Lộ chuyện bị “dâm ô” do gặp tai nạn
Nhà cô bé nạn nhân nằm sâu hun hút phía cuối con dốc trong xã Bình Thành. Bao quanh nhà là những rừng keo bạt ngàn. Cỏ tranh mọc tận vào trong bếp. Ngôi nhà nhỏ, xập xệ, xây bằng bờ lô cũ xì không tô quét. Bức tường nham nhở phía trước có gắn tấm biển màu xanh nhỏ nhỏ, ghi mấy chữ “nhà tình thương”.
Mái nhà lợp bằng tôn, mục nát, lủng lỗ chỗ. Ngồi trong nhà nhìn lên trần, thấy cả mảng trời xanh ngắt. Bà nói, đêm mưa, nước chảy quanh nhà. Bà cháu phải ôm gối chạy quanh kiếm chỗ khô để ngủ. Chợt nhớ câu nói người dân lúc nãy chỉ đường: “Đi hết con dốc kia, bỏ qua ba nhà, thấy nhà nào rách nát nhất là vào, không trật”.
Người phụ nữ ốm nhom, tóc cắt ngắn lởm chởm, nước da xanh tái. Bà kể mình sống cùng đứa cháu gái. Con gái bà lấy chồng, sinh liền tù tì năm đứa con, khi cái tuổi chưa quá 30. Đói nghèo, thiếu thốn, con rể bà dắt hai đứa con trai đầu về quê, tận dưới Cầu Hai (thuộc huyện Phú Lộc). Một nách ba đứa con, không đường mưu sinh, bà mẹ năm con đành cho bớt đứa út làm con nuôi. Đứa con gái thứ ba là Linh để lại bà ngoại, còn chị dẫn theo một đứa, phiêu bạt tận miền Nam kiếm sống.
Hai bà cháu nạn nhân
Bà kể, chiều hôm đó, khi cháu bà băng qua đường mua bánh kẹo thì bị chiếc xe máy của hai vợ chồng người trong thôn tông phải. Linh ngã ra đường, hai chân dang rộng. Chiếc xe tông mạnh vào vùng kín. Khi đưa đứa bé vào viện, sợ khai tai nạn giao thông sẽ “rầy rà”, người phụ nữ nói tránh là đứa bé té từ tầng hai ngôi nhà xuống đất bị thương.
Trong khi bác sĩ hỏi, đứa trẻ lại trả lời do xe đụng. Thấy vết thương rách nhiều, câu trả lời giữa người lớn với đứa trẻ có nhiều mâu thuẫn, bác sĩ báo cáo sự việc lên công an.
“Khi con bé bị nạn, tui đang ở trong rừng đốn củi. Đến chiều tối về nhà, nghe dân làng kể lại, tui hoảng hồn bắt xe ôm vô viện. Cũng vì đụng xe, nên mới “lòi” ra chuyện kia. Chứ nếu không, sự việc chẳng biết sẽ kéo dài đến lúc mô”, bà lão thở dài khe khẽ.
Nạn nhân kể, trước xảy ra tai nạn xe một ngày, lúc bà ngoại sang nhà hàng xóm xem phim, ngủ trưa dậy không thấy bà, nên Linh chạy đi kiếm. Trên đường đến nhà hàng xóm, cô bé gặp Đoàn Pha (12 tuổi, trú cùng thôn). Pha rủ Linh lên đồi hái sim.
Nghĩ đi hái sim với Pha cũng như những đứa trẻ trong xóm, Linh đồng ý đi cùng. Ra đồi, cô bé hái được nắm sim, Pha giành lấy rồi bỏ chạy, cô bé đuổi theo để giành lại. Cô bé hồn nhiên kể:
“Khi về nhà, đến vạt tràm sau lưng nhà con, anh kéo con đến vạt đất trong lùm keo đã phát sạch cỏ. Anh bắt con nằm xuống. Cỏ tranh sắc lắm, cứa vào da rất đau, nên con không chịu nằm. Anh nói không làm theo anh sẽ bóp cổ con. Con sợ. Mà anh cầm cái rựa trong tay, lỡ anh đánh con, còn đau hơn cả bị cỏ tranh cứa. Anh bắt con cởi đồ, rồi nằm lên. Con đau quá khóc, thì anh bảo khóc là anh đánh”. Cô bé còn cho biết, Pha còn dọa, nếu kể cho ai biết chuyện hôm ấy sẽ bị ăn đòn. Sợ, đến bà ngoại Linh cũng không dám hé răng.
Bé Linh mới học hết lớp hai, do bà bận mưu sinh, cậu dở điên dở khùng không ai đưa đón đến lớp, cô bé đành bỏ học, tối ngày chỉ biết quanh quẩn trong nhà. Bà Bình kể, bà cũng định năm này cho cháu đi học lại, đâu ngờ xảy ra chuyện nên thôi, chắc phải hẹn năm học sau mới cho cháu đến trường. Từ ngày xảy ra chuyện, do còn nhỏ, nên con bé chưa biết chi. Nhưng bà buồn, vì nhà bên kia chẳng thèm sang hỏi thăm một tiếng. Hàng xóm láng giềng, sống kề nhau nhưng đối đãi nhau ghẻ lạnh quá.
Nghe bà ngoại trách người, đứa bé nhanh nhảu chen vào câu chuyện: “Rứa mà họ nấu ăn, hết đồ màu cũng sang xin mệ”. Bà lão đưa tay ra xua xua: “Chấp chi mấy chuyện nớ”.
Lỗi tại hoàn cảnh?
Dân trong thôn cho biết, gia đình bà Bình và cha mẹ của Pha đều là những gia đình “trời ơi đất hỡi” trong thôn. Bà Bình vốn nghiện rượu, nên thường say xỉn. Đứa cháu ở cùng không được học hành, lớn lên như ngọn cây, cọng cỏ, kiến thức về cuộc sống, giới tính cứ “lơ tơ mơ”.
Mẹ của bé trai “làm bậy” cô bé hàng xóm
Bên gia đình của Pha, cha cũng say xỉn tối ngày. Vợ chồng thường lục đục, cãi nhau suốt. Là con trai một, Pha lại được nuông chiều thái quá. “Nhà đó cưng con thì nhiều, chứ chẳng dạy được bao nhiêu. Cuộc sống vợ chồng thì “quan hệ” lộ liễu để con trai nhìn thấy, nên nó mới bắt chước học theo, chứ tí tuổi đầu thì đã biết chi?”, một hàng xóm nói. Một người khác thốt lên: “Thằng bé đó “con hư tại cha mẹ”, ở đây chẳng đứa con nít nào dám chơi cùng”.
Bên nhà “thủ phạm”, người mẹ cho biết con trai chị đi học chưa về. Chị này cho rằng: “Chuyện có gì to tát đâu. Thằng con tui nó kể, chưa “làm gì” con bé cả. Mới nằm lên thì thấy đau nên nó bỏ chạy. Hôm đó nó cầm rựa đi chặt cây làm ná bắn chim, gặp con bé kia mới xảy chuyện”.
Chị bảo hai đứa nhỏ vốn ngày thường rất ghét nhau. “Mỗi lần bé Linh sang mua bánh, con trai tôi chỉ “quẹt” một tí, Linh đã chạy về mách bà. Nên tôi không hiểu vì sao khi xảy ra chuyện “động trời”, cô bé kia lại “câm như hến””, chị này nói.
Trưởng công an xã Hương Trà cho biết, hiện vụ việc đã bàn giao cho công an tỉnh Thừa Thiên Huế. Rất có thể sẽ không có một quyết định tố tụng nào trong vụ án này, vì “nghi phạm” là đứa trẻ 12 tuổi, chưa đủ tuổi chịu bất cứ trách nhiệm hình sự gì. Điều quan trọng là qua vụ án, những bậc cha mẹ rút ra bài học cay đắng đừng sống vô tâm mà vô tình đẩy con vào lầm lỗi.
(Tên hai đứa trẻ trong bài đã được thay đổi)
Theo Pháp Luật Việt Nam