Khi bạn đã nhận được một công việc khác phù hợp hơn
Nếu bạn đã chốt được công việc mong muốn rồi thì việc tiếp tục đi phỏng vấn cho các công việc khác mà bạn đã ứng tuyển trên các trang tìm kiếm việc làm sẽ không còn cần thiết nữa. Đi cho “biết thêm” thì cũng được thôi nhưng vừa mất thời gian của bạn, vừa khiến nhà tuyển dụng kỳ vọng rồi lại thất vọng nếu bạn không có ý định đi xa hơn. Khi đó, một lời từ chối ngắn gọn, lịch sự là điều nên làm để giữ hình ảnh đẹp nếu sau này có cơ hội gặp lại họ trong một bối cảnh khác. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao sự rõ ràng và chuyên nghiệp của bạn hơn là bị “bỏ bom” vào phút chót.
Mô tả công việc không rõ ràng hoặc có dấu hiệu bất thường
Nếu bạn đọc mô tả công việc mà thấy nội dung quá mơ hồ, không biết rõ mình sẽ làm gì, báo cáo cho ai, hoặc yêu cầu thì ít mà “quyền lợi vô biên” thì nên cảnh giác. Đặc biệt là những tin tuyển dụng kiểu “làm việc trong môi trường năng động”, “thu nhập không giới hạn” nhưng không nói rõ là làm ở đâu, lương cơ bản ra sao thì khả năng cao là có gì đó không ổn. Thay vì mất công đi phỏng vấn rồi về với cảm giác hụt hẫng hoặc bực mình, tốt nhất là từ chối sớm. Việc gì phải tốn thời gian cho những nơi ngay từ đầu đã thiếu minh bạch, đúng không?
Công ty không phù hợp với giá trị hoặc định hướng của bạn
Dù công việc có vẻ ổn, lương cao hay văn phòng đẹp đến đâu mà bạn cảm thấy công ty không phù hợp với giá trị sống hoặc định hướng nghề nghiệp của mình thì tốt nhất nên cân nhắc từ chối phỏng vấn. Ví dụ, bạn đề cao sự minh bạch nhưng công ty lại vướng nhiều lùm xùm không rõ ràng hoặc bạn muốn phát triển trong môi trường sáng tạo nhưng nơi đó lại quá gò bó, bảo thủ thì rất khó để bạn cảm thấy thoải mái nếu làm việc lâu dài. Từ chối sớm sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, năng lượng và dành cơ hội đó cho một công ty thực sự “hợp gu” hơn.
Lịch trình cá nhân không cho phép và không thể sắp xếp hợp lý
Đôi khi, dù rất muốn tham gia phỏng vấn, nhưng lịch trình cá nhân lại “kẹt cứng” – có thể bạn đang trong kỳ thi, có việc gia đình quan trọng, hoặc đơn giản là không thể sắp xếp được thời gian hợp lý. Nếu đã cố gắng hết sức mà vẫn không xoay xở được hoặc không thể xin dời lịch được thì việc từ chối phỏng vấn là điều hoàn toàn bình thường. Cố gắng nhận lời trong khi biết chắc mình không thể chuẩn bị tốt hoặc đến nơi trong tình trạng vội vàng, mệt mỏi… chỉ khiến bạn mất điểm không đáng có. Thành thật và lịch sự từ chối sẽ giúp bạn giữ được ấn tượng chuyên nghiệp và biết đâu sau này vẫn còn cơ hội khác phù hợp hơn.
Trực giác của bạn lên tiếng: “Không nên đi”
Có những lúc bạn không thể giải thích rõ ràng vì sao nhưng trong lòng cứ có cảm giác “không ổn” khi nhận được lời mời phỏng vấn. Có thể là cách nhà tuyển dụng giao tiếp khiến bạn thấy thiếu tin tưởng, thông tin công ty quá mơ hồ hoặc buổi hẹn được sắp xếp vội vàng, thiếu chuyên nghiệp. Đó chính là lúc trực giác của bạn đang lên tiếng. Đừng xem nhẹ cảm giác này vì nó thường dựa trên kinh nghiệm và sự nhạy cảm tự nhiên của bạn với những dấu hiệu “lạ”. Nếu có linh cảm không tốt, thì từ chối phỏng vấn là cách bảo vệ bản thân tránh được những tình huống không đáng có.
Vậy, từ chối như thế nào cho “đẹp”?
Đơn giản thôi, bạn chỉ cần cảm ơn nhà tuyển dụng vì đã dành thời gian liên hệ, giải thích ngắn gọn lý do (nếu muốn), chúc họ tuyển được ứng viên phù hợp và giữ thái độ chuyên nghiệp, tích cực. Chẳng hạn như:
“Chào anh/chị,
Em cảm ơn vì anh/chị đã dành thời gian xem xét hồ sơ và mời em tham gia phỏng vấn. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, em xin phép được từ chối lời mời lần này vì đã nhận được một cơ hội khác phù hợp hơn. Em rất trân trọng sự quan tâm từ phía công ty và hy vọng sẽ có cơ hội hợp tác trong tương lai.
Trân trọng,
[Họ tên của bạn]
Đi tìm việc không chỉ là hành trình nhà tuyển dụng chọn bạn mà còn là bạn chọn công việc phù hợp với mình. Từ chối phỏng vấn không có nghĩa là bạn kiêu căng hay thiếu tôn trọng. Đó là quyền của bạn, miễn là bạn làm điều đó với thái độ chuyên nghiệp và chân thành. Đôi khi, nói “không” đúng lúc lại là cách nói “có” với những cơ hội tốt hơn.
HX (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)