Lớp học đặc biệt
Năm 2006, lớp tranh cát Phi Long đầu tiên ra đời từ sự nỗ lực của gia đình, sự ủng hộ của nhiều tổ chức, cùng các nhà hảo tâm.
Thầy của lớp học là chàng trai trẻ Đỗ Đặng Phi Long, sinh năm 1988, là người khiếm thính từ nhỏ. Bằng đam mê hội họa cùng niềm tin cuộc sống, Long đã bước vào nghệ thuật tranh cát, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị, hơn nữa còn san sẻ ước mơ lập nghiệp cùng các bạn đồng cảnh ngộ.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đang xem Phi Long (trái) thực hiện bức tranh cát khổ lớn chủ đề Hoa sen.
Hơn ai hết, chủ nhân của lớp học hiểu được nỗi niềm của những người bạn đồng cảnh ngộ, phần nào giúp các bạn hòa nhập tốt hơn với cộng đồng, tự tin hơn vào bản thân và xoá đi mặc cảm. Bởi vậy, lớp học chỉ nhận và dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật.
"Vẽ" ly, một trong những bài học đơn giản nhất nhưng cũng đòi hỏi ở người thợ sự tỉ mẩn và cảm màu nhất định.
Tinh tế và thạo nghề hơn mới đủ "lực" để thực hiện những bức tranh chân dung thần sầu như thế này.
Tiếng lành đồn xa, nhiều bạn trẻ đã tìm đến xưởng làm tranh cát để học nghề, và cũng là môi trường tốt cho các bạn hòa nhập.
Tùy vào độ phức tạp, kích cỡ và thể loại sáng tác mà những tác phẩm hoàn chỉnh thông thường mất từ 3-5 ngày.
Đoàn khách khiếm thính Đức thăm quan tranh cát Phi Long.
Thật như cuộc sống
Ai cũng có thể vẽ tranh, nhưng để có được một bức tranh đẹp, giàu cảm xúc và độc đáo thì không phải ai cũng làm được. Hơn nữa đó lại là những tác phẩm được sáng tạo từ loại hình nghệ thuật mới, được làm nên bởi những bạn trẻ khuyết tật, giàu nghị lực. Người thợ phải thật tập trung, quan sát, phân tích ảnh mẫu, cảm nhận và pha màu phù hợp, chuẩn xác, tỉ mẩn trong từng động tác, "gọt dũa" những hạt cát vô tri bằng những chiếc thìa nhỏ, từng chút từng chút một.
Để có đủ số lượng cát màu vẽ tranh, Phi Long và mẹ nhiều khi phải mất cả tháng liền để đi khắp nơi tìm cát và sơ chế. Càng ngày càng có nhiều gam màu được sử dụng. Ngoài những sắc màu tìm được trong thiên nhiên, thợ "vẽ" còn tranh thủ thêm màu nhân tạo, để làm phong phú thêm cho tác phẩm.
Các tác phẩm chủ yếu xoay quanh các chủ đề như thiên nhiên, muông thú, chân dung, các tác phẩm nghệ thuật, danh lam thắng cảnh... được thể hiện dưới nhiều hình thức như tranh ly, tranh treo tường, tranh cắm hoa... Đặc biệt, có các tác phẩm được thể hiện trong không gian vô cùng nhỏ, chỉ từ 5 - 10mm, không những vậy, mỗi khung tranh còn chứa 2 mặt với 2 chủ đề khác nhau, vậy mới thấy được tài năng và công sức của những người thợ tài hoa.
Chiêm ngưỡng một số tác phẩm tranh cát độc đáo:
Cực kì sắc sảo, để hoàn thành bức tranh này, người "họa sĩ" phải tốn khá nhiều thời gian và công sức.
Những hạt cát tưởng như vô hồn dưới "công phu" của người thợ khéo léo trở nên thật như cuộc sống.
Bạn có thể cắm hoa vào lọ tranh cát này đấy, sẽ rất đẹp và độc đáo.
Tranh tôn giáo.
Ngoài những tác phẩm có sẵn, bạn hoàn toàn có thể yêu cầu chủ đề theo ý thích, đặc biệt bạn có thể có một tấm chân dung cực "kool" làm từ cát.
Du khách thích thú với những ly cát xinh xắn.
Bộ sưu tập tranh cát về Bác Hồ của Phi Long
Phi Long có một niềm yêu thích đặc biệt với chủ đề về Bác Hồ, anh có hẳn một bộ sưu tập những tác phẩm về Bác mô tả cách sinh động cuộc đời và sự nghiệp của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Phi Long tặng Chủ Tịch Nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết bức tranh cát chân dung Bác Hồ trong chuơng trình “ Một trái tim một thế giới" 2009. Bức tranh có tên Bác Hồ đang ngồi viết báo ở Phủ Chủ tịch, được Long thực hiện nhân kỉ niệm 118 năm ngày sinh của Bác bức tranh chiều dài 1,2m, cao 0,6m, và chỉ rộng 1cm. Để thực hiện bức tranh này, Long đã phải mất hơn 3 tháng trời, tốn hết 20kg cát với khoảng 30 màu sắc khác nhau.
Phi Long có hẳn một bộ sưu tập tranh về Bác và luôn xem đó là báu vật vô giá.
Ngày càng có nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, và chia sẻ trong đó có những đoàn khách đặc biệt như các quan chức Nhà nước, các đoàn khách nước ngoài...
Thương hiệu tranh cát Phi Long không chỉ làm say đắm du khách khắp nơi bằng những bức tranh sống động được sáng tạo từ những hạt cát vô tri mà còn được nhiều người biết đến bởi “thương hiệu” của lòng nhân ái, sự chia sẻ.
Bưu điện VN