Vụ tai nạn lật xe vào ngày 7/12, làm chết 10 người có sự nhúng chàm của 4 kiểm lâm.
Trong khi dư luận đang nóng lên về việc cán bộ kiểm lâm liên quan đến vụ lật xe chở gỗ làm 10 người chết vào sáng 7/12, chiều ngày 15/12, PV có buổi làm viêc với ông Đinh Viết Hồng - PCT UBND tỉnh Nghệ An - để làm rõ thông tin: có hay không việc kiểm lâm thông đồng với lâm tặc phá rừng?
Kiểm lâm cấu kết với lâm tặc
Thưa ông, về vụ vụ lật xe chở gỗ làm 10 người chết vào sáng ngày 7/12 vừa qua, tỉnh Nghệ An đánh giá như thế nào và sẽ xử lý vụ việc ra sao?
Trước hết tôi khẳng định đây là một vụ vận chuyển gỗ lậu, có sự thông đồng giữa một số cán bộ kiểm lâm và lâm tặc. Để xảy ra một vụ tai nạn thảm khốc làm 10 người chết và 8 người bị thương là một điều quá đau xót.
Hiện nay chúng tôi đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp - phát triển nông thôn và Kiểm lâm tiếp tục kiểm điểm làm rõ vụ việc. Tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành công an tích cực điều tra làm rõ và sớm đưa vụ án ra xét xử.
Quan điểm của ông như thế nào về việc hàng loạt cán bộ kiểm lâm “nhúng chàm” tiếp tay cho lâm tặc phá rừng và tẩu tán gỗ để rồi xảy ra vụ việc đáng tiếc?
Tôi xin khẳng định thêm một lần nữa: đây là vụ vận chuyển gỗ lậu. Mà đặc biệt là do kiểm lâm tiếp tay, thông đồng, cấu kết với các lâm tặc. Đến thời điểm này cơ quan điều tra đã bắt 4 kiểm lâm. Nhưng tôi cho rằng, vụ việc có thể chưa dừng lại đó, sẽ cần phải điều tra mở rộng. Chắc chắn trong vụ này phải có đường dây, có một hệ thống rộng của các ông kiểm lâm phối hợp với các đội lâm tặc.
Ông Đinh Viết Hồng - PCT UBND tỉnh Nghệ An - trả lời phỏng vấn
Vụ việc này rõ ràng chưa dừng lại ở 4 người vừa rồi mới bị bắt mà chắc chắn sẽ có thêm số liệu (số cán bộ bị bắt - PV) trong nay mai nữa.
Chúng tôi đang chỉ đạo các ngành chức năng tích cực điều tra, có kết luận sớm và xử lý nghiêm minh để dư luận nhân dân cả nước biết. Qua việc này, cần phải kịp thời chấn chỉnh hoạt động của ngành kiểm lâm Nghệ An.
Để “siết chặt” quản lý cán bộ kiểm lâm, Nghệ An sẽ sáp nhập Hạt kiểm lâm Pù Huống về Chi cục kiểm lâm Nghệ An, thưa ông?
Về vấn đề này chúng tôi cũng đã nghĩ tới. Nhưng bây giờ việc đầu tiên là ngành Nông nghiệp - phát triển nông thôn và Kiểm lâm phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để nhanh chóng làm rõ vụ việc.
Sau khi vụ án được điều tra và xử lý thì việc đầu tiên chúng tôi làm là sẽ rà soát lại công tác tổ chức và quản lý của các Hạt kiểm lâm trong toàn tỉnh. Từ đó sẽ có kế hoạch bố trí lực lượng này cho phù hơp để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng.
Chắc chắn UBND tỉnh Nghệ An sẽ có những điều chỉnh về hoạt động của ngành kiểm lâm sau vụ việc này. Nhưng điều chỉnh như thế nào chúng tôi phải bàn bạc, xem xét kỹ lưỡng. Trong thời gian qua, hệ thống kiểm lâm có những “lỗ hổng” trong quản lý cán bộ nên phải sớm khắc phục để phục vụ mục tiêu duy nhất là bảo vệ và quản lý nguồn tài nguyên rừng một cách có hiệu quả.
Chúng ta chưa có cơ chế quản lý tốt
Sau vụ việc này, tỉnh Nghệ An sẽ thực hiện các biện pháp nào trong việc chỉ đạo, phối hợp với cơ quan chức năng bảo vệ rừng?
Chúng tôi sẽ rà soát lại hệ thống tổ chức của các Hạt kiểm lâm hiện nay, kể cả Chi cục Kiểm lâm tỉnh để từ đó có mô hình tổ chức phù hợp nhất cho thực tiễn.
Trịnh Thanh Long - Hạt trưởng kiểm lâm Pù Huống - đã bị cơ quan điều tra
bắt vì liên quan đến vụ lật xe gỗ.
Việc tìm ra mô hình quản lý mới sẽ liên quan đến việc bố trí con người và vận hành, kiểm tra con người. Cho nên công tác tổ chức ngành kiểm lâm sau vụ việc trên phải được đặt lên hàng đầu để từ đó nhanh chóng khắc phục những sơ hở, yếu kém mà ngành kiểm lâm cũng như các cơ quan chức năng thời gian qua đã mắc phải.
Có ý kiến cho rằng công tác bảo vệ rừng hiện nay gặp nhiều khó khăn một phần do diện tích rừng lớn trong khi lực lượng bảo vệ rừng lại mỏng. Một lý do khác là một số cán bộ kiểm lâm đã lợi dụng chức năng, nhiệm vụ của mình để tàn phá rừng. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Vấn đề không nằm ở chỗ ít người hay nhiều người mới có thể bảo vệ rừng tốt mà vấn đề nằm ở chỗ chúng ta chưa có cơ chế quản lý tốt. Cách bố trí, tổ chức của ngành kiểm lâm vừa qua là không phù hợp nên dẫn đến những sơ hở mà lâm tặc cấu kết, thông đồng với một kiểm lâm biến chất để vận chuyển gỗ và đã xảy ra vụ việc đau lòng nói trên.
Sau vụ việc này chúng tôi sẽ điều chỉnh lại tổ chức các đơn vị bảo vệ rừng để khống chế và kiểm soát lẫn nhau. Lúc đó mới bảo vệ tốt được rừng. Như vừa rồi xảy ra cán bộ kiểm lâm dính líu trong vụ gỗ xe lật, một phần do Hạt kiểm lâm thuộc sự quản lý Vườn quốc gia Pù Huống, Chi cục Kiểm lâm của tỉnh không phải là đơn vị quản lý trực tiếp.
Nếp nhà của một kiểm lâm
Việc quản lý kiểm lâm không tốt nên sinh ra thất thoát gỗ. Do đó cần kiện toàn tổ chức các Hạt kiểm lâm ở các các tuyến huyện một cách thống nhất và đảm bảo. Kiểm lâm là phải bảo vệ trên địa bàn toàn tỉnh.
Dư luận hiện nay cũng rất quan tâm đến việc nhà ông Hạt trưởng Kiểm lâm Pù Huống “dát” quá nhiều gỗ đẹp, to... Ông có ý kiến như thế nào về thông tin này?
Cái đó cơ quan điều tra sẽ làm rõ. Cũng có thể trước đó đã nhiều lần làm trót lọt chuyện kia (vận chuyển gỗ lậu- PV) một cách có hệ thống rồi cũng nên. Vụ việc này chỉ là điển hình.
Tôi khẳng định kiểm lâm thông đồng với lâm tặc là có thật!
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Dân Trí