Văn khấn Tết Đoan Ngọ
Cùng với mâm cúng Tết Đoan Ngọ, khi làm lễ cúng cần đọc bài văn khấn chỉn chu, đủ đầy để mời gọi thần linh, chư Phật chứng giám và thụ lễ. Sau đây là bài văn khấn Tết Đoan Ngọ chuẩn nhất, được trích trong sách lễ tiết Việt Nam mà bạn có thể tham khảo:
Đầu tiên, trước khi đọc văn khấn, gia chủ cần đốt 9 ngọn nến, thắp 9 nén hương và lạy 9 lạy để đọc văn khấn.
“Nam mô A di Đà Phật! (3 lần)
Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ, chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh (Thay bằng Tổ Khảo, Tổ Tỷ nếu bố mẹ còn sống).
Con là:…. Tuổi:….
Hiện cư ngụ tại: … ( địa chỉ cụ thể: số nhà, đường, phường/ xã, huyện, tỉnh/ thành phố).
Hôm nay nhân ngày mùng 5/5 âm lịch, tức Tết Đoan Ngọ, chúng con sửa sang hương đăng, sắm sửa lễ vật, hoa đăng, trà quả dâng lên trước án thờ.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần. Cung kính cúi xin các Ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ (họ gia chủ), cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tấm lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con xin kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái – bản mệnh bình an – bốn mùa không hạn ách – tám tiết hưởng bình an thịnh vượng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin đức thánh thần được phù hộ độ trì.
Nam mô A di Đà Phật! (3 lần)”
Kết thúc lễ, cắm nhang, lạy 9 lạy.
Những lưu ý khi cúng Tết Đoan Ngọ
Lễ cúng Tết Đoan Ngọ đúng chuẩn, bạn cần chuẩn vị đầy đủ các lễ vật hương, đèn, hoa tươi và mâm cúng Tết Đoan Ngọ. Ngoài ra, đừng quên chuẩn bị bài văn khấn mời thần linh chứng giám lòng thành và thụ hưởng lễ vật.
Tùy vào từng gia đình, mâm cơm cúng Tết Đoan Ngọ sẽ được bày trên bàn thờ tổ tiên hoặc trước nhà. Ngoài ra, nếu có điều kiện gia chủ có thể bày cả hai nơi cùng lúc.
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ bàn thờ Ông Địa, Thần Tài cũng tương tư như mâm lễ Tết Đoan Ngọ gia tiên. Tùy vào điều kiện gia đình và phong tục từng vùng, mà mâm cũng có thể thay đổi khác nhau.
Cúng Tết Đoan Ngọ vào giờ nào là câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất khi đến ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm. Theo lịch âm, mùng 5 tháng 5 có 2 khung giờ cúng Tết Đoan Ngọ tốt nhất như sau:
11h -13h: Giờ chính ngọ, khung giờ đẹp và chuẩn nhất khi cúng Tết Đoan Ngọ, đặc biệt là 12h trưa.
7h – 9h: nếu không thể sắp xếp được thời gian vào giờ ngọ, gia chủ có thể chọn thời gian sớm hơn vào khung giờ từ 7 đến 9 giờ sáng để cúng Tết Đoan Ngọ.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)