Để công việc mới được thuận lợi và suôn sẻ, bạn cần biết 8 việc nên làm khi bắt đầu một công việc mới dưới đây:
Đi làm sớm
Cũng giống như tham gia các buổi phỏng vấn tìm việc làm nhanh tại Đà Nẵng, Vũng Tàu hay TPHCM, bạn cũng phải đúng giờ khi đi làm. Không ai cảm thấy hài lòng khi một nhân viên mới đi làm muộn cả. Đây là điều tối kỵ khi bạn bắt đầu một công việc nào đó ở bất cứ đâu. Bởi thế bạn cần phải đến công ty sớm ít nhất 15 phút. Thường xuyên đi làm sớm, bạn sẽ càng để lại ấn tượng tốt trong mắt quản lý, có thời gian để kết giao và làm quen thêm nhiều đồng nghiệp, quan sát và học hỏi thêm về văn hóa công ty.
Tham gia nghiêm túc các buổi đào tạo nhân viên mới
Nhiều công ty tổ chức các buổi đào tạo và định hướng công việc mới cho nhân viên vừa tuyển. Tuy nhiên một số người thường có tâm lý coi nhẹ các buổi này, phần vì nghĩ chỉ mang tính hình thức, phần vì chủ quan do đã có kinh nghiệm từ công ty cũ. Những suy nghĩ này thật sự sai lầm.
Trên thực tế, mỗi công ty có một cách vận hành công việc khác nhau, bạn cần tham gia nghiêm túc và đầy đủ các buổi tập huấn để nắm chắc cơ chế vận hành công việc của họ. Nhờ đó bạn sẽ làm việc nhanh hơn và chuẩn xác hơn. Đồng thời đây còn là biểu hiện để các nhà quản lý đánh giá bạn là một nhân viên mẫn cán, có tiềm năng.
Chủ động đặt câu hỏi khi có thắc mắc
Đa số nhân viên mới đều mang tâm lý ngại hỏi vì sợ làm phiền đến người khác. Trên thực tế, bạn có thể hỏi đồng nghiệp hoặc quản lý bất cứ lúc nào có thắc mắc để công việc suôn sẻ và mang tính chuẩn xác cao. Nếu công việc của bạn đạt hiệu quả tốt, nó sẽ giúp cho công việc cả nhóm được vận hành trơn tru và không có ai chịu hệ lụy vì bạn. Như vậy việc hỏi không chỉ giúp ích cho bạn mà còn giúp ích cho cả một tập thể.
Tuy nhiên, hỏi lúc nào, hỏi cái gì và hỏi như thế nào là điều bạn cần hết sức chú ý. Trước hết, bạn không nên hỏi đi hỏi lại những điều người khác đã giải thích cho bạn hoặc đã triển khai trong buổi tập huấn nhân viên mới. Thứ hai, bạn cần tránh hỏi vụn vặt và hỏi cùng một việc nhiều lần. Thứ ba, bạn nên khéo léo chọn thời điểm hỏi thích hợp để người nghe cảm thấy thoải mái, dễ chia sẻ, tránh nhằm lúc họ đang “đầu tắt mặt tối” với deadline.
Hạn chế nhờ đồng nghiệp làm giúp việc của bạn
Có thể trong một vài tuần đầu bạn còn bỡ ngỡ và cần sự giúp đỡ của người khác. Tuy nhiên việc xin sự giúp đỡ chỉ nên dừng lại ở giới hạn nhờ đồng nghiệp hỗ trợ giải đáp thắc mắc. Tuyệt đối không nên nhờ họ làm giúp việc của mình vì điều này là kém duyên, thiếu chuyên nghiệp và gây phiền hà cho đồng nghiệp. Mọi người đều có nhiệm vụ riêng và bạn nên hạn chế quấy rầy họ. Hãy tin tưởng vào chính mình và nỗ lực để có thể tự làm tốt công việc của bản thân.
Tránh nhận quá nhiều cuộc gọi cá nhân
100% thời gian ở công ty nên được dành cho công việc chứ không phải xử lý chuyện cá nhân. Nếu bạn thường xuyên nhận nhiều cuộc gọi cá nhân và tốn nhiều thời gian vào việc này thì rất có thể bạn không vượt qua được thời gian thử việc. Do đó bạn nên nhắc trước với người thân, bạn bè tránh goi cho bạn vào giờ làm việc nếu không cần thiết.
Luôn trung thực
Trong công việc mới, một số sếp sẽ thử thách bạn bằng cách yêu cầu bạn làm một nhiệm vụ khó. Nếu bạn thực sự không biết nó là gì và không biết cách làm, đừng ngại nói “Tôi không biết”. Việc nói dối có thể làm mà không làm được sẽ tệ hại hơn rất nhiều so với trung thực thú nhận hạn chế của bản thân. Cũng như vậy, trong một số tình huống khác, một nhân viên trung thực sẽ được lãnh đạo đánh giá cao hơn so với nhân viên lươn lẹo, bợ đỡ cấp trên. Con mắt của những người có kinh nghiệm trong nghề sẽ “nhìn thấu” sự gian dối của bạn.
Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân
Sẽ thật thiếu khôn ngoan nếu bạn chia sẻ tất tần tật thông tin cá nhân tại môi trường mới. Có người giữ bí mật thông tin, nhưng cũng có người sẽ loan tin thất thiệt làm ảnh hưởng đến bạn. Vậy nên tốt nhất là hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân với đồng nghiệp mới.
Nắm bắt kỳ vọng của công ty
Biết được công ty kỳ vọng gì vào bạn là rất quan trọng. Đó là mục tiêu để bạn nỗ lực đạt đến và vượt qua. Hiểu được kỳ vọng của sếp, của công ty sẽ giúp bạn hình dung rõ bạn cần làm gì và lên kế hoạch thực hiện chúng thật tốt.
Trên đây là 8 điều bạn nên làm khi bắt đầu một công việc mới. Nếu tham khảo và làm theo những lời khuyên này, tin rằng bạn sẽ duy trì công việc mới thuận lợi và tạo ấn tượng tốt với sếp cùng đồng nghiệp.
HX (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)