Tăng mức phạt gấp đôi hiện hành
Tại khoản 1 Điều 216 dự thảo, cá nhân có hành vi gian dối hoặc dùng thủ đoạn để không đóng hoặc không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ 6 tháng trở lên và đã bị xử phạt vi phạm hành chính trước đó, sẽ bị xử lý hình sự nếu tiếp tục tái phạm.
Mức phạt tiền đề xuất tăng từ 100 - 400 triệu đồng (hiện hành 50 - 200 triệu đồng) hoặc bị cải tạo không giam giữ đến 1 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Các trường hợp thuộc khoản này bao gồm: Trốn đóng bảo hiểm với số tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 600 triệu đồng (hiện hành 50 - 300 triệu đồng), hoặc trốn đóng cho từ 10 đến dưới 50 người lao động.
Trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể bị xử lý hình sự (Ảnh minh họa)
Tại khoản 2, mức phạt nặng hơn được áp dụng cho các hành vi vi phạm ở quy mô lớn hơn. Cụ thể, phạt tiền từ 400 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu người phạm tội: Thực hiện hành vi hai lần trở lên; Trốn đóng bảo hiểm từ 600 triệu đồng đến dưới 2 tỷ đồng (so với mức 300 triệu - dưới 1 tỷ đồng hiện hành); Trốn đóng cho từ 50 đến dưới 200 người lao động; Không nộp số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động.
Tại khoản 3, dự thảo đề xuất phạt tiền từ 1 - 2 tỷ đồng (hiện hành 500 triệu - 1 tỷ đồng) hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm đối với các trường hợp: Trốn đóng bảo hiểm từ 2 tỷ đồng trở lên; Trốn đóng cho từ 200 người lao động trở lên; Chiếm dụng tiền bảo hiểm đã thu của người lao động.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt bổ sung từ 40 - 200 triệu đồng, gấp đôi mức hiện hành (20 - 100 triệu đồng).
Tăng mức phạt với doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội (Ảnh minh họa)
Doanh nghiệp vi phạm có thể bị phạt đến 6 tỷ đồng
Đối với pháp nhân thương mại, mức phạt tiền cũng được đề xuất tăng gấp đôi. Cụ thể: Vi phạm theo khoản 1 bị phạt tiền từ 400 triệu đến 2 tỷ đồng; Vi phạm theo khoản 2 bị phạt từ 1 đến 2 tỷ đồng; Vi phạm theo khoản 3 bị phạt từ 2 đến 6 tỷ đồng.
Các quy định xử lý hình sự đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm hiện đang được quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Ngoài ra, theo Điều 17 Luật BHXH năm 2014, đây là hành vi bị nghiêm cấm.
Về xử phạt hành chính, theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP, cá nhân vi phạm hành vi trốn đóng BHXH có thể bị xử phạt từ 50 - 75 triệu đồng. Doanh nghiệp vi phạm bị phạt gấp đôi, từ 100 - 150 triệu đồng.
Tăng cường răn đe, bảo vệ quyền lợi người lao động
Theo Bộ Công an, việc tăng mức hình phạt là cần thiết trong bối cảnh tình trạng trốn đóng bảo hiểm vẫn diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của người lao động và làm suy giảm niềm tin vào hệ thống an sinh xã hội.
N.Tường (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)