Đó là câu chuyện của anh Trương Tiến Hải, một cư dân của phố Thành Công, phường Quảng Thành, TP. Thanh Hoá. Anh Hải đã quyết định từ bỏ công việc giảng viên đại học để trở về quê hương và khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Năm 1999, sau khi tốt nghiệp đại học Thủy sản Nha Trang, anh Hải cầm tấm bằng cử nhân xin vào làm việc tại một doanh nghiệp thủy sản ở tỉnh Ninh Thuận. Hai năm sau mưu sinh xa nhà, đến năm 2001, anh xin về quê và nộp hồ sơ xin việc vào làm giảng viên tại Khoa nuôi trồng Thủy sản, trường Đại học Hồng Đức.
Sau 10 năm làm giảng viên, đến năm 2012 anh Hải đã nộp đơn xin thôi việc để về quê theo đuổi đam mê của mình.
Là thạc sĩ thủy sản thành công trong việc triển khai rất nhiều mô hình nuôi trồng thủy hải sản có hiệu quả. Đáng kể là mô hình nuôi cá lồng trên sông Mã ở phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa, mô hình nuôi cá lồng trên hồ Đồng Bể ở huyện Triệu Sơn…
Nhưng bên cạnh niềm đam mê lĩnh vực thủy hải sản, Trương Tiến Hải còn dành tình yêu đặc biệt cho những con gia cầm đặc sản nổi tiếng gắn liền với mảnh đất xứ Thanh.
Bỏ ngoài tai những lời thị phi gièm pha, anh Hải đã dùng những đồng vốn ít ỏi tích góp được, kèm theo số tiền vay ngân hàng để khởi nghiệp tổng cộng với với số vốn là 370 triệu đồng. Thuê lại một khu đất trống, anh Hải bắt đầu đào ao, xây dựng mô hình chăn nuôi giống vịt đặc sản ở vùng cao huyện Bá Thước, đó là giống vịt Cổ Lũng.
Tuy nhiên, lần đầu lập nghiệp anh đã thất bại, hai phần ba số vịt nuôi bị dịch bệnh chết khiến anh thua lỗ nặng.
Nhưng thất bại đó không thể khiến anh Hải nản lòng được và đó cũng là bài học xương máu dành cho anh khi mới chập chững lập nghiệp. Từ lần thất bại đó, anh đã đi học hỏi rất nhiều nơi để trau dồi thêm kiến thức, cũng như kinh nghiệm…
Bằng ý chí và niềm khát khao của tuổi trẻ, anh Hải quyết tâm làm lại từ đầu. Dần dần, anh Hải đã làm chủ được kỹ thuật nhân giống và nuôi thương phẩm vịt Cổ Lũng cùng gà tiến vua với quy mô lớn, cung cấp hàng nghìn con mỗi tháng cho thị trường. Thu nhập từ việc này, anh tiếp tục đầu tư để mở rộng diện tích đất, mua sắm máy móc, và xây dựng thêm nhà xưởng phục vụ cho công việc chăn nuôi.
Hiện nay, mỗi tháng, anh Hải đưa ra thị trường từ 500 đến 1.000 con vịt Cổ Lũng thương phẩm với giá 200.000 đồng mỗi con và hàng trăm con gà tiến vua với giá 200.000 đồng mỗi kilogram.
Bên cạnh việc tự sản xuất giống để nuôi, anh còn sở hữu 5 chiếc máy ấp trứng, mỗi tháng cung cấp ra thị trường và các trang trại vệ tinh từ 1.000 đến 2.000 con vịt giống với giá từ 15.000 đến 18.000 đồng mỗi con.
Với diện tích 4 ha mặt nước, anh Hải còn nuôi cá và tôm càng xanh. Mỗi năm, anh thu hoạch hơn 1 tấn tôm các loại, bán với giá từ 100.000 đến 250.000 đồng mỗi kilogram, và hàng tấn cá trắm, cá chép.
Để đảm bảo nguồn thức ăn cho gà, vịt và cá, anh Hải thuê đất, mở trang trại ở huyện Hậu Lộc và huyện Thạch Thành để trồng chuối và ngô, tự chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi. Dưới ao, anh trồng các loại hoa sung và bèo để tạo môi trường cho vi sinh vật phát triển, cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm và cá.
Sau gần một thập kỷ trở về quê hương khởi nghiệp, từ 2.500m² đất thuê làm trang trại ban đầu, anh Hải đã phát triển thành công trang trại chăn nuôi rộng 7ha, mang lại tổng doanh thu hàng năm khoảng 1 tỷ đồng trước khi trừ chi phí.
Trong tương lai, ngoài việc tiếp tục chăn nuôi vịt Cổ Lũng, gà tiến vua, nuôi cá và tôm càng xanh, anh Hải còn có kế hoạch trồng các loại cây dược liệu bản địa. Việc này không chỉ giúp bảo tồn và bổ sung nguồn thức ăn cho chăn nuôi, mà còn nhằm sản xuất trà túi lọc, phát triển kinh tế. Đồng thời, anh mong muốn tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương và giúp đỡ nhiều gia đình phát triển từ mô hình kinh tế trang trại.
Hoàng Khuông (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)