Từng là hai địa phương thuần nông của tỉnh Hà Bắc cũ, Bắc Ninh và Bắc Giang nay đều vươn mình mạnh mẽ trở thành những trung tâm công nghiệp quan trọng của miền Bắc.
Sở hữu lợi thế nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, cùng vị trí "cửa ngõ" phía Đông Bắc của Thủ đô, Bắc Ninh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong gần ba thập kỷ qua. Từ một tỉnh thuần nông, Bắc Ninh đã trở thành một trung tâm công nghiệp công nghệ cao với nhiều chỉ số phát triển thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Một góc Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Đến năm 2024, con số này đã tăng gấp hơn 100 lần, đạt 232.800 tỷ đồng, xếp thứ 9 cả nước. Tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp (KCN) tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, trong đó 12 KCN đã đi vào hoạt động.
Bắc Ninh là điểm đến quen thuộc của nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, Canon, Amkor… với thế mạnh nổi trội trong lĩnh vực sản xuất điện tử. Tỉnh đã thu hút vốn đầu tư từ 41 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều năm liền, Bắc Ninh nằm trong nhóm đầu cả nước về thu hút và giải ngân vốn FDI.
Theo định hướng phát triển đến năm 2030, Bắc Ninh đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với nền công nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh hướng đến xây dựng hệ sinh thái công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào nhóm ngành mũi nhọn như điện tử, công nghiệp bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.
Một góc Thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Trong khi đó, Bắc Giang lại nổi lên như một "hiện tượng tăng trưởng" mới trong vài năm trở lại đây. Từ năm 2022 đến nay, Bắc Giang liên tục dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP, đạt mức hai con số.
Năm 2024, quy mô GRDP của tỉnh Bắc Giang đạt khoảng 207.000 tỷ đồng, xếp thứ 12 toàn quốc. Sản xuất công nghiệp hiện là động lực phát triển chủ đạo của tỉnh. Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh có 16 KCN với tổng diện tích quy hoạch hơn 3.683ha, trong đó 8 KCN đã đi vào hoạt động và 8 đang trong quá trình xây dựng hạ tầng.
Riêng trong năm 2024, có 88 dự án mới được cấp phép đầu tư – minh chứng cho sức hút ngày càng lớn của tỉnh.
Đáng chú ý, theo quy hoạch đến năm 2030, Bắc Giang đặt mục tiêu phát triển 29 KCN với tổng diện tích khoảng 7.000ha – gấp đôi hiện tại, cho thấy tham vọng mở rộng không gian công nghiệp và nâng tầm vị thế trong bản đồ kinh tế khu vực.
Tỉnh nào là "thủ phủ" công nghiệp của miền Bắc?
Trong những năm gần đây, Bắc Giang đã vươn lên trở thành một trung tâm công nghiệp năng động, thu hút sự chú ý của cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Với những thành tựu ấn tượng, tỉnh này đang dần khẳng định vị thế "thủ phủ công nghiệp" mới của miền Bắc Việt Nam.
Bắc Giang được xem là "thủ phủ công nghiệp" của miền Bắc. (Ảnh minh họa)
Sự trỗi dậy của Bắc Giang được minh chứng bằng việc thu hút hàng loạt "đại bàng" công nghệ toàn cầu như Hana Micron, Foxconn, Luxshare-ICT, và JA Solar. Thậm chí, tập đoàn bán lẻ hàng đầu châu Á, Aeon Mall, cũng đã chọn Bắc Giang làm điểm đến chiến lược, thể hiện niềm tin vào tiềm năng phát triển của tỉnh. Trong năm 2024, tổng vốn đầu tư quy đổi của Bắc Giang đạt trên 2,23 tỷ USD, trong đó bao gồm 29 dự án DDI mới, 73 dự án FDI mới, và việc điều chỉnh tăng vốn cho 24 dự án đầu tư trong nước. Bên cạnh đó, tỉnh cũng ghi nhận vốn bổ sung lên đến 2.796,45 tỷ đồng và 74 dự án FDI tăng thêm vốn với tổng giá trị 782,8 triệu USD.
Khu công nghiệp Quang Châu, tọa lạc trên Quốc lộ 1 và gần quốc lộ 18, được xem là "át chủ bài" trong sự phát triển công nghiệp của Bắc Giang. Được xây dựng theo mô hình quần thể kiến trúc hiện đại, Quang Châu tích hợp khu công nghiệp, khu đô thị, khu vui chơi giải trí và dịch vụ. Nơi đây tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm như điện tử, sản phẩm từ kim loại, cơ khí, may mặc, và pin năng lượng mặt trời. Hiện tại, khu công nghiệp này đã thu hút 52 dự án đầu tư, bao gồm 45 dự án FDI và 7 dự án DDI.
Không chỉ thu hút đầu tư mạnh mẽ, Bắc Giang còn ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024, tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 13,85%, dẫn đầu cả nước, vượt qua nhiều địa phương khác như Thanh Hóa (12,16%) và Hải Phòng (11,01%). Mặc dù sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và tình trạng vải thiều mất mùa, khu vực công nghiệp - xây dựng vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao, đóng góp 12,79 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Đặc biệt, ngành công nghiệp ước tăng 19,87%, tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực, đóng góp tới 13,06 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Về hạ tầng giao thông, Bắc Giang có lợi thế khi sở hữu 3 tuyến đường sắt quốc gia chạy qua, bao gồm: Hà Nội - Lạng Sơn, Kép - Chí Linh và Kép - Lưu Xá, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và kết nối với các tỉnh thành khác.
Với những lợi thế về vị trí địa lý, chính sách thu hút đầu tư hiệu quả và tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, Bắc Giang đang từng bước khẳng định vị thế là "thủ phủ công nghiệp" đầy tiềm năng của miền Bắc, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh và khu vực.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)