Quên tắm rửa mộc dục cho tượng Thần Tài
Theo quan niệm dân gian, trước khi làm lễ cúng vía Thần Tài, ban thờ cùng các tượng thờ cần được lau rửa sạch sẽ, như thế mới giúp cho các thần linh thấu rõ được tấm lòng thành kính của mình. Điều này thể hiện sự tín ngưỡng tâm linh của gia chủ, mong được thần linh phù hộ, làm ăn gặp nhiều may mắn, tài lộc đủ đầy.
Ngày mùng 8 hoặc mùng 9 âm lịch, các gia chủ nên tắm rửa mộc dục cho tượng Thần Tài cũng như lau dọn ban thờ cho sạch sẽ để chuẩn bị đón đại lễ.
Ngày thường lau rửa cho tượng, gia chủ có thể dùng nước ấm pha rượu gừng là được, nhưng tới ngày vía Thần Tài, gia chủ nên cầu kì hơn một chút là dùng nước ngũ vị hương có: hồi khô, quế khô là 2 vị cố định, gừng, xả, hương nhu, đinh hương, xuyên tâm liên, gỗ vang, gỗ bạch đàn, lá nếp, lá bưởi... tùy thổ nhưỡng vùng miền địa phương mà ta vận dụng.
Sau khi tắm rửa cho các tượng thần xong, các bạn đừng quên dùng khăn khô lau sạch nước rồi mới đặt lên ban thờ, tránh để tượng thần còn ướt nước đã vội cúng cầu là không tốt, bạc lộc.
Ban thờ Thần Tài bày trí lộn xộn
Ban thờ Thần Tài bày trí lộn xộn, sắp xếp không gọn gàng không những gây rối mắt mà còn không thể hiện được sự thành tâm của gia chủ.
Theo chuyên gia phong thủy, tượng Thần Tài - Thổ Địa thường được đặt hai bên ban thờ. Tượng Thần Tài được đặt bên trái, tượng Thổ Địa bên phải (vị trí đặt này là nhìn từ ngoài vào). Ở giữa hai tượng Thần Tài - Thổ Địa gia chủ cần đặt hũ gạo, hũ muối, hũ nước đầy.
Bên cạnh đó, tượng Phật Di Lặc thường được đặt bên trên ban thờ Thần Tài. Tượng Ông Cóc được đặt bên trái ban thờ, ban ngày quay tượng hướng ra ngoài, đến tối thì quay hướng vào trong.
Lưu ý, bát nhang phải được đặt giữa ban thờ và tuyệt đối không được xê dịch, di chuyển.
Đặt ban thờ gần những nơi không sạch sẽ
Trong việc thờ cúng, một trong những điều đặc biệt cần lưu ý là đặt ban thờ ở nơi sạch sẽ. Nếu gia chủ không để tâm mà đặt ban thờ gần nhà vệ sinh, nhà tắm, nhà bếp hay nơi phơi đồ… thì dễ bị thần linh phật ý, không cho tài lộc như ý.
Nếu nhà cửa chật hẹp, không có nhiều nơi để lựa chọn thì cần chọn nơi sạch sẽ nhất, tôn nghiêm nhất trong nhà để thỉnh cầu thần linh thứ lỗi cho.
Cúng hoa, trái cây giả
Khi cúng Thần Tài thì gia chủ không nên dùng hoa giả mà cần mua hoa tươi, có nụ, tỏa hương thơm càng tốt. Về trái cây, thì cũng không nên dùng quả nhựa, nhân tạo không ăn được mà cần cúng bằng quả tươi, ngon. Thông thường, các gia đình thường cúng các loại quả như cam, quýt, chuối, lê, táo.
Cúng ngoài trời
Việc cúng ngoài sân hay ngoài cửa được coi là không tốt nên tốt nhất gia chủ nên đặt mâm cúng trong nhà khi làm lễ ở nhà riêng.
Đối với người làm kinh doanh, buôn bán thì khi cúng Thần Tài cũng nên làm ở nơi kinh doanh chứ không nên làm ở đình, chùa. Còn người không kinh doanh có thể thờ cúng Thần Tài ở nhà hay đình chùa đều được. Lý do là vì “thổ địa” thờ tại nhà đã kiêm chức năng giữ của cho gia chủ.
Thỉnh thần nhập tượng hay thỉnh thần nhập cốt bát hương đúng ngày vía Thần Tài
Có thể bạn không biết rằng trong những điều kiêng kỵ ngày vía Thần Tài, có một điều là trong đúng ngày này không nên thỉnh thần nhập tượng hay thỉnh thần nhập cốt bát hương. Theo tâm linh làm như thế sẽ khiến cho việc làm ăn kém bề suôn sẻ, may mắn đâu không thấy mà có khi còn gặp phải xui xẻo, tai họa bất ngờ.
Phải luôn ghi nhớ thực hiện làm nghi lễ tiếp nhận Thần Tài
Sau khi cúng Thần Tài, cần phải làm nghi lễ tiếp nhận Thần Tài thì mới đủ lệ bộ, đủ điều kiện để đón tài lộc trong năm mới, thiếu sẽ phạm đại kỵ. Theo quan niệm dân gian, sau khi tiếp nhận Thần Tài thì gia chủ thường sẽ đi bộ về phía sau nhà khoảng 3, 8, 13, 18, 23, 28, 33 hoặc 38 bước chân. Điều này tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình.
Không hiểu rõ về nghi lễ cúng Thần Tài mà bỏ qua nghi lễ này là Thần Tài trong năm mới vẫn chưa được đón về nhà, may mắn tài lộc cũng không được suôn sẻ.
Trang phục quần áo của người đứng cúng thiếu nghiêm túc, chỉnh tề
Trong bất cứ lễ thờ cúng nào, người làm lễ cũng đều phải giữ tâm thành kính và sửa soạn trang phục nghiêm chỉnh, sạch sẽ, gọn gàng. Điều này thể hiện sự tôn trọng đối với thánh thần. Nếu không làm được thì chính là phạm đại kỵ.
Nói tục, đánh cãi nhau trong ngày cúng vía Thần Tài
Trong ngày làm lễ cúng vía Thần Tài, gia chủ lưu ý chớ nên sinh sự, gây chuyện cãi vã, đánh chửi, mắng mỏ nhau, gia đạo bất an thì thần linh quở phạt. Trong khi làm lễ, trước và sau khi cúng lễ không được nói lời thô tục, chửi mắng người khác kẻo thần Phật mất lòng mà trách phạt, khiến cho việc làm ăn thất bát, tài lộc không thấy vào mà chỉ thấy đi.
*Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)