Trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, học sinh đã không khỏi lo lắng trong việc "điền nguyện vọng" bởi những mong muốn xoay quanh công việc, cơ hội nghề nghiệp và sở thích. Với thị trường lao động biến động như hiện nay, việc tìm kiếm được một vị trí việc làm tốt sau khi ra trường đối với sinh viên cũng chẳng phải việc dễ dàng.
Mặc dù vậy, vẫn có một số ngành hứa hẹn sẽ giúp người học không quá suy nghĩ đến việc thất nghiệp bởi sự thiếu hụt nguồn nhân sự và đòi hỏi người lao động có chuyên môn cao. Thậm chí, các khối ngành này còn có mức lương dự đoán khá cao so với mặt bằng chung, đặc biệt là loạt cơ hội phát triển trong tương lai.
Việc "điền nguyện vọng" luôn là trăn trở của nhiều học sinh (Ảnh minh họa)
Ngành Logistics
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là ngành học mang tính dây chuyền, được xem là mạng lưới của nhiều hoạt động cùng tham gia vào việc sản xuất, cung ứng hàng hóa và dịch vụ đến người dùng. Chúng sẽ bao gồm những công việc như: Vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, quản trị tồn kho, hoạch định cung cầu...
Theo dự đoán của Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam, đến năm 2030 thì nước ta cần đến 2,2 triệu lao động trong nhóm ngành nghề này. Con số dự báo này cho thấy việc thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn khi mỗi năm chỉ có khoảng 2.500 cử nhân tốt nghiệp đại học ngành Logistics.
Ngành học này cũng được nhiều chuyên gia đánh giá về tiềm năng và mức lương đầy hứa hẹn. Tổng cục Thống kê cho hay mức lương khởi điểm của ngành này rơi vào khoảng 350 - 500 USD/tháng, với vị trí quản lý có thể là 3.000 - 4.000 USD/tháng và giám đốc lên đến 5.000 - 7.000 USD/tháng.
Ngành Phi công
Với nhu cầu đi lại trong bối cảnh hiện đại ngày nay, những công việc liên quan đến hàng không và vận tải nhanh chóng trở nên phát triển hơn bao giờ hết. Hiệp hội Vận tải Hàng không Thế giới thống kê, thế giới đang cần khoảng 500.000 - 600.000 phi công trong hai thập kỷ tới vì số lượng máy bay sẽ tăng gấp đôi vào năm 2044.
Trở thành phi công luôn là niềm mơ ước của nhiều người với mức thu nhập "khủng" (Ảnh minh họa)
Phi công là người sẽ điều khiển và quản lý các hoạt động liên quan đến máy bay trong quá trình di chuyên. Công việc chính của họ sẽ bao gồm: Kiểm tra máy bay trước khi cất cánh, điều khiển và giám sát quá trình bay, thực hiện các thao tác về phản xạ và giải quyết các tình huống để đảm bảo an toàn...
Về mức lương, ngành nghề này vẫn còn phụ thuộc vào từng cấp bậc, kinh nghiệm và kỹ năng của mọi người trong suốt quá trình làm việc. Tuy nhiên, chúng có thể giao động đến 13.300 USD/tháng (300 triệu đồng) cho vị trí cơ trưởng và rơi vào 8.000 USD/tháng (khoảng 180 triệu đồng) cho vị trí cơ phó.
Ngành Vi mạch Bán dẫn
Theo một số thống kê có liên quan đến ngành nghề, từ năm 2019 đến nay thì nước ta cần khoảng 1 nghìn kỹ sư trong ngành Vi mạch Bán dẫn, trong đó tại TP.HCM chiếm khoảng 53% nhu cầu về tuyển dụng. Điều này cho thấy tình trạng "khát" nhân lực của ngành nghề này, tạo điều kiện tối đa cho những nhu cầu việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.
Vi mạch Bán dẫn được xem là thuật ngữ chỉ các linh kiện được thiết kế để thực hiện một chức năng cụ thể trong hệ thống điện tử. Chúng được sự dụng rộng rãi trong các thiết bị máy tính, điện thoại di động, máy chơi game, máy ảnh số, thiết bị y tế... để xử lý thông tin, lưu trữ dữ liệu, kết nối mạng...
Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM cho hay mức lương của ngành học này sẽ phụ thuộc vào số năm kinh nghiệm với mức lương khởi điểm rơi vào khoảng 15 triệu đồng/tháng, từ 6 năm trở lên thì có thể lên đến 1 tỷ đồng/năm và sau hơn 10 năm mức này có thể giao động trong khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.
Ngành Y dược
Trong suốt nhiều năm qua, ngành Y dược luôn được đánh giá là ngành học top đầu trong các nhóm ngành nghề và được nhiều sinh viên mong muốn theo học. Trong bối cảnh hiện đại ngày nay, khi sức khỏe nhận được sự quan tâm từ nhiều người thì ngành học này càng trở nên tiềm năng hơn bao giờ hết.
Ngành Y dược nước ta luôn trong tình trạng thiếu nhân lực (Ảnh minh họa)
Theo cáo báo, nhân lực ngành dược nước ta hiện nay là 25.000 người, trong đó có 16.000 người tham gia quá trình phân phối - sản xuất thuốc và khoảng 7.000 dược sĩ tại các nhà thuốc. Ngành này cũng luôn trong tình trạng thiếu hụt lớn về nguồn nhân lực khi người có trình độ đại học chỉ khoảng 19%.
Với các đặc thù về chuyên môn và sự đòi hỏi cao về kiến thức chuyên môn, kỹ năng, cũng như kinh nghiệm thì ngành Y dược cũng có mức lương rất đáng để tâm. Thu nhập trung bình của mỗi một nha sĩ, bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện có thể lên đến 50 triệu đồng/tháng, với các bác sĩ và dược sĩ tại bệnh viện có thể giao động từ 20 - 30 triệu đồng/tháng.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)