Xin chào anh Thông Trần! Với tiền đề sẵn có của gia đình tại sao anh lại lựa chọn thành lập công ty riêng, anh nghĩ điều gì trước tiên?
Khi quyết định thành lập KimBerly tôi đã đi học và dành thời gian khoảng 2 năm để năm bắt và trao dồi kinh nghiệm, tuy xuất phát từ một gia đình kinh doanh vàng bạc đá quý nhưng tôi muốn mình có lối đi riêng cho bản thân nên quyết định tìm hiểu và phát triển ngành kim cương này, điều đầu tiên tôi nghĩ là có thể mang đến một “sản phẩm” khiến người mua yêu thích và hạnh phúc khi sở hữu. Nói đến kim cương người ta thường liên tưởng đến sự giàu có và hạnh phúc chính vì vậy tôi chọn tên thương hiệu của mình là KimBerly cái tên khi nhắc đến mọi người sẽ biết là vùng đất có nhiều kim cương nhất thế giới và KimBerly tạo nên giá trị cuộc sống.
Bắt đầu một lĩnh vực kinh doanh mới với danh tiếng cá nhân đã được khẳng định trên thương trường, liệu có những trở ngại đến với anh?
Những trở ngại đầu tiên với tôi lại đến từ chính bản thân. Tôi là một tuýt người khá liều lĩnh luôn muốn trở nên khác biệt và chính điều đó cho tôi có được ngày hôm nay.
Lúc đầu tôi kinh doanh vì đam mê, tôi muốn thử thách bản thân vào lĩnh vực mới khi ở độ tuổi trẻ mà không ai dám làm vì ngành này có đặc thù riêng, đa phần là mua bán truyền thống tiệm vàng và xem vào đó là sản phẩm kim cương. Nhưng tôi muốn phát triển theo hướng riêng biệt thay vì chỉ là trao đổi buôn bán, là tôi muốn tạo dựng cho mình một thương hiệu đánh dấu tên của mình.
Bên cạnh những kiến thức chuyên môn cần có, theo anh đâu là những kỹ năng mà một người chủ doanh nghiệp bắt buộc phải có?
Tôi cho rằng kiến thức quan trọng nhất là quản trị tài chính. Làm chủ doanh nghiệp, bạn phải có khả năng theo dõi sức khỏe dòng tiền trong quá trình hoạt động và đưa ra được những giải pháp để dòng tiền luôn khỏe mạnh. Tiếp đến, bạn phải là người có kỹ năng bán hàng, bởi bán được hàng chính là yếu tố sống còn của công ty. Kể cả trong giấc mơ, bạn cũng phải nghĩ đến làm thế nào để sản phẩm của mình đến được tay khách hàng càng nhiều càng tốt. Cuối cùng, đối với một người làm chủ và đặc biệt là người khởi nghiệp, bạn phải ý thức được rằng bạn chính là bộ mặt và linh hồn của công ty.
Theo dõi sự nghiệp của anh mới thấy rằng, ngã rẽ khởi nghiệp đã mang đến cho anh những thử thách đầy khác biệt. Vậy đâu là cái “được” lớn nhất với anh ở chặng đường này?
Tôi tin rằng, cái “được” lớn nhất là tôi hiểu rõ về bản thân hơn. Trong điều kiện thuận lợi trước đây, tôi đã ngộ nhận rằng mình là người tài giỏi và có thể làm được nhiều thứ. Nhưng khi khởi nghiệp và va chạm thực tế, tôi mới nhận ra mình vẫn còn nhiều thiếu sót. Thật may mắn là tôi đã nhận ra điều đó nên luôn tìm kiếm những người cộng sự đáng tin hay cách thức giúp mình vượt qua được những hạn chế của bản thân. Bên cạnh đó, khởi nghiệp còn giúp tôi trở nên năng động và linh hoạt hơn rất nhiều khi phải liên tục tiếp cận, học hỏi những điều mới mẻ mỗi ngày. Điều đó đã thôi thúc ngọn lửa khát vọng bên trong tôi, rằng bản thân phải nắm bắt được mọi thứ một cách chi tiết nhất có thể.
Thế còn những cái “mất”, liệu một người thành công như anh có để cho mình bị mất thứ gì không?
Có chứ! Đó là mất đi giây phút bình an vì những lo lắng và căng thẳng dần “chiếm đóng” không gian suy nghĩ của mình. Một khi khởi nghiệp, bạn phải nghĩ về rất nhiều thứ, từ nhân viên đến chi phí rồi chiến lược kinh doanh…, điều đó khiến cảm xúc của bạn trở nên thay đổi và không còn thanh thản.
Nếu như trước đây tôi làm cho doanh nghiệp gia đình tôi còn cho phép bản thân mình thoải mái và giải quyết những việc đơn giản, nhưng giờ đây với vai trò chủ doanh nghiệp không còn cho phép cuộc sống của tôi được “nhẹ nhàng” như xưa, những giây phút bình an cũng vì thế mà trở nên ít ỏi hơn. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ cảm thấy nuối tiếc, vì suy cho cùng, bất kỳ khó khăn hay thách thức nào cũng là một trải nghiệm trong cuộc đời mà thôi. Và dù bạn có vượt qua được hay không thì đó cũng chính là những bài học cho hành trình khẳng định chính mình.
Cảm ơn anh vì câu chuyện chia sẻ đầu xuân Canh Tý, chúc anh và gia đình luôn hạnh phúc, thành công trong cuộc sống!
HX (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)