Ba mẹ con bà Minh sống lay lắt trong căn nhà rách nát hơn 10 năm nay.
Cậu bé không tên sống một cuộc sống hoang dã
như “người rừng” (ảnh nhỏ).
Lay lắt sống qua ngày
Mấy ngày gần đây, dư luận đặc biệt chú ý về một gia đình giống như “người rừng” của ba mẹ con bà Nguyễn Thị Thanh Minh ở thôn Sư Lỗ, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc. Nhiều người không thể tin nổi tại sao hơn 10 năm qua ba mẹ con bà Minh lại có thể sống hoang dã và “tự nhiên” như thế. Nói tiếng là ở thôn Sư Lỗ nhưng gia đình bà Minh không có hộ khẩu, hai đứa con không tên, không giấy khai sinh, không được đi học…
Sau nhiều lần dừng xe hỏi nhà, chúng tôi cũng đến được nhà bà Minh. Xung quanh ngôi nhà toàn cây cỏ dại mọc um tùm. Phía trong nhà đồ đạc xập xệ, rách nát, không điện, không nước… Thấy có người lạ đến nhà, cả ba mẹ con tỏ vẻ lo sợ, nấp sau bờ tường cũ nát. Sau một lúc động viên, chúng tôi cũng tiếp xúc được với ba mẹ con họ. Tuy nhiên, bà Minh cũng chỉ ú ớ vài câu và luôn miệng cười! Còn cậu bé khoảng chừng 15 tuổi, trên người mang một cái áo cũ rách tơi tả thì không nói được câu nào.
Theo ông Nguyễn Đoàn (52 tuổi, sống gần nhà bà Minh), hơn 10 năm nay, hễ thấy người lạ tới là cậu bé này thường bỏ chạy. Do người dân nơi đây cũng rất nghèo, ai cũng vất vả mưu sinh nên cũng không giúp đỡ gì được cho gia đình bà Minh. Hàng xóm cũng chẳng biết hai con của bà Minh là tên gì, họ cứ thấy hai đứa con cứ thoắt ẩn, thoắt hiện. “Tôi thường chứng kiến cậu bé như “người rừng” này xuống sông bắt cá sống để ăn. Buổi trưa và ban đêm thì trèo lên cây hái quả về ăn. Chúng tôi chưa nghe cậu bé này nói bao giờ, chỉ nghe cậu hú gọi…”, ông Đoàn cho biết.
Một điều lạ là dù sống một cuộc sống hoang dã như vậy nhưng mẹ con bà Minh không hề đau ốm gì. Để có nước sinh hoạt, mẹ con bà Minh sử dụng từng bịch nhựa nước giếng đựng sẵn đã ố màu. Còn soong nồi nấu ăn thì cái nào cũng hoen ố, gỉ…
Ông Nguyễn Ngọc Thành, trưởng thôn Sư Lỗ cho biết, bà Minh bị bệnh tâm thần mấy năm nay nên cuộc sống gia đình rất bi đát. “Cả gia đình bà Minh có hai đứa con thì không được học hành, cháu đầu thì hễ cứ thấy người lạ là bỏ chạy, có hôm vừa đi vừa hú phát ra âm thanh nghe rợn người. Một số người thấy thương cho áo quần thì không thấy nó mang, mà nó chỉ mang duy nhất một cái áo rách nát mấy năm nay, thương lắm...”, ông Thành cho biết.
Chính quyền không báo lên cấp trên?
Theo ông Huỳnh Bình, Chủ tịch UBND xã Lộc Điền thì gia đình này có gen di truyền về bệnh điên, hoàn cảnh rất khó khăn. Xã đã biết từ lâu nhưng khi có chính sách hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho mẹ con bà Minh, cán bộ về mời người thân bà Minh lên để phối hợp sửa chữa thì họ không lên nên đã hỗ trợ cho nhà khác. “Mình tới vận động họ mà họ không chấp nhận thì cũng không biết làm sao!”, ông Bình cho biết.
Còn theo bà Võ Thị Kim Ánh, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Bảo trợ xã hội và Bảo vệ chăm sóc trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế, bà bất ngờ trước thông tin về gia đình này. Bà Ánh cho biết, đáng lẽ ra chính quyền địa phương phải báo cáo lên các cơ quan ban ngành về trường hợp này để có hướng giúp đỡ.
“Chúng tôi sẽ có trách nhiệm làm việc và yêu cầu kiểm tra vụ việc này. Chúng tôi quá bất ngờ và cũng không nghĩ chính quyền địa phương để cho ba mẹ con này phải sống trong khổ cực như thế. Ở một xã hội hiện đại hiện nay mà còn trường hợp này ở giữa xã Lộc Điền thì thật đáng tiếc. Chúng tôi chỉ đạo ngay Phòng LĐ,TB&XH huyện Phú Lộc tìm hiểu về hoàn cảnh cậu bé này, nghiên cứu để tìm hiểu các chế độ chính sách và làm giấy khai sinh cho các cháu”, bà Ánh cho biết.
Cuộc sống của gia đình bà Minh rất khó khăn, đang cần sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm. Đặc biệt, cậu bé được ví như “người rừng” đang rất cần sự quan tâm đặc biệt để hòa nhập cộng đồng, tránh những hệ lụy xấu có thể xảy ra sau này.
Theo Giadinh.net.vn