Hãy tưởng tượng, bạn rải CV nhiều như lá rụng mùa thu. Và rồi vào một ngày đẹp trời, một cuộc gọi từ HR (Human Resources – Bộ phận nhân sự) của công ty nọ khiến bạn bối rối với vô vàn câu hỏi: Công ty này là công ty nào? Quy mô ra sao? Mình đã ứng tuyển vị trí gì? Ứng tuyển khi nào? Mình đã viết những gì trong CV? Rồi bạn ngẩn ngơ, bạn ngập ngừng, bạn không nói nên lời. Quá thiếu chuyên nghiệp.
Vậy, ứng phó ra sao trước những cuộc phỏng vấn qua điện thoại không được báo trước khi tìm việc làm tại Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM…? Câu trả lời sẽ có trong bài viết hôm nay.
“Đổ lỗi” sóng yếu, không nghe rõ
Nếu bạn là một người có tốc độ nảy số cực nhanh, chỉ cần vài giây ngắn ngủi để đánh thức ký ức, xâu chuỗi mọi dữ kiện liên quan, chỉnh đốn tâm lý và đưa ra những đáp án an toàn thì cái cớ dưới đây sinh ra là dành cho bạn:
“Xin lỗi chị, vừa rồi tín hiệu không được tốt nên em nghe không rõ cho lắm. Chị có thể nói lại giúp em được không ạ?”.
Đừng quá căng thẳng. Cuộc gọi bất ngờ từ HR thường chỉ mang tính chất xác nhận thông tin và sắp xếp một cuộc hẹn, sẽ không có câu hỏi nào quá hóc búa được đưa ra. Nếu bạn tự tin vào khả năng ứng biến và xử lý tình huống của mình thì vài giây đã đủ để bạn xoay chuyển tình thế, trở thành người giữ thế chủ động trong cuộc trò chuyện.
“Đổ lỗi” xung quanh nhiều tiếng ồn, hẹn 10 phút sau gọi lại
Điều này dành cho những ứng viên thuộc trường phái: “Thôi chết rồi, mình gửi CV nhiều công ty quá, không biết công ty đang liên hệ với mình là công ty nào???”. Trong trường hợp này, hãy ứng biến như sau:
“Dạ được. Nhưng mà chị có thể gọi lại cho em sau 10 phút nữa để em tìm một nơi yên tĩnh hơn được không ạ. Hiện tại xung quanh đang khá ồn, em nghe không rõ lắm ạ”.
Khi HR liên hệ cho bạn, họ luôn giới thiệu họ đến từ công ty nào. Từ dữ liệu đã cho, hãy tranh thủ thời gian để lục tìm CV và tìm kiếm những thông tin liên quan. Hãy đảm bảo bạn nắm được những thông tin cơ bản về công ty: công ty hoạt động trong lĩnh vực gì, bạn đã apply vị trí nào, những yêu cầu cơ bản của vị trí đó là gì… Đồng thời, cần bảo đảm câu trả lời của bạn trùng khớp với những gì bạn đã trình bày trong CV. Đừng bao giờ để bản thân rơi vào tình huống mù tịt thông tin về công ty mình đã ứng tuyển và chẳng biết mình phải làm những gì nếu được trúng tuyển.
Hẹn HR trao đổi vào một thời gian khác
Hẳn nhiên, thời gian là vàng là bạc. Nếu bạn có thể sắp xếp trò chuyện cùng HR trong thời gian sớm nhất thì bạn sẽ có được lợi thế cạnh tranh nhất định. Tuy nhiên, lợi thế chỉ đến với những người đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Nếu bạn quá vội vàng và rồi đưa ra những đáp án không thuyết phục thì tỷ lệ thành công của bạn càng thấp.
Đừng mặc định rằng HR gọi thì bạn phải trả lời ngay bởi vì ai cũng có những những thời điểm bận rộn bất khả kháng. Nếu bạn thực sự không thể trao đổi cùng HR ngay tại thời điểm đó, hoặc bạn cần nhiều thời gian hơn để chuẩn bị mọi thứ thì hãy thẳng thắn hẹn HR liên hệ lại vào một thời điểm phù hợp hơn. Dĩ nhiên, để tránh trường hợp HR một đi không trở lại, đừng quên thông báo rằng bạn sẽ liên hệ lại cho HR trong thời gian sớm nhất.
“Dạ vâng, em chào chị ạ. Chị ơi, hiện tại em đang có việc bận, không tiện nghe máy ngay lúc này. Em xin phép liên hệ lại cho chị vào đầu giờ chiều hôm nay có được không ạ?”.
Dù lựa chọn của bạn là gì, hãy luôn giữ thái độ vui vẻ và cởi mở
Khi trao đổi qua điện thoại, HR không thể nhìn thấy sắc mặt, trang phục hay diện mạo của bạn. Thứ duy nhất họ có thể cảm nhận và đánh giá chỉ có thái độ và cách nói chuyện của bạn mà thôi. Vậy nên, hãy cố gắng thể hiện sự hứng khởi của mình ngay từ khi bắt đầu cuộc trò chuyện để tạo không khí vui vẻ và xây dựng ấn tượng đầu tiên thật tốt đẹp trong lòng HR.
“Dạ vâng, em chào chị. Đúng rồi ạ. Em là… Em đang đợi cuộc gọi từ chị đây ạ”.
Một tip nhỏ dành cho bạn là hãy luôn mỉm cười trong khi trò chuyện. Dù HR không nhìn thấy bạn nhưng nụ cười sẽ giúp giọng nói của bạn trở nên năng lượng và thân thiện hơn rất nhiều.
Những cuộc phỏng vấn bất ngờ qua điện thoại không hề đáng sợ nếu bạn nắm vững những tips ứng phó nhỏ nhưng có võ trên đây. Trên hết, để luôn nắm thế chủ động trong mọi cuộc phỏng vấn, hãy luôn biết mình đã làm gì, cần làm gì, sẽ làm gì và làm như thế nào.
HX (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)