Có nên mạo hiểm bỏ ngang việc học để khởi nghiệp?
Trên thực tế, có nhiều những bạn trẻ tuy không có bằng cấp nhưng vẫn kinh doanh thành công. Tuy nhiên, để tự mình gây dựng được sự nghiệp thì bạn cần rất nhiều những yếu tố.
Phần lớn những trường hợp thành công như vậy, trong họ đã có sẵn một tinh thần doanh nghiệp, đam mê và quyết tâm lớn với lĩnh vực mà họ sẽ dấn thân. Rõ ràng việc làm công ăn lương ngày 8 tiếng cho một doanh nghiệp nào đó sẽ khác với việc bạn phải lập trình chiến lược cho doanh nghiệp của riêng mình. Những áp lực và thử thách gia tăng hằng ngày trên chặng đường khởi nghiệp có thể đánh gục bạn nếu như bạn không thực sự đam mê và quyết tâm theo đuổi đến cùng.
“Hãy trân trọng hết sức cơ hội được học tập của chính mình” CEO Lê Hải Linh chia sẻ
Một câu hỏi khác mà bạn cần trả lời đó là, liệu đam mê làm giàu nhưng bạn có thực sự đủ kiên nhẫn để đi đường dài? Câu chuyện khởi nghiệp không phải là chuyện ngày một ngày hai. Để chạm tới thành công bền vững, sức bền của ý chí vô cùng quan trọng, giúp bạn vượt qua những khó khăn thử thách của chặng đường khởi nghiệp.
Kinh nghiệm thực tế cũng là một vấn đề bạn cần quan tâm. Lẽ dĩ nhiên, kinh nghiệm là câu chuyện của đường dài, nhưng cũng chính vì thế mà câu hỏi về lòng kiên nhẫn càng được bạn cân nhắc hơn bao giờ hết.
Một vấn đề vô cùng quan trọng khi khởi nghiệp, đó là phải xem xét đến tình trạng tài chính hiện tại của bạn, cũng như sự hẫu thuẫn của gia đình có thể giúp ích cho bạn được hay không? Nếu không có những nền tảng này, việc khởi nghiệp sẽ càng mạo hiểm hơn bao giờ hết.
Vấn đề then chốt cuối cùng đó là, bạn có những kiến thức nền tảng về lĩnh vực mình muốn làm hay không? Muốn có kiến thức thì đương nhiên bạn phải học hành nghiêm túc. Có những người sinh ra ở vạch đích, chỉ cần một cái kiễng chân sẽ chạm tới thành công, nhưng có những người tuy đầy quyết tâm nhưng vẫn thất bại. Thất bại ở đây là do thiếu những nền tảng về kiến thức, thiếu đi những trải nghiệm thực tế về lĩnh vực mình theo đuổi.
Nếu như chưa có những bước đệm cần thiết để thành công, một lời khuyên hữu ích đưa ra đó là hãy chú tâm vào việc học. Thời gian học vừa là cơ hội để tích lũy kiến thức cũng là khoảng thời gian để bạn thử nghiệm những ý tưởng kinh doanh của mình ở quy mô nhỏ. Khi đã có kiến thức và kinh nghiệm, cơ hội kinh doanh của bạn sẽ mở rộng hơn, là nền tảng để bạn có thể thành công trong tương lai.
CEO Lê Hải Linh - Học ở trường học và học ở trường đời
“Trong các cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ khởi nghiệp, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi lựa chọn giữa việc nên học tiếp đại học hay bỏ ngang để lập nghiệp? Và câu trả lời của tôi luôn là nên duy trì việc học bất cứ khi nào còn có cơ hội”, ông Lê Hải Linh chia sẻ. CEO Lê Hải Linh đã từng trải qua một tuổi thơ nhiều vất vả, nhưng hoàn cảnh chưa từng làm ông chùn bước và bỏ dở việc học. Sau khi học xong phổ thông, Lê Hải Linh từng rẽ ngang buôn bán để kiếm tiền, nhưng khát khao được học tập trong chàng trai trẻ này chưa bao giờ dập tắt.
CEO Lê Hải Linh (thứ 3 từ trái sang) nhận bằng tốt nghiệp ở trường Đại học ngoại ngữ ngoại thương Quảng Đông (Trung Quốc)
Song song cùng với quá trình trở thành một trong những người thành công trong lĩnh vực nhập hàng Trung Quốc, Lê Hải Linh tiếp tục phấn đấu trên con đường học vấn của mình ở trường Đại học ngoại ngữ ngoại thương Quảng Đông (Trung Quốc). Với CEO Lê Hải Linh, bên cạnh những kỹ năng được rèn luyện từ thực tế, việc học tập không bao giờ là thừa bởi kiến thức sách vở chính là tinh hoa thế giới đã được chọn lọc.
Quá trình học tập ở Trung Quốc của Lê Hải Linh ban đầu gặp khá nhiều khó khăn. Để có kinh tế trang trải việc học, anh vừa làm các việc bưng bê, bốc vác, phiên dịch, bên cạnh đó, tập tành tìm hiểu mảng kinh doanh hàng Trung Quốc nội địa. Anh chia sẻ, mỗi một công việc anh làm, dù là nhỏ hay lớn, đều là những trải nghiệm quý giá giúp anh có được thành công như ngày hôm nay.
“Nếu như bạn có đủ động lực và cảm hứng với lĩnh vực mình theo đuổi để bắt đầu thì đừng bao giờ nghi ngờ sự lựa chọn của bản thân. Nhưng nếu bạn vẫn chưa cảm thấy tự tin về lựa chọn này thì khoan hãy đừng vội bỏ học để mạo hiểm kinh doanh”, đó là bài học mà Lê Hải Linh đúc rút được sau khi đã trải qua bao thăng trầm trong sự nghiệp. Đây cũng là lời nhắn gửi mà anh muốn gửi đến những người trẻ đam mê khởi nghiệp, hãy trân trọng hết sức cơ hội được học tập của chính mình.
HX (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)