Theo tục lệ xưa để lại, cứ ngày Rằm hàng tháng, các gia đình người Việt Nam thường làm lễ cúng Gia Thần, Gia Tiên để cầu xin cho mọi người trong gia đình được khoẻ mạnh, bình an, may mắn, thành đạt..., Càng cuối năm thì việc hướng về Tổ Tiên càng được nhiều người quan tâm hơn. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi việc thắp hương hay sắm đồ lễ thường phải chọn số lẻ để tỏ lòng thành kính chưa?
Người Việt xưa rất có ý thức về sự sống cân bằng, khi âm dương cân bằng thì vạn vật nảy nở sinh sôi. Để kết nối giữa người dương và người âm, chúng ta thường dùng nén hương, đồ lễ.
Vào các ngày rằm, mồng 1 đầu tháng, ngày giỗ, Tết hay khi cần giao tiếp với thế giới bên kia… người Việt đều có chút lễ, rồi thắp hương để tưởng nhớ gia tiên, cầu bình an cho gia đình. Đây là một nét đẹp văn hóa, góp phần bảo tồn giá trị và bản sắc dân tộc chứ không phải mang tính chất mê tín dị đoan.
Đầu tiên, theo quan niệm tâm linh, số lẻ tượng trưng cho dương, số chẵn tượng trưng cho âm. Với việc thờ cúng trong nhà, thắp 1 nén hương được gọi là Bình An Hương, thể hiện mong muốn cầu người nhà bình an, mọi việc thuận lợi. Khi đến chùa chiền, chúng ta cũng chỉ cần thắp 1 nén nhang là đủ. Nén nhang đó được gọi là Tâm hương.
Người Việt mình cũng ảnh hưởng giáo lý nhà Phật và mang giáo lý ấy ra để lý giải, để liên hệ, ví dụ liên hệ với thắp hương ba nén tương ứng với ba trạng thái chuyển hóa từ Niệm đạt đến Định và nhờ thế đạt thành quả là Tuệ.
Cắm hương hoa số lẻ cũng vì trong ý thức hoặc vô thức người ta cũng liên hệ với lòng tôn kính ba giới Phật - Pháp - Tăng. Hay có người lại quan niệm số lẻ đó tượng trưng cho Tâm hương - Giới hương - Định hương.
Tóm lại là số lẻ tượng trưng cho dương, số chẵn tượng trưng cho âm - cõi siêu hình. Mọi người tin rằng ứng dụng nguyên tắc ấy giúp người dương an tâm, giúp người âm hướng tới giác ngộ siêu thoát. Và khi âm dương cân bằng trong tâm người hành lễ thì Phật Tâm hiển lộ.
Không bày những loại quả này lên bàn thờ:
Loại trái cây có mùi quá nồng
Ngoài yếu tố hình thái bên ngoài, bạn còn phải để ý đến mùi hương của các loại trái cây nữa nhé. Vì khu vực thờ cúng cần chỉn chu và uy nghiêm, bạn nên chọn những loại trái cây có mùi hương nhẹ nhàng. Tránh các loại quả như sầu riêng với mít vì loại quả này có một mùi thơm đặc trưng rất nồng, gây khó chịu đối với một số người.
Loại trái cây mọc sát đất
Đối với những loại trái cây mọc sát đất, theo quan niệm dân gian cho rằng loại trái cây này thường dễ bị nhiễu ô uế, tạp khí dưới mặt đất. Thường là những quả như: Dưa hấu, dứa, cà chua,...Việc lựa chọn những loại quả để sắp mâm trái cây cúng là không nên.
Loại trái cây quá già, quá chín
Một trong những điều lưu ý khi bạn chọn hoa quả để cúng, là không nên chọn những quả đã chín mềm như chuối chín mềm, đu đủ chín nẫu,... Thường những loại trái cây quá chín sẽ thu hút những loại ruồi bọ, côn trùng, gây ảnh hưởng đến không gian thờ cúng. Khiến gian thờ ô uế mất đi sự trang nghiêm vốn có.
Những loại trái cây có vị đắng, chua và cay
Gia chủ không nên lựa chọn những loại trái cây có vị đắng, chua, cay như các quả: Me, khổ qua, ớt, thanh trà, khế,...để chưng lên mâm hoa quả. Vì khi nghĩ đến những loại hoa qua này, người ta thường liên tưởng đến những đắng cay, chua chát trong cuộc sống. Nếu bạn không muốn gặp phải những điều kém may mắn thì nên tránh cúng những loại quả này nhé.
Hoa quả giả
Khi thắp hương, cúng kiến hằng ngày tuyệt đối không nên chọn hoa quả giả vì suy nghĩ tiết kiệm mà làm ảnh hưởng đến tài lộc cho gia chủ. Vì theo quan niệm dân gian ông bà tổ tiên, những người đã khuất chỉ "ăn hương, ăn hoa".
* Thông tin mang tính tham khảo
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)