khổ còn hơn cả "nếm mật nằm gai". Chúng chui xuống hầm cầu nhà vệ sinh, ngâm mình trong thùng phân, chỉ nhô mỗi cái lỗ mũi lên để thở và che bằng một miếng giấy.
Lại có kẻ khi đi trồng chuối nghĩ ra trò quái đản để trốn trại là đào hố vừa người nằm rồi nằm xuống và nhờ bạn tù lấp đất lên, sau đó phủ một lớp rác lên "đống đất", nằm chờ lúc thuận lợi sẽ bùng.
Có kẻ khi đi lao động, giả vờ xin quản giáo cho lên đồi đi vệ sinh, thế rồi chọn nơi nào có bụi cây ngồi xuống. Quản giáo đứng dưới nhìn lên vẫn thấy cái mũ đung đưa tưởng phạm vẫn đang làm "việc ấy". Sau rồi, đợi mãi vẫn chưa thấy xong đành leo lên tận nơi xem thì mũ còn đậu trên ngọn cây, gió vẫn thổi cây rung rinh khiến mũ vẫn đung đưa nhưng người thì đã biến mất.
Có kẻ đổ nước muối ủ vào chấn song cửa cho mục ra rồi dùng dây vải xé ra từ quần áo tù mà cò cưa hết ngày này qua tháng khác cuối cùng cũng đứt.
Lại có vụ, chỉ với một chiếc dây đàn ghi ta bé xíu, mỏng manh, thế mà, ngày này qua tháng khác, phạm nhân cũng cưa đứt cả cùm chân trốn thoát.
Trở lại câu chuyện của vụ hai tử tù vượt ngục tại Trại Hỏa Lò mới. Ngay sau khi lệnh báo động toàn Trại được phát ra, tin dữ trên cũng đã được cấp báo về Công an TP Hà Nội. 7h sáng, Giám đốc Công an TP Hà Nội thời bấy giờ - Thiếu tướng Phạm Chuyên - cũng đã có mặt tại Trại Hỏa Lò mới. Ông được đưa xuống hiện trường, tận mắt xem xét tất cả trước khi bắt đầu một cuộc họp khẩn cấp với Ban Giám thị Trại. Thiếu tướng cho phép các đồng chí trong Ban Giám thị được trình bày nhưng không ai nói thêm được điều gì. Không khí nặng nề bao trùm lên tất cả.
Tên tuổi 2 tử tù đào tẩu giờ phút này cũng đã được xác định chính xác. Hai tập hồ sơ dày cộp mang tên Nguyễn Văn Thân, tức Thân "rau muống" và Nguyễn Hải Nam, tức Nam "cu Chính" đã được rút ra từ kho hồ sơ lưu trữ của tử tù. Từng trang hồ sơ ố vàng lại được lần giở, lật lại nghiên cứu. Hóa ra, cả hai kẻ tử tù đào tẩu trong đêm mưa ấy đều có những số phận riêng, cực kỳ đặc biệt...
(Còn tiếp)
Giáo dục Việt Nam