Theo quy định hiện nay, trừ dịch vụ nội dung thông tin số, còn lại thông thường mức thuế suất đối với kinh doanh thương mại điện tử bao gồm 1% thuế GTGT và 0,5% thuế thu nhập cá nhân tính trên doanh thu. Người mua hàng hóa, dịch vụ không phải nộp thêm tiền thuế. Việc kinh doanh qua thương mại điện tử thì người bán sẽ phải kê khai, nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật. Nếu kê khai không đầy đủ hoặc muộn thì sẽ bị tính tiền chậm nộp theo quy định.
Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đạt trên 25 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2023 và chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ của thị trường này, số vụ vi phạm về thuế cũng tăng chóng mặt.
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Ninh Thuận vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với một phụ nữ chuyên livestream kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội, về hành vi trốn thuế. Người này bán hàng đạt tổng doanh thu hơn 18 tỉ đồng nhưng chỉ kê khai doanh thu phải nộp thuế 2 tỉ đồng. Số tiền trốn thuế hơn 241 triệu đồng.
Theo Thông tư 40/2021/TT-BTC, hộ kinh doanh, cá nhân bán hàng online có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên thì phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN. (Ảnh minh họa)
Trước đó, vào cuối năm 2024, cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đỗ Mạnh Cường (ngụ TP Hà Nội) để điều tra về hành vi trốn thuế. Cụ thể, người này đăng ký sử dụng nhiều tài khoản bán hàng trên các sàn TMĐT để kinh doanh điện thoại, phụ kiện với tư cách cá nhân. Bước đầu, doanh thu được xác định hơn 160 tỉ đồng nhưng người này đã sử dụng nhiều tài khoản cá nhân khác nhau để nhận tiền thanh toán và không kê khai, nộp thuế theo quy định, trốn thuế với số tiền khoảng 2,5 tỉ đồng.
Theo thống kê của Cục Thuế - Bộ Tài chính, năm 2024, cơ quan này đã phát hiện và xử lý 33.003 trường hợp vi phạm về thuế trong lĩnh vực TMĐT, trong đó có 736 doanh nghiệp (DN) và 32.267 cá nhân, với tổng số tiền truy thu và phạt gần 1.400 tỉ đồng.
Lý giải về việc có quá nhiều trường hợp vi phạm về thuế bị phát hiện, ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hiệp hội TMĐT Việt Nam, chỉ ra một nguyên nhân là do nhiều người thiếu kiến thức về pháp luật, nhất là thuế. Theo ông Phong, trong khi các nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng thường được các công ty chủ quản hỗ trợ pháp lý thì người kinh doanh tự do vì thiếu định hướng nên dễ sai sót. "Nhiều người đến khi bị phạt, bị truy thu thuế mới hốt hoảng tìm sự trợ giúp. Không phải ai cũng chủ tâm vi phạm, phần lớn là do không nắm rõ luật, học lỏm cách làm từ người khác, dẫn đến sai sót không thể chối cãi" - ông Phong nói.
Theo quan sát của ông Phong, thời gian gần đây, các KOL/KOC, người kinh doanh online sau thời gian va chạm và trải nghiệm thực tế với kinh doanh online, tiếp thị liên kết (affiliate marketing) thì nhận thức về thuế đã cải thiện đáng kể. "Kinh doanh phải nộp thuế - đó là công bằng tối thiểu với mọi người trong cuộc chơi. Những ai cố tình trốn thuế để giảm giá, tạo lợi thế cạnh tranh, sớm muộn cũng bị loại bỏ" - ông Phong nói.
Nếu kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử, thì định kỳ hàng quý sẽ phải gửi thông tin về doanh thu của khách hàng cho ngành thuế. Từ 1/4 thì các sàn thương mại điện tử sẽ khấu trừ 1,5% trên doanh thu để nộp thuế thay cho người bán.
Theo Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân, Tổng cục Thuế cho hay: "Thay vì hàng trăm nghìn cá nhân kinh doanh đó thì chỉ cần 1 đầu mối kê khai là sàn thương mại điện tử. Việc này sẽ giúp tiết kiệm chi phí của toàn xã hội và hỗ trợ cho người nộp thuế là cá nhân người ta không cần phải kê khai từng lần với cơ quan thuế nữa".
Nếu không kinh doanh qua sàn thương mại điện tử mà kinh doanh qua các trang mạng xã hội khác, sau đó sử dụng dịch vụ giao hàng và thu tiền hộ, thì ngành thuế cũng đã phối hợp với các đơn vị giao hàng nhanh, với các công ty viễn thông, với các ngân hàng thương mại để rà soát, thu thuế.
Áp dụng AI để phát hiện rủi ro thuế
Ở góc độ quản lý, các cơ quan liên quan cho biết đã triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm thu đúng, thu đủ và kịp thời nguồn thu từ hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số. Đồng thời, một quy định mới đáng chú ý là cá nhân livestream bán hàng trên mạng xã hội sẽ phải xác thực danh tính bằng số định danh cá nhân, nhằm bảo đảm tính minh bạch và hạn chế gian lận thuế.
Cùng với việc hoàn thiện chính sách pháp luật, Bộ Tài chính đã chính thức vận hành Cổng thông tin điện tử dành riêng cho hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT từ ngày 19/12/2024. Cổng thông tin này giúp cá nhân kinh doanh trên nền tảng số dễ dàng thực hiện nghĩa vụ thuế - từ đăng ký, kê khai đến nộp thuế. Chỉ trong hơn 2 tháng hoạt động, đến ngày 27/2, cổng đã hỗ trợ 41.500 hộ, cá nhân kinh doanh với tổng số thuế nộp vào ngân sách nhà nước đạt hơn 258 tỉ đồng.
(Ảnh minh họa).
Theo Cục Thuế, việc làm giàu cơ sở dữ liệu TMĐT cũng là một trọng tâm trong công tác quản lý thuế. Trong năm 2024, Cục Thuế đã làm việc với 6 sàn TMĐT lớn gồm Shopee, Tiki, Lazada, Sendo, TikTok và Grab để yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin về người bán. Đến nay, cơ quan thuế đã thu thập được dữ liệu từ 439 sàn TMĐT với tổng cộng 40 tỉ lượt giao dịch, giá trị giao dịch lên đến 366.000 tỉ đồng. Ngoài ra, Cục Thuế đang mở rộng thu thập thông tin từ các đơn vị vận chuyển và các nền tảng nước ngoài nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu TMĐT toàn diện hơn.
Song song với việc kiểm soát dữ liệu, ngành thuế cũng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực TMĐT.
Bộ Tài chính cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Quản lý thuế và Luật TMĐT theo hướng siết chặt hơn nghĩa vụ thuế của cá nhân, tổ chức kinh doanh trên nền tảng số. Các giải pháp được triển khai bao gồm yêu cầu các sàn TMĐT cung cấp thông tin về người bán, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu và phát hiện rủi ro thuế, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra để bảo đảm nghĩa vụ thuế được thực hiện đầy đủ.
Quyết liệt cưỡng chế
Theo ông Nguyễn Hoa Bắc, Trưởng Phòng Quản lý hộ kinh doanh, cá nhân và thu khác - Chi cục Thuế khu vực II (trước đây là Cục Thuế TP HCM), từ tháng 12-2024, chi cục đã triển khai công tác rà soát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân có doanh thu trên TMĐT từ năm 2025, đồng thời tiến hành kiểm tra thuế những cá nhân có thu nhập phát sinh từ TMĐT.
Trong khi đó, ông Nguyễn Nam Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực II, cũng cho hay chi cục tiếp tục đẩy mạnh khai thác dữ liệu các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các sàn TMĐT tại ứng dụng kho cơ sở dữ liệu tập trung ngành thuế; phân công các đơn vị thực hiện những biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế. "Ngoài ra, ngành thuế TP HCM cũng rà soát, xác định người có hoạt động kinh doanh TMĐT còn nợ thuế; quyết liệt áp dụng các biện pháp cưỡng chế, trong đó có việc đề nghị tạm hoãn xuất nhập cảnh đối với người bán hàng online chưa nộp thuế" - ông Bình cho biết thêm.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)