Ai cũng muốn cuộc đời mình được trọn vẹn, mọi ước nguyện đều thành hiện thực. Thế nhưng có nhiều việc không do ta quyết định, trời không chiều theo ý người là chuyện thường tình. Người xưa đúc kết rằng: "Đời người mười phần, tám chín phần không như ý". Suy ngẫm kỹ, quả đúng là như vậy.
Từ hơn 2000 năm trước, Đức Phật đã thấu rõ mọi hiện tượng của thế gian, qua tinh tấn tu hành mà giác ngộ thành Phật. Ngài phát hiện trên thế gian này có 4 điều không thể trường tồn, chúng ta phải dũng cảm đối mặt, biết trân trọng nắm bắt, đồng thời sau khi nhận rõ chân tướng thì không nên chấp trước, tùy duyên ứng biến là được.
1. Mọi thứ đều vô thường
Trong Phật giáo, một thuật ngữ thường được nhắc đến là "vô thường". Đối với người tu học Phật pháp, việc giữ vững quan niệm vô thường đối với mọi sự vật và hiện tượng trong cuộc đời là điều vô cùng quan trọng. Vô thường là gì? Đó là sự thay đổi của vạn vật, mọi thứ đều biến đổi không ngừng trong từng khoảnh khắc. Nếu nói có thứ gì trường tồn bất biến, đó chính là tính Không của vạn pháp - bản chất chân thật của mọi hiện tượng.
Khi áp dụng "quán vô thường" để quan sát sự vật, ta có thể thấy rõ bốn giai đoạn biến đổi: thành, trụ, hoại, không, cứ thế tuần hoàn không dứt. Giống như tế bào trong cơ thể chúng ta, mỗi giây mỗi phút đều không ngừng trao đổi chất. Bề ngoài tưởng chừng thân thể vẫn vậy, nhưng xét kỹ ra, từng tế bào đã hoàn toàn đổi mới.
2. Tiền tài không vĩnh cửu
Có lẽ điều mà người đời chấp nhất nhất chính là "tài phú". Bởi có tiền bạc, mới có thể sở hữu mọi thứ mình mong muốn. Người xưa cũng từng nói: "Người vì tiền mà chết, chim vì ăn mà mạng vong", "Có tiền mua tiên cũng được", đủ thấy địa vị của tiền bạc trong lòng người quan trọng đến nhường nào. Nhưng cũng như quan niệm "vô thường" đã chỉ ra, vạn vật đều biến đổi không ngừng, người nghèo khó có thể trở nên giàu có nhờ nỗ lực của bản thân, kẻ giàu sang cũng có thể trắng tay vì tiêu xài phung phí. "Ba mươi năm bên bờ đông, ba mươi năm bên bờ tây", không ai có thể khẳng định điều gì.
Hơn nữa, tiền bạc chỉ là vật ngoài thân, sống không mang theo, chết chẳng đem đi. Dù bạn có giàu có đến đâu, nhiều thứ vẫn không thể mua được, như thời gian, sức khỏe, tình cảm... Mỗi người chúng ta đều nên hình thành giá trị quan đúng đắn, không thể vì tiền mà mê muội, vì tiền mà tự trói buộc mình.
3. Hội tụ ắt có chia ly
Vạn vật trên đời đều có hợp có tan, không có gì là bất biến. Người xưa nói: "Thiên hạ đại sự, chia lâu ắt hợp, hợp lâu ắt chia". Đặt vào tình cảm cá nhân hay các mối quan hệ cũng đều đúng. Tình yêu không có sự hòa hợp vĩnh viễn, tình thân hay tình bạn cũng vậy. Từ nhỏ đến lớn, đứa con do chính mình nuôi dưỡng rồi cũng sẽ trưởng thành, rời xa vòng tay cha mẹ để tìm kiếm chân trời riêng. Tất cả những sự hợp tan ấy chỉ là quy luật và hiện tượng tự nhiên mà thôi. Một khi bạn chấp nhặt vào đó, ắt sẽ sinh ra vô vàn phiền não.
4. Người khỏe mạnh rồi cũng phải chết
Vấn đề tối hậu mà Phật giáo luận bàn chính là đại sự sinh tử của con người. Trước vấn đề sinh tử, mọi thứ khác đều trở nên không quan trọng. Một người dù thân thể cường tráng đến đâu, rốt cuộc cũng sẽ bị suy yếu bởi tuổi già và bệnh tật hành hạ, quả thật "bệnh đến như núi đổ", những ai từng trải qua trọng bệnh ắt phải thấm thía điều này. Dù thế nào đi nữa, điểm đến cuối cùng của mỗi người đều là cái chết, vậy thì sau khi chết, con người sẽ đi về đâu?
Đức Phật chính vì chứng kiến những khổ đau do sinh - lão - bệnh - tử mang lại cho nhân sinh mà quyết tâm tìm cầu chân lý cuộc đời, rốt ráo chứng ngộ Niết bàn. Ngài dạy rằng, thông qua tu tập Phật pháp, mỗi chúng sanh đều có thể như Phật, triệt để giác ngộ, rốt ráo thành Phật. Chỉ cần nương theo pháp môn tu hành, từng bước đoạn trừ vọng niệm trong tâm, đạt đến trạng thái thanh tịnh tuyệt đối, không chấp trước, không vọng tưởng, ai cũng có thể khai ngộ.
Diệu Hạnh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)