Bên cạnh chuyên môn, kỹ năng mềm là một trong những yếu tố quyết định giúp chị em công sở được cấp trên công nhận và đồng nghiệp yêu quý. Thường chỉ là những chi tiết vô cùng nhỏ và đòi hỏi chị em phải hết sức tinh tế mới có thể nhận ra nhưng những điểm này mang một ý nghĩa đặc biệt và để lại tác động không hề nhỏ.
Với kinh nghiệm đúc kết được trong quá trình trao đổi và trò chuyện với 3.300 giám sát viên và 10.000 nhân viên văn phòng, chuyên gia tư vấn Nhật Bản Takuya Senda chia sẻ 8 điểm nhỏ nhưng chị em công sở nhất định phải chú ý để thể hiện bản thân:
1. Mùi cơ thể
Có một sự thật chẳng thể phủ nhận được rằng, mùi cơ thể chính là "sát thủ" giết chết hàng loạt mối quan hệ nơi công sở. Bởi lẽ, phạm trù mùi cơ thể và ấn tượng về sự sạch sẽ có mối quan hệ mật thiết với nhau. Mùi cơ thể được đề cập ở đây không chỉ dừng lại ở mùi hôi mà nói rộng ra, những mùi hương quá nồng nặc cũng phần nào gây ảnh hưởng để khứu giác của người đối diện.
Một khi đã trót tạo ấn tượng không tốt với đồng nghiệp và sếp về mùi cơ thể thì sự phát triển của bản thân chị em trong công việc cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Vì lẽ đó, Takuya Senda đề nghị:"Nếu như năng lực làm việc của bản thân không có vấn đề nhưng vẫn khiến đồng nghiệp và khách hàng ngại ngùng mỗi lần tiếp xúc, hãy thử nghĩ về mùi cơ thể. Trong trường hợp ngủ nướng không kịp đánh răng mà đi làm luôn, tôi thà chọn đến trễ còn hơn".
2. Lời chào hỏi
"Lời chào cao hơn mâm cỗ" – Hẳn rất nhiều chị em làm việc trong môi trường công sở hiểu rõ tầm quan trọng của việc chào hỏi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vì tâm lý e dè và ngại ngùng mà nhiều chị em chần chừ, do dự không chủ động chào hỏi đồng nghiệp và cấp trên, nhiều khi còn bỏ hẳn luôn thao tác quan trọng này.
Cho dù ánh mắt của sếp hoặc đồng nghiệp thời điểm đó không nhìn thấy mình, chị em vẫn hãy cứ chủ động chào hỏi và giao tiếp. Việc này sẽ tạo ấn tượng vô cùng tốt với đối phương."Lúc chào hỏi, đừng cân nhắc tuổi tác, chức vị hay các nhân tố khác, mà nên chủ động xuất kích", Takuya cho hay.
3. Giờ giấc đi làm
Bắt đầu một ngày mới bằng việc đến văn phòng muộn sẽ rất dễ kéo theo sau đó là chuỗi những sự kiện không mấy suôn sẻ. Trái lại, khi đến văn phòng sớm, chị em có thể có thêm thời gian để chuẩn bị mọi thứ một cách thật sự tươm tất.
Đến sớm hơn 15 phút không những có thể sắp xếp thời gian, thứ tự ưu tiên công việc trong ngày, mà việc tổ chức, bố trí thời điểm gặp gỡ đối tác, khách hàng cũng dễ dàng hơn."Kiên trì đến sớm 15 phút, tôi bảo đảm mọi thứ đều sẽ phát triển theo hướng tốt đẹp", Takuya khẳng định.
4. Bàn làm việc
Một chiếc bàn làm việc ngăn nắp khi mọi thứ được sắp xếp và phân loại một cách gọn gàng, đâu ra đấy. Điều này phần nào khiến công việc trở nên trôi chảy và mạch lạc hơn bởi lẽ hồ sơ và giấy tờ có thể được tìm thấy một cách dễ dàng ngay khi chị em cần đến chúng.
Một chiếc bàn làm việc ngăn nắp không những thể hiện tinh thần tích cực của chủ nhân mà còn làm giảm bớt áp lực trong công việc đồng thời gia tăng năng suất. Do đó, khi cảm thấy mọi người diễn tiến theo chiều hướng xấu, chị em đừng ngần ngại sắp xếp lại bàn làm việc của mình để mọi thứ được khởi đầu lại một cách mới mẻ."Bồi dưỡng thành thói quen duy trì bàn làm việc sạch sẽ ngăn nắp, không chỉ vì mỹ quan, còn là vì hiệu suất".
5. Đi công tác
Không cần lần nào đi công tác cũng phải mua quà, nhưng thỉnh thoảng, chị em công sở nên thể hiện sự quan tâm của bản thân mình đối với đồng nghiệp bằng đôi ba gói bánh, cái kẹo, những đặc sản của địa phương mà mình vừa lui tới công tác.
Món quà không cần quá nặng nề về mặt vật chất, nhưng thông qua nó, đồng nghiệp sẽ dễ dàng cảm nhận được sự chân thành mà chị em muốn gửi trao."Ý nghĩa chân chính không nằm ở bản thân đặc sản, mà là khiến đồng nghiệp cảm thấy sự nhớ đến, kính tình trọng ý của bạn".
6. Tri ân
Đối với những người đã từng hỗ trợ, giúp sức và nâng đỡ mình trong công việc, chị em cần phải ghi nhớ và chăm chỉ liên lạc, hỏi han cũng như thể hiện sự quan tâm. Những ngày Lễ, Tết, một cuộc điện thoại hoặc một vài món quà nhỏ cũng đủ thể hiện sự quan tâm và tri ân.
"Cảm ơn là điều bắt buộc, không thể thiếu trong cuộc sống nói chung và trong công việc nói riêng".
7. Việc nhỏ
Những việc nhỏ nhặt, vặt vãnh hay bị coi thường và chị em cũng có tâm lý qua loa trong khi hoàn thành chúng. Tuy nhiên, những việc lớn lao luôn bắt nguồn từ những công việc nhỏ nhặt nhất. Việc nhỏ làm không tốt, khó tránh cấp trên không tín nhiệm để giao những công việc lớn hơn.
Chớ thấy việc nhỏ mà bỉ bai, xem nhẹ. Bất luận việc vặt vãnh nào cũng nên nghiêm túc đối diện và hoàn thành, mọi người nhất định cũng có thể chú ý đến sự hy sinh và năng lực của bạn. "Chuyện khó của cuộc đời phải làm thành dễ, chuyện lớn của cuộc đời phải làm thành nhỏ.
8. Khả năng học
Trong công việc, ít nhiều chị em sẽ phải gặp những khó khăn bước đầu. Cách thức giúp chúng ta có thể vượt qua khó khăn không gì khác chính là không ngừng cải thiện và trau dồi năng lực bản thân. Đọc thêm sách cũng như lắng nghe từ những "tiền bối" dày dặn kinh nghiệm chính là phương thức trau dồi phổ biến nhưng cũng hiệu quả nhất.
Takuya khuyên: Cách đơn giản nhất để chuyển biến tốt hoàn cảnh khó khăn chính là đọc thêm sách."Bằng cách đọc sách, chị em có thể biến kinh nghiệm của hàng trăm, hàng ngàn người thành của mình. Để rồi thông qua câu chuyện của người khác, có thể tìm thấy đáp án của bản thân mình".
Theo (Helino)