Lừa đảo tuyển dụng
Những bài tuyển dụng "việc nhẹ, lương cao" này thường yêu cầu nạn nhân cung cấp hình ảnh căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ email, số tài khoản ngân hàng... để đăng ký nhận việc. Đây là chiêu trò đánh cắp danh tính để vay tiền online, đăng ký mã số thuế ảo, đăng ký thuê bao trả sau...
Lừa đảo qua tin nhắn
Hack tài khoản hoặc tạo một tài khoản giả mạo bạn bè, người thân của nạn nhân là một chiêu trò phổ biến nhưng lại khiến nhiều người dễ dàng rơi vào bẫy. Nếu bất ngờ nhận được tin nhắn vay tiền từ người quen, bạn nên gọi điện hoặc hỏi thêm thông tin để kiểm tra đối phương có thực sự là người mình biết.
Lừa đảo tình cảm
Khi hình thức hẹn hò online ngày càng phổ biến, những trò lừa đảo liên quan cũng ngày càng gia tăng và trở nên tinh vi hơn. Dựa trên báo cáo năm 2023 của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), những kẻ lừa đảo thường tiếp cận nạn nhân thông qua Instagram (29%) và Facebook (28%). Chúng sẵn sàng dành nhiều thời gian trò chuyện, lắng nghe tâm sự mỗi ngày để chiếm được lòng tin của "con mồi". Sau một thời gian, kẻ gian sẽ ngỏ ý cần vay mượn tiền, rủ rê đầu tư hoặc muốn tặng quà nhưng lại yêu cầu bạn trả một khoản phí vì hàng được gửi từ nước ngoài.
Cũng trong năm 2023, có khoảng 70.000 người là nạn nhân của chiêu trò lừa đảo tình cảm online, với thiệt hại trung bình khoảng 4.400 USD. Theo Insider, con số này chỉ phản ánh một phần nhỏ vì có nhiều trường hợp không được báo cáo.
Link độc hại
Những kẻ lừa đảo sử dụng các tài khoản Facebook bị hack để phát tán những link độc hại ở nhiều nơi, từ các bài đăng có mức tương tác cao cho đến hội nhóm nhỏ. Nếu nhấp vào link, bạn sẽ được chuyển đến một trang web giả mạo yêu cầu đăng nhập vào Facebook. Để tránh bị dính mã độc hoặc mất tài khoản, người dùng tuyệt đối không nên nhấn vào đường link có tên miền lạ.
Game trắc nghiệm
Chỉ qua vài câu hỏi đơn giản, người dùng sẽ nhận được dự đoán tương lai trong vòng 5 năm tới, nghề nghiệp phù hợp dựa trên tính cách, bạn sẽ kết hôn khi nào... Những trò chơi tưởng chừng như vô hại này có thể đang âm thầm đánh cắp thông tin của người dùng. Adam Levin - nhà sáng lập công ty dịch vụ rủi ro dữ liệu và bảo vệ danh tính toàn cầu CyberScout cho biết vì hầu hết trò chơi trên Facebook yêu cầu quyền truy cập vào hồ sơ người dùng, hacker sẽ lợi dụng điều này để chèn thêm những câu hỏi trắc nghiệm có nội dung giống với câu hỏi bảo mật trên Facebook. Kẻ gian sẽ dùng thông tin này để khôi phục mật khẩu, cướp quyền truy cập tài khoản.
Nếu muốn tham gia trắc nghiệm trên Facebook, hãy kiểm tra xem bên cung cấp có đáng tin cậy hay không hoặc trả lời sai một số thông tin nhạy cảm để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, còn rất nhiều những hình thức lừa đảo khác như sau:
Lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”.
Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice.
Lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao.
Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công.
Giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu.
Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí.
Thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng.
Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen,.
Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (BHXH, ngân hàng.)
Lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo.
Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp.
Lừa đảo tuyển CTV online.
Đánh cắp tài khoản MXH, nhắn tin lừa đảo.
Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo.
Rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử.
Đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng.
Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng.
Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa.
Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP.
Lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI.
Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook.
Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng,.
Rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook.
Lừa đảo cho số đánh đề.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)