Ánh Dương bị cáo buộc vi phạm Luật cạnh tranh thế nào?
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đang điều tra hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, cạnh tranh không lành mạnh đối với Công ty TNHH Sản xuất – Thương Mại – Dịch vụ - Xuất Nhập khẩu Ánh Dương.
Theo cáo buộc, công ty Ánh Dương đã áp đặt điều kiện về hạn chế cạnh tranh trong các “Hợp đồng cung cấp phòng” được ký giữa công ty Ánh Dương với các doanh nghiệp khách sạn khu vực thành phố Nha Trang.
Theo đó, trong các các hợp đồng giữa Ánh Dương và đối tác đều có thỏa thuận hạn chế cạnh tranh với nội dung: “Bên A (các khách sạn) chỉ có quyền xác nhận các booking cho du khách Nga, Ucraine, và các nước trong khối CIS bay bằng chuyên cơ đến Cam Ranh của bên B (Công ty Ánh Dương) mà thôi (ngoại trừ các booking online)”.
Với nội dung thoả thuận nêu trên, công ty Ánh Dương đặt các doanh nghiệp khách sạn khu vực tp. Nha Trang vào trạng thái phải chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng (cung cấp phòng cho công ty Ánh Dương); buộc các doanh nghiệp khách sạn phải chấp nhận các điều kiện hạn chế phân phối hàng hoá và dịch vụ của mình, cụ thể là các khách sạn dù có nhiều phòng chưa được khai thác vẫn không được phép cung cấp phòng cho các công ty du lịch khác có khách từ Nga và khối CIS đến Khánh Hoà bằng chuyên cơ qua sân bay Quốc tế Cam Ranh.
Bằng thoả thuận hạn chế cạnh tranh, hành vi của công ty Ánh Dương đã trực tiếp ngăn cản, kìm hãm, không cho các doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển thị trường; buộc các công ty du lịch khác phải rời bỏ thị trường.
Nếu doanh nghiệp lớn bắt tay với nhà cung cấp để độc quyền thì doanh
nghiệp bé không còn cửa sống - Hình minh họa
Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nêu trên của công ty Ánh Dương được thực hiện trong điều kiện công ty Ánh Dương phối hợp cùng với công ty PGS International – gọi tắt là công ty Pegas, quốc tịch Vương quốc Anh - đang có vị trí thống lĩnh thị trường.
Nhờ lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, Công ty Ánh Dương thực hiện thoả thuận hạn chế cạnh tranh để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các công ty khác và duy trì lợi ích độc tôn của công ty Ánh Dương và công ty Pegas.
Cụ thể: Ngoài nội dung thoả thuận hạn chế cạnh tranh , Hợp đồng cung cấp phòng còn có nội dung: “Khách sạn không giới thiệu, không bán và không cho phép những người khác và các đại lý du lịch vào giới thiệu và bán “Optiona Tour” cho khách của Ánh Dương, việc bán các Tours này là do các hướng dẫn viên của Ánh Dương – Pegas đảm nhiệm”.
Vẫn theo cáo buộc, bên cạnh 40 hợp đồng công ty Ánh Dương ký với các khách sạn, công ty Pegas có ký 8 hợp đồng trực tiếp với 8 doanh nghiệp khách sạn, trong nội dung 8 hợp đồng này đều có điều khoản thoả thuận hạn chế cạnh tranh, tương tự như hợp đồng công ty Ánh Dương ký với 40 doanh nghiệp khách sạn.
Vì sao Báo Du lịch VN sốt sắng bảo vệ Ánh Dương?
Trong lúc Cục Quản lý Cạnh tranh đang điều tra và chưa ra kết luận cuối cùng thì tờ Du lịch Việt Nam (cơ quan của Tổng Cục Du lịch) đã “đi tìm sự thật” và lên tiếng “thanh minh” cho Công ty Ánh Dương một cách khó hiểu.
Cụ thể, xuất hiện trên tờ Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Công ty Ánh Dương, bà Hoàng Thị Phong Thu cho rằng: “Công ty chúng tôi không thể là đối tượng để xem xét về vấn đề độc quyền, bởi vì chúng tôi không độc quyền khách du lịch Nga trong những khu nghỉ mát của Việt Nam… Chúng tôi không ép buộc bất cứ ai để hợp tác. Tất cả các thỏa thuận với các khách sạn và doanh nghiệp dịch vụ phục vụ cho khách du lịch đạt được trên cơ sở tự nguyện và đôi bên cùng có lợi”.
Nếu tinh ý, có thể thấy bà Thu đã cố tình đánh tráo khái niệm giữa “Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh” thành chuyện “ép buộc doanh nghiệp khác”.
Vẫn trên tờ Du lịch Việt Nam, bà Thu đã “lèo lái” câu chuyện sang một hướng khác: Đây là loại hợp đồng chỉ “đặt trước” một số lượng phòng nhất định, chứ không phải là đặt hết 100% số phòng mà khách sạn có.
Dẫn lời bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Khách sạn Happy Light Nha Trang: “Chúng tôi làm việc với Công ty Ánh Dương là có sự tính toán, cân nhắc, chứ không có sự ép buộc nào cả”, một lần nữa, tờ Du lịch Việt Nam dường như muốn lèo lái bạn đọc hiểu sang một ý khác.
Trong khi đó, hợp đồng giữa Happy Light Nha Trang do bà Hạnh ký với Ánh Dương có điều khoản thể hiện rõ việc hai bên đã “thỏa thuận hạn chế cạnh tranh”:
("Khách sạn không được quyền bán, giới thiệu hoặc cho phép bất kỳ cá nhân, công ty du lịch nào bán các tour khác cho khách hàng của Pegas. Hướng dẫn viên của Pegas chịu trách nhiệm bán các tour này. Điều lệ độc quyền: khách sạn không được phép kí kết hợp đồng với các công ty đối thủ của Pegas cung cấp dịch vụ bay từ Nga tới cảng Cam Ranh")
Hay một trường hợp khác, tờ Du lịch Việt Nam còn dẫn lời bà Nguyễn Hà Thùy Linh, Giám đốc Điều hành khách sạn Fairy Bay: Tôi chưa thấy có một điều khoản hay văn bản nào của Ánh Dương ngăn không cho chúng tôi quan hệ với đối tác khác. Còn nếu có thông tin như các anh nói Ánh Dương không cho đối tác ký hợp đồng với đơn vị khác thì chúng tôi chưa gặp”.
Bà Nguyễn Hà Thùy Linh có nói đúng sự thật hay không, chỉ cần đọc Hợp đồng do chính tay bà ký với Khách sạn Fairy Bay thì sẽ rõ:
Tờ Du lịch cũng đưa ra kết luận mang tính mập mờ: “Còn rất nhiều ý kiến của các đối tác mà Ánh Dương đã ký hợp đồng chăm lo cho du khách mà Tập đoàn Pegas mang đến Việt Nam, các đơn vị này đều khẳng định với PV Báo Du lịch là họ hoàn toàn thoải mái và thấy hiệu quả trong kinh doanh khi bắt tay với Ánh Dương. Họ tin Ánh Dương, tin ở lối làm ăn chuyên nghiệp, cẩn trọng, chính xác và mong cho sự hợp tác ngày càng phát triển theo nhịp độ của dòng khách mà Pegas mang tới Việt Nam”.
Vì sao tờ báo là cơ quan ngôn luận của Tổng Cục Du lịch lại “nhiệt tình” lên tiếng biện hộ cho một công ty du lịch đang bị điều tra về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, câu trả lời xin dành cho bạn đọc…
Báo Tuổi trẻ có đưa:
Ông Vũ Thế Bình (phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN): Du lịch là sản phẩm mang tính xã hội hóa rất cao vì huy động nhiều nguồn lực của xã hội với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ để tạo ra giá cả dịch vụ thật mềm. Vì vậy các hành vi lợi dụng vị thế thống trị, độc quyền, loại bỏ cạnh tranh, ép giá trong kinh doanh du lịch là điều mà Hiệp hội Du lịch VN không ủng hộ. Khách hàng, những người sử dụng dịch vụ, sản phẩm du lịch sẽ không có cơ hội hưởng thụ một sản phẩm thật sự tốt, giá cả hợp lý khi mua các sản phẩm của công ty lữ hành độc quyền, thống trị thị trường.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Công ty Lửa Việt Tours, cho rằng thị trường kinh doanh lữ hành nội địa đã bắt đầu manh nha xuất hiện những kiểu giành thị trường, thị phần theo kiểu của Công ty Ánh Dương nên quyết định của Cục Cạnh tranh là rất kịp thời. “Với việc độc quyền trong cung cấp phòng khách sạn, Công ty Ánh Dương hoàn toàn có thể định giá bán tour thấp hơn giá thị trường để loại các đối thủ. Khi không còn đối thủ, họ sẽ tự định đoạt giá bán cho khách và nâng giá bán lên mà không có ai kiểm soát, khống chế vì không còn công ty cạnh tranh” - ông Mỹ khẳng định.
Giadinhvietnam.com