Việt Nam ta từ bao đời nay vô cùng coi trọng chữ hiếu, luôn khắc ghi trong lòng lời dặn “uống nước nhớ nguồn” của các bậc cha ông. Vậy nên cứ vào dịp cuối năm, các gia đình lại sắm sửa cùng nhau đi tảo mộ. Tảo mộ là hoạt động dọn dẹp cỏ dại, vun lại những nấm mộ, sửa sang, tu bổ, chăm sóc những cây xanh ở xung quanh mộ phần của người thân quá cố trong gia đình. Tảo mộ cuối năm còn là dịp để gia đình, con cháu sum vầy, ôn lại những kỉ niệm đã qua.
Tảo mộ cuối năm còn như một lời nhắc nhở đến con cháu đời sau phải ghi nhớ công ơn tổ tiên, phải phấn đấu để có thể mang đến những điều tốt đẹp nhất cho gia đình mình. Người ta nói “Con chim tìm tổ, con người tìm tông”, mỗi độ Tết đến xuân về, con cháu từ khắp các phương xa lại quây quần, tụ họp về bên mái ấm gia đình, truyện trò rôm rả. Tảo mộ cuối năm thực sự là một nét đẹp văn hóa đáng quý của con người Việt Nam.
Tảo mộ cuối năm vào ngày nào?
Người Việt trọng nghĩa tình. Vậy nên thủ tục “đón rước” ông bà thực ra rất đơn giản, chủ yếu ở tấm lòng và cái tình con cháu. Thời gian tảo mộ vì vậy cũng không cố định.
Cuối năm người Việt thường đi tảo mộ (Ảnh minh họa)
Lễ tảo mộ thường sẽ được thực hiện sau ngày ông Công ông Táo lên chầu Thiên tức 23 tháng Chạp đến chiều 30 Tết hoặc chiều 29 Tết nếu là tháng thiếu. Do đó, tảo mộ 2025 sẽ từ 23 tháng Chạp đến 29 Tết.
Một dịp khác để tảo mộ đầu năm đó chính là tiết Thanh minh (hay còn được gọi là Tết hàn thực mùng 3 tháng 3 âm lịch). Tiết Thanh minh có nguồn gốc từ Trung Quốc và ảnh hưởng một phần đến văn hóa Việt Nam. Tháng 3 đẹp trời, những buổi chiều mát, người ta hay cùng nhau đến các vùng ngoại ô hít thở không khí trong lành, phát quang bụi rậm, sang sửa lại các mộ phần. Nhìn chung, khoảng thời gian này không quá gò bó, tùy theo sự lựa chọn của mỗi gia đình là chủ yếu.
Đi tảo mộ cần chuẩn bị những gì?
Khi đi tảo mộ cuối năm, việc chuẩn bị những vật phẩm cúng lễ sao cho đúng cũng là cần thiết. Có nhiều người vì không biết rõ đi tảo mộ cần chuẩn bị những gì ngày Tết nên đã phạm phải những sai lầm không nên có, vô cùng đáng tiếc. Gia đình có thể chuẩn bị lễ chay hoặc lễ mặn tùy ý. Nhưng dù là lễ chay hay mặn thì có một số lễ vật là không thể thiếu như: Đèn, chè, rượu, nước trong, tiền vàng, trầu cau, hương và quả.
Đối với lễ chay, cần chuẩn bị thêm bánh trái, gạo, muối, bỏng, chén mật, xôi chè, bơ. Lễ mặn thì có thêm chân giò, gà luộc, rượu thịt hoặc khoanh giò.
(Ảnh minh họa)
Tảo mộ cuối năm là một việc làm thiêng liêng, nhiều ý nghĩa, là một phong tục truyền thống của người dân Việt khắp mọi miền đất nước.
Dù bận đến mấy đi chăng nữa trong cuộc sống, dù cả năm bôn ba làm ăn ở nơi xa, nhưng chốn quay về vẫn là quê hương. Nhiều gia đình cho rằng mỗi dịp tảo mộ cũng là một dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong năm với cả gia đình, dòng họ, cũng là để thành tâm mời ông bà tổ tiên về ăn tết.
Ánh Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)