Điều cấm kỵ…vô lý
Đầu năm học 2013 - 2014, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Việt Trung (Quảng Bình) ra văn bản cấm nữ giáo viên mặc váy lên lớp. Quy định này khiến nhiều người không đồng tình và cho rằng không hợp lý.
Trường THCS&THPT Việt Trung (Quảng Bình) vừa đưa ra văn bản
cấm nữ giáo viên mặc váy lên lớp. Ngay lập tức, quy định này
gây xôn xao dư luận.
Về vấn đề này, cô Hòa (GV THPT Lê Qúy Đôn, Hà Đông) cho hay, quy định cấm giáo viên nữ mặc váy khá vô lý ở chỗ: “Chúng tôi là giáo viên, làm việc trong môi trường sư phạm, đều ý thức được cách ăn mặc, cư xử sao cho phù hợp với học đường và làm gương cho học sinh. Vì thế không thể nói rằng mặc váy khiến học sinh 'không thể tập trung học tập' được.
Hơn nữa, với những giáo viên đang mang bầu, việc cấm mặc váy sẽ gây khó khăn cho họ trong việc giảng dạy và di chuyển. Vì thế, tôi nghĩ nên điều chỉnh lại quy định này để phù hợp với thực tế giảng dạy hiện nay của các giáo viên nữ”.
Còn đối với một giáo viên có tuổi đang giảng dạy tại một trường THPT chuyên tại Hà Nội thì quy định này có phần khắt khe. Cô cho rằng, cách đây 50 năm, khi đa số phụ nữ mặc quần "phíp" hoặc lụa đen thì việc một cô gái mặc quần "phăng" là rất lạ và gây "phản cảm". Thế nhưng bây giờ mọi việc đã đổi khác, việc nữ giáo viên mặc váy cũng là nét đẹp, chỉ cần mặc sao cho lịch sự thì không có gì phải cấm.
“Là giáo viên, đương nhiên những đồng nghiệp của tôi sẽ biết ăn mặc thế nào cho lịch sự. Điều quan trọng ở đây là chất lượng giảng dạy chứ không phải những điều cấm kỵ vô lý như vậy”, nữ giáo viên này bày tỏ.
Cấm…sẽ tạo tâm lý ép buộc
Theo quan điểm của Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu – giảng viên khoa Tâm lý, ĐH Sư phạm TP. HCM thì, việc giáo viên mặc váy lên lớp là điều bình thường, miễn là váy đủ dài và lịch sự.
“Nhà trường có thể đưa ra quy định giáo viên nên mặc trang phục nào chứ không nên quy định cấm trang phục nào vì sẽ tạo tâm lý bị ép buộc. Bản chất của việc mặc váy lên lớp không làm mất mĩ quan của nhà trường hay phản cảm, nhưng phải hòa hợp với trang phục chung của toàn trường”, Thạc sỹ Khắc Hiếu bày tỏ.
Thạc sỹ Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu.
Thầy cho biết, tùy địa phương, điều kiện nhà trường như thế nào mà quy định trang phục của giáo viên, học sinh. Như một số trường ở TP.HCM mang tính chất quốc tế, dân lập có quy định giáo viên mặc váy, còn đa phần là mặc áo dài. Một số địa phương thời tiết nóng hoặc đường lầy lội, việc mặc áo dài lại sẽ khó khăn cho giáo viên.
Còn về ra văn bản cấm nữ giáo viên mặc váy của hiệu trưởng Trường THCS&THPT Việt Trung (Quảng Bình), ThS Khắc Hiếu nhấn mạnh: “Nhập gia tùy tục, quyết định của hiệu trưởng cũng có lý của hiệu trưởng. Nhà trường cần có trang phục thống nhất, tạo sự đồng nhất trong tác phong của giáo viên. Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định thì nên lấy ý kiến, bàn bạc của hội đồng sư phạm nhà trường chứ không nên ra quy định quá bất ngờ gây tâm lý không thoải mái, áp lực cho giáo viên”.
Và dưới góc nhìn tâm lý thì không thể nói quyết định này là đúng hay sai. Bởi, theo thầy, tại trường này, nếu việc mặc váy không phù hợp với thời tiết, không phù hợp với văn hóa của ngôi trường, không phải là mong muốn chung của tập thể thì quy định cấm là đúng, nhưng ở trường kia thì có thể quy định đó là sai.
Còn để tránh trang phục của giáo viên gây phản cảm và phù hợp với văn hóa học đường thì cần phải thỏa mãn 3 chữ hợp: hợp với cá tính, môi trường làm việc và đối tượng mà mình tiếp xúc.
Theo Trí Thức Trẻ