Thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn mới rất tinh vi. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng các tài khoản ngân hàng do mua, bán để thực hiện giao dịch chuyển và nhận tiền của bị hại, sau đó rửa tiền bằng nhiều phương thức khác nhau.
Thủ đoạn của các đối tượng thường là đăng tải thông tin trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội về việc thuê, mua tài khoản ngân hàng hoặc tiếp cận với những người lao động có thu nhập thấp, người thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc sinh viên các trường Cao đẳng, Đại học, nhờ thuê mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền công với giá từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng.
Sau khi mở tài khoản, chủ tài khoản phải bàn giao thông tin đăng nhập Internet Banking, sim điện thoại đăng ký tài khoản, thẻ ngân hàng… cho đối tượng. Đối tượng sẽ sử dụng các tài khoản ngân hàng này vào các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Việc mở tài khoản ngân hàng để bán, cho thuê, cho mượn có thể tạo điều kiện cho tội phạm sử dụng làm công cụ thực hiện lừa đảo trên không gian mạng. Ảnh minh họa
Theo quy định pháp luật, việc thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản, mua, bán thông tin tài khoản ngân hàng có thể bị phạt tiền và/hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 và Nghị định số 23/2023/NĐ-CP ngày 12/05/2023) đối với hành vi: "Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán" với số lượng:
- Từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự" có thể bị phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng;
- Từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự" có thể bị phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng;
Không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu của các tài khoản mạng xã hội, ngân hàng, ví điện tử và mã OTP cho những người lạ. Ảnh minh họa
Để tránh vô tình tiếp tay cho tội phạm hoặc vướng vào các bẫy lừa đảo, khuyến cáo người dân:
1. Không mở và mua, bán tài khoản cá nhân. Trường hợp đã từng mở tài khoản ngân hàng sau đó chuyển cho người khác sử dụng, người dân cần mang giấy tờ cá nhân đến ngân hàng để làm thủ tục đóng tài khoản đó nhằm bảo vệ mình, đồng thời ngăn chặn các đối tượng sử dụng tài khoản làm công cụ phạm tội.
2. Không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu của các tài khoản mạng xã hội, ngân hàng, ví điện tử và mã OTP cho những người lạ hoặc chuyển tiền cho tổ chức, cá nhân mạo danh cán bộ, cơ quan nhà nước để giải quyết các thủ tục pháp lý, từ đó đối tượng dễ dàng chiếm đoạt tài sản.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)