Trong giao tiếp hàng ngày, vấn đề cho vay tiền là điều khó tránh khỏi, bởi ai cũng có lúc gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, cho vay tiền lại là một vấn đề nhạy cảm. Người xưa có câu: "Đụng đến tiền là tổn thương tình cảm". Khi ai đó hỏi vay tiền, dường như dù đồng ý hay từ chối đều không ổn. Nếu không cho vay, dù họ nói "không sao" nhưng trong lòng vẫn có chút bất mãn, thậm chí gặp phải người vô lý còn quay sang chê bạn keo kiệt, vô tình, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ.
Nhưng nếu cho vay mà họ không chủ động trả, chính chúng ta lại cảm thấy ấm ức. Vậy khi ai đó hỏi vay tiền, chúng ta nên xử lý thế nào?
Thực ra, để không mất lòng người khác cũng như tránh rắc rối cho bản thân, khi có người hỏi vay tiền, hãy chủ động đặt ra 3 câu hỏi sau trước khi quyết định. Vậy đó là những câu hỏi gì? Cùng tìm hiểu nhé!
1. Hỏi xem họ cần vay bao nhiêu và mục đích vay là gì?
Khi ai đó hỏi vay tiền, đừng vì nể nang mà đồng ý ngay, cũng đừng phản ứng gay gắt từ chối thẳng thừng. Trước tiên, hãy hỏi họ cần vay bao nhiêu và dùng vào việc gì. Người ta thường nói: "Giúp người cấp bách chứ đừng giúp kẻ lười biếng". Tiền của ai cũng kiếm được bằng mồ hôi nước mắt, nên khi ai đó hỏi vay, trước hết phải xem mình có đủ khả năng cho vay số tiền đó không và có đáng hay không.
Nếu số tiền họ muốn vay quá lớn, thậm chí phải dùng hết tiền tiết kiệm của bạn, khiến cuộc sống của bạn rơi vào khó khăn, thì dù thân thiết đến mấy cũng không nên cho vay. Mục đích vay cũng vậy: nếu họ vay chỉ để ăn chơi, nâng cao chất lượng cuộc sống, hay thậm chí là cờ bạc, thì tuyệt đối không cho vay, đặc biệt là cờ bạc, "mười người đánh bạc, chín người thua", tiền đó khó lòng đòi lại được. Nhưng nếu họ thực sự gặp hoàn cảnh khẩn cấp như ốm đau, tai nạn, thì có thể giúp đỡ một cách hợp lý để họ vượt qua khó khăn.
Khi ai đó hỏi vay tiền, chúng ta nên xử lý thế nào? (Ảnh minh họa)
2. Tự hỏi bản thân nhân phẩm của người này thế nào?
Trước khi quyết định cho vay, hãy tự đánh giá xem nhân phẩm của người đó ra sao. Có những người suốt ngày không làm việc gì nghiêm túc, chỉ thích tiêu xài phóng túng, hứa hẹn dễ dàng nhưng khi đến hạn lại giả vờ quên hoặc chối bỏ trách nhiệm. Người xưa nói: "Người không có chữ tín thì không đứng vững". Nếu cho người thiếu uy tín vay tiền, coi như "ném tiền qua cửa sổ", họ sẽ không bao giờ chủ động trả lại. Dù họ nói hay thế nào, hãy kiên quyết từ chối.
Ngược lại, nếu họ là người đàng hoàng, giữ chữ tín, từng vay tiền ai đó đều cố gắng trả đúng hạn, thì khi họ gặp khó khăn thực sự, ta có thể cân nhắc giúp đỡ, bởi "cho người đói một bữa cơm còn hơn cho kẻ no cả gánh vàng".
3. Hỏi rõ thời hạn trả tiền
Nhiều người sau khi quyết định cho vay lại ngại ngần không dám thỏa thuận rõ ràng về thời gian hoàn trả, thậm chí còn không viết giấy vay. Họ nghĩ: "Cho vay rồi thì thôi, chắc họ sẽ trả khi có tiền". Nhưng thực tế, có rất nhiều kẻ "vay như chạy, trả như đi", khi vay thì khúm núm, khi đã cầm tiền rồi thì lờ đi như chưa từng xảy ra chuyện gì. Dù bạn có hỏi, họ cũng chỉ trả lời mơ hồ: "Sẽ trả sớm"; "Đợi một thời gian nữa"... Lúc này, bạn cần cảnh giác.
Việc họ không dám cam kết thời gian trả nợ không chỉ cho thấy khả năng hoàn trả kém, rủi ro cao, mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính của bạn. Nếu sau này có cơ hội đầu tư tốt nhưng tiền lại đang bị "đóng băng" vì cho vay không kỳ hạn, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội. Vì vậy, khi cho vay, nhất định phải thỏa thuận rõ thời hạn trả tiền, lập giấy vay (ghi rõ số tiền, thời hạn, lãi suất nếu có) để phòng trường hợp xấu.
Diệu Hạnh (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)