1. Nghị định 44/2025/NĐ-CP về tiền lương và tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước có hiệu lực từ ngày 15/4/2025
Chính phủ ban hành Nghị định 44/2025/NĐ-CP ngày 28/02/2025 về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2025. Các chế độ quy định tại Nghị định 44/2025/NĐ-CP được thực hiện từ ngày 01/01/2025.
Theo đó, đối tượng áp dụng Nghị định 44/2025/NĐ-CP về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước gồm:
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu.
- Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng (sau đây gọi chung là Ban điều hành).
- Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, không bao gồm thành viên độc lập Hội đồng quản trị (sau đây gọi chung là Thành viên hội đồng).
- Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát (sau đây gọi chung là Kiểm soát viên).
- Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các quy định tại Nghị định 44/2025/NĐ-CP.
Loạt Nghị định mới bắt đầu có hiệu lực thi hành từ tháng 04 năm 2025. (Ảnh minh họa)
2. Phương thức thực hiện hỗ trợ sinh viên sư phạm từ ngày 20/4/2025
Chính phủ ban hành Nghị định 60/2025/NĐ-CP ngày 03/3/2025 sửa đổi Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, có hiệu lực từ ngày 20/4/2025 và áp dụng bắt đầu từ năm học 2025 - 2026.
Theo đó, Nghị định 60/2025/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 Nghị định 116/2020/NĐ-CP về phương thức thực hiện hỗ trợ sinh viên sư phạm như sau:
- Căn cứ vào chỉ tiêu được thông báo của các cơ sở đào tạo giáo viên, các bộ, ngành, địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm bằng hình thức giao dự toán theo phân cấp ngân sách; trường hợp địa phương có nhu cầu nguồn giáo viên cần thực hiện theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng thì thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc hoặc đặt hàng đào tạo giáo viên với cơ sở đào tạo giáo viên;
- Quyết định giao nhiệm vụ, hợp đồng đào tạo giáo viên giữa cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng với các cơ sở đào tạo giáo viên phải căn cứ trên cơ sở nhu cầu và kế hoạch đào tạo giáo viên theo từng năm, phù hợp với lộ trình kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo, kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên hằng năm và dài hạn của địa phương;
- Đơn giá thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên được xác định theo quy định tại Điều 4 Nghị định 116/2020/NĐ-CP;
- Các quy định khác về giao nhiệm vụ, đặt hàng chưa được quy định cụ thể tại Nghị định 116/2020/NĐ-CP và Nghị định 60/2025/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước.
3. Bộ máy quản lý và điều hành Quỹ phòng, chống thiên tai từ ngày 19/4/2025
Đây là nội dung tại Nghị định 63/2025/NĐ-CP ngày 05/3/2025 sửa đổi Nghị định 78/2021/NĐ-CP thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai do Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 19/4/2025.
Theo đó, bộ máy quản lý và điều hành Quỹ phòng, chống thiên tai tại Điều 5 Nghị định 78/2021/NĐ-CP được Nghị định 63/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung như sau:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sử dụng bộ máy của cơ quan chuyên môn tham mưu giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai làm cơ quan quản lý Quỹ trung ương.
- Cơ quan quản lý Quỹ trung ương gồm có Giám đốc, các Phó giám đốc, Kế toán trưởng, công chức, viên chức làm việc theo chế độ kiêm nhiệm hoặc biệt phái.
+ Giám đốc Quỹ trung ương do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định. Giám đốc Quỹ trung ương là đại diện theo pháp luật của Quỹ trung ương; được ký hợp đồng theo quy định của pháp luật đối với một số công việc phục vụ hoạt động của quỹ, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
+ Các Phó giám đốc Quỹ trung ương do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định theo đề nghị của Giám đốc Quỹ trung ương.
+ Kế toán trưởng, công chức, viên chức kiêm nhiệm, biệt phái tại cơ quan quản lý Quỹ trung ương do Giám đốc Quỹ trung ương quyết định theo quy định của pháp luật.
- Chế độ làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý Quỹ trung ương được quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động Quỹ trung ương do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành theo đề nghị của cơ quan quản lý Quỹ trung ương.
(Lưu ý: Từ ngày 01/3/2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đổi tên thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).
(Ảnh minh họa).
4. Phương án bảo đảm an toàn hàng hải từ ngày 10/4/2025
Chính phủ ban hành Nghị định 34/2025/NĐ-CP ngày 25/02/2025 sửa đổi các Nghị định trong lĩnh vực hàng hải, có hiệu lực từ ngày 10/4/2025. Riêng các biểu mẫu số 42, 43, 46, 47, 48, 49, 50, 51, 57 quy định tại khoản 43 Điều 1 Nghị định 34/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/4/2027.
Theo đó, Nghị định 34/2025/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điều 8 Nghị định 58/2017/NĐ-CP về phương án bảo đảm an toàn hàng hải. Trong đó, các trường hợp phải lập Phương án bảo đảm an toàn hàng hải được quy định gồm:
- Xây dựng, thi công các công trình cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, luồng hàng hải, báo hiệu hàng hải và khu nước, vùng nước;
- Xây dựng các công trình giao cắt với vùng nước cảng biển, luồng hàng hải hoặc các công trình có ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải như cầu, đường dây điện, cáp treo, các công trình ngầm, giàn khoan, điện gió, thủy điện, nhiệt điện và các công trình tương tự khác;
- Thi công, đầu tư xây dựng các công trình trong vùng biển Việt Nam ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải;
- Bến cảng, cầu cảng tiếp nhận tàu biển giảm tải có thông số kỹ thuật lớn hơn thông số kỹ thuật của tàu biển tại Quyết định công bố. Bộ Giao thông vận tải tổ chức xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật về bến cảng, cầu cảng tiếp nhận tàu biển giảm tải có thông số kỹ thuật lớn hơn thông số kỹ thuật của tàu biển tại Quyết định công bố.
5. Quy định về xuất khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh từ ngày 12/4/2025
Chính phủ ban hành Nghị định 31/2025/NĐ-CP ngày 24/02/2025 sửa đổi Nghị định 32/2012/NĐ-CP quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh, có hiệu lực thi hành từ ngày 12/4/2025.
Theo đó, Nghị định 31/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 7 Nghị định 32/2012/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 31/2025/NĐ-CP) về xuất khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh như sau:
- Cá nhân, tổ chức có văn hóa phẩm xuất khẩu đã được sản xuất, công bố, phổ biến và lưu hành hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam khi xuất khẩu chỉ làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Căn cứ quy định của pháp luật về áp dụng quản lý rủi ro trong nghiệp vụ hải quan, cơ quan Hải quan, nơi làm thủ tục xuất khẩu đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 32/2012/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 31/2025/NĐ-CP) kiểm tra chuyên ngành văn hóa phẩm.
- Biên bản kiểm tra chuyên ngành và niêm phong văn hóa phẩm xuất khẩu theo các mẫu tại Phụ lục II kèm theo Nghị định 32/2012/NĐ-CP là cơ sở để cơ quan Hải quan giải quyết thủ tục xuất khẩu văn hóa phẩm.
- Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận Thông báo nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh theo quy định tại Điều 8 Nghị định 32/2012/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 31/2025/NĐ-CP) có thẩm quyền kiểm tra chuyên ngành và niêm phong văn hóa phẩm xuất khẩu đối với văn hóa phẩm thuộc thẩm quyền theo đề nghị của cơ quan Hải quan hoặc cá nhân, tổ chức.
- Đối với các loại văn hóa phẩm là di vật, cổ vật phải được cơ quan chuyên môn về văn hóa thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) kiểm tra chuyên ngành trước khi xuất khẩu.
- Cá nhân, tổ chức có văn hóa phẩm đề nghị kiểm tra chuyên ngành trước khi xuất khẩu nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ đề nghị kiểm tra chuyên ngành tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 32/2012/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 31/2025/NĐ-CP). Hồ sơ đề nghị kiểm tra chuyên ngành văn hóa phẩm gồm:
+ Đơn đề nghị kiểm tra chuyên ngành văn hóa phẩm xuất khẩu theo Phụ lục I kèm theo Nghị định 31/2025/NĐ-CP;
+ Văn hóa phẩm đề nghị kiểm tra chuyên ngành;
+ Bản sao quyết định cho phép xuất khẩu di vật, cổ vật của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
+ Bản sao tài liệu kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực tài liệu có liên quan chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của di vật, cổ vật.
- Thời gian kiểm tra chuyên ngành văn hóa phẩm tối đa không quá 12 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định 32/2012/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 31/2025/NĐ-CP).
Trường hợp hồ sơ không đúng theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định 32/2012/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 31/2025/NĐ-CP), trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra chuyên ngành văn hóa phẩm đề nghị cá nhân, tổ chức hoàn thiện hồ sơ.
Cá nhân, tổ chức nhận Biên bản kiểm tra chuyên ngành và niêm phong văn hóa phẩm xuất khẩu kèm văn hóa phẩm đã được kiểm tra chuyên ngành và dán niêm phong tại trụ sở cơ quan kiểm tra chuyên ngành.
6. Nội dung chứng thư chữ ký điện tử từ ngày 10/4/2025
Chính phủ ban hành Nghị định 23/2025/NĐ-CP ngày 21/02/2025 quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2025.
Cụ thể, nội dung chứng thư chữ ký điện tử bao gồm:
- Thông tin về cơ quan, tổ chức tạo lập chứng thư chữ ký điện tử.
- Thông tin về cơ quan, tổ chức, cá nhân được cấp chứng thư chữ ký điện tử, bao gồm tên cơ quan, tổ chức, cá nhân; mã/số định danh của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc danh tính điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân được cấp chứng thư chữ ký điện tử và các thông tin cần thiết khác (nếu có).
- Số hiệu của chứng thư chữ ký điện tử.
- Thời hạn có hiệu lực của chứng thư chữ ký điện tử.
- Dữ liệu để kiểm tra chữ ký điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân được cấp chứng thư chữ ký điện tử.
- Chữ ký điện tử của cơ quan, tổ chức tạo lập chứng thư chữ ký điện tử.
- Mục đích, phạm vi sử dụng của chứng thư chữ ký điện tử.
- Trách nhiệm pháp lý của cơ quan, tổ chức cấp chứng thư chữ ký điện tử.
Nghị định 130/2018/NĐ-CP và Nghị định 48/2024/NĐ-CP hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định 23/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 47 Nghị định 23/2025/NĐ-CP.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)