Với dạng câu hỏi này, bạn nên thận trọng hơn khi đưa ra câu trả lời, bởi những gì bạn trả lời có thể trở thành căn cứ để đánh giá thái độ của bạn đối với công việc. Khi được hỏi có sẵn sàng làm thêm giờ hay không, ứng viên dễ bị bối rối vì lúc này trả lời “có” hay “không” thì đều chưa thỏa đáng. Trả lời “có” khiến quyền lợi của bạn dễ bị ảnh hưởng, trong khi trả lời “không” lại khiến bạn mất điểm.
Vậy đâu là cách xử lý khôn ngoan cho câu hỏi như thế này? Dưới đây là một vài gợi ý từ các chuyên gia Nhân sự CareerLink giúp bạn trả lời câu hỏi “Bạn có sẵn sàng làm thêm giờ?” một cách hợp tình, hợp lý và khiến nhà tuyển dụng hài lòng.
Trả lời theo hướng giải quyết vấn đề
Phân tích một cách thấu đáo, rất nhiều khi việc “làm thêm giờ” không phải là tình huống bắt buộc, mà nó là hệ quả của một vấn đề nào đó đang tồn tại trong doanh nghiệp. Nếu chúng bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa và tìm ra hướng giải quyết vấn đề đó thì việc làm thêm giờ sẽ không còn cần thiết nữa.
Trong tình huống này, bạn có thể trả lời câu hỏi phỏng vấn theo cách sau: “Tôi không ngại việc làm thêm giờ, nhưng điều tôi ưu tiên là tìm ra cách làm việc thông minh để có thể xử lý tối ưu mọi nhiệm vụ trong 8 giờ làm việc thay vì làm thêm giờ. Tôi tin rằng khi tối ưu hóa quy trình làm việc, chúng ta sẽ giảm thiểu được tỷ lệ nhân viên phải ở lại sau giờ làm việc trong khi vẫn hoàn thành được công việc được giao”.
Trả lời bằng trải nghiệm thực tế của bạn
Nếu bạn đã có kinh nghiệm thực tế trong việc làm thêm giờ, hãy sử dụng kinh nghiệm đó để trả lời câu hỏi này. Ví dụ, bạn có thể nói rằng: “Với kinh nghiệm của tôi tại trước đây, tôi thường lên kế hoạch trước một tuần để tính toán khối lượng công việc, nếu phải làm thêm giờ, tôi sẽ báo với công ty để ghi nhận số giờ làm thêm. Nếu công việc đột xuất bắt buộc tôi ở lại làm thêm giờ, tôi vẫn sẽ hoàn thành công việc và đề xuất lịch nghỉ bù sau đó. Chính sách làm thêm giờ như vậy đối với tôi là thỏa đáng, và khiến tôi sẵn sàng cống hiến thêm cho công ty ngoài giờ làm việc”.
Hãy dựa theo khả năng đáp ứng công việc ngoài giờ của bạn
“Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật”, đây là một lời khuyên chí lý cho câu hỏi phỏng vấn này. Bạn cần phải xét tới điều kiện thực tế của bản thân mình trước khi đưa ra câu trả lời cho việc có sẵn sàng làm thêm giờ hay không. Nếu bạn còn độc thân hoặc gia đình hỗ trợ tốt để có thể làm việc ngoài giờ thì đó là một điều tốt, nhưng nếu hoàn cảnh gia đình của bạn không cho phép, hãy chia sẻ thẳng thắn với nhà tuyển dụng.
Bạn có thể nói rằng “Mặc dù sẵn lòng làm thêm ngoài giờ nhưng tôi nghĩ mình chỉ có thể đáp ứng tối đa 1-2 buổi/tuần, nên tôi sẽ cố gắng để sắp xếp hoàn thành công việc trong giới hạn thời gian đó”. Câu trả lời này có lẽ sẽ khiến bạn “mất điểm” nhưng nó sẽ giúp bạn tránh được một công việc không phù hợp với hoàn cảnh của bản thân.
Đề cập tới những nguyện vọng khi làm thêm giờ
Trong trường hợp bạn có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng là làm thêm giờ, bạn đừng quên đề cập tới những điều kiện, nguyện vọng mình mong muốn. Là người lao động, bạn có quyền đảm bảo rằng nhà tuyển dụng có chế độ đãi ngộ nghỉ bù, có phụ cấp... khi làm thêm giờ, và hai bên nên chia sẻ thẳng thắn vấn đề này ngay khi phỏng vấn để tránh những trường hợp mâu thuẫn sau này.
Câu trả lời phù hợp trong tình huống này có thể như sau “Trong trường hợp được công ty sắp xếp lịch làm việc và thông báo kế hoạch từ trước, cùng với chế độ đãi ngộ phù hợp thì tôi rất sẵn lòng làm thêm giờ, nhất là khi việc đó sẽ giúp công việc được hoàn thành đúng tiến độ”.
Đưa ra những phương án thay thế
Thực tế cho thấy rằng, không phải lúc nào việc “ở lại công ty và làm thêm giờ” cũng là phương án xử lý tốt nhất trong mọi tình huống. Tùy từng đặc thù công việc, bạn sẽ thấy có nhiều hơn một cách để xử lý vấn đề. Nếu bạn không thể ở lại công ty muộn nhưng có thể làm việc tại nhà từ 8 - 10 giờ tối, hoặc nếu bạn có thể làm việc linh hoạt buổi chiều - tối khuya và muốn được nghỉ buổi sáng - hãy cứ mạnh dạn đề xuất.
Nếu bạn có thể trực điện thoại của khách hàng, trả lời email và làm việc sau giờ làm việc - điều này cũng tương tự như việc làm thêm giờ nhưng bạn sẽ không phải có mặt tại công ty. Lời khuyên ở đây là hãy thật linh hoạt và đàm phán với nhà tuyển dụng để tìm ra phương án làm việc phù hợp nhất với bản thân bạn.
Tóm lại, bạn không cần phải quá căng thẳng với câu hỏi phỏng vấn “Bạn có sẵn sàng làm thêm giờ?”. Câu hỏi này nhiều khi không đồng nghĩa với việc bạn thực sự phải làm thêm giờ khi gia nhập công ty, mà chỉ vì nhà tuyển dụng muốn thử phản ứng của bạn, từ đó đánh giá quan điểm và thái độ của bạn đối với công việc. Hãy tự tin và xử lý tình huống này một cách khéo léo, chân thành trên tinh thần đôi bên đều có lợi, chắc chắn bạn sẽ tìm ra câu trả lời tốt nhất cho bản thân mình cũng như đưa ra được giải pháp thuyết phục nhà tuyển dụng.
HX (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)