Theo dự báo của nhiều chuyên gia, trong vòng 10 năm tới, trí tuệ nhân tạo, robot và các phát minh mới sẽ làm thay đổi thị trường lao động. Dưới đây là một số ngành nghề được kỳ vọng sẽ có triển vọng trong tương lai mà mọi người có thể tham khảo thêm.
Phi công
Trong thông báo tuyển phi công phục vụ kế hoạch phát triển các đường bay mới, mức thu nhập tối đa mà Hãng hàng không ở Việt Nam đưa ra lên đến 13.300 USD/tháng (khoảng 300 triệu đồng) cho cơ trưởng dòng máy bay thân rộng Boeing 787, cơ phó là 8.000 USD/tháng (khoảng 180 triệu đồng).
Ngoài thu nhập khủng, các phi công còn được nhận nhiều chế độ đãi ngộ cực tốt. Người nhà của những người làm phi công sẽ được hưởng ưu đãi giá vé máy bay lên đến 90%. Đồng thời, thời gian nghỉ phép của phi công cũng vô cùng đặc biệt khi cứ 9 tuần làm việc, phi công sẽ được nghỉ liền 1 tuần.
Tuy nhiên, để trở thành phi công bạn cần phải trải qua quá trình tuyển chọn và huấn luyện khắt khe. Đồng thời, mức học phí dành cho một khóa huấn luyện phi công rất đắt đỏ, lên đến 1,8 tỷ đồng, với thời gian đào tạo dao động 18 - 20 tháng. Riêng giai đoạn huấn luyện bay ở nước ngoài chiếm nhiều chi phí nhất khoảng 57 - 65 nghìn USD (tương đương 1,3 - 1,6 tỷ đồng).
Logistics
Theo dự báo từ Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam, đến năm 2030, nước ta sẽ cần khoảng 2,2 triệu lao động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, con số này cho thấy sự thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn khi mỗi năm chỉ có khoảng 2.500 cử nhân tốt nghiệp ngành Logistics.
Nhiều chuyên gia đánh giá ngành học này có tiềm năng lớn và mức lương hấp dẫn. Theo Tổng cục Thống kê, mức lương khởi điểm của ngành Logistics dao động từ 350 - 500 USD/tháng. Ở vị trí quản lý, mức lương có thể đạt 3 - 4 nghìn USD/tháng, và đối với vị trí giám đốc, mức lương có thể lên tới 5 - 7 nghìn USD/tháng.
Một số trường đào tạo ngành Logistics hiện nay: trường Đại học Thương Mại, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trường Đại học Hàng hải Việt Nam (Hải Phòng), Đại học Kinh tế TP.HCM, trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM.
Vi mạch bán dẫn
Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có Vi mạch dãn dẫn, cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng dưới 20%. Riêng kỹ sư ngành vi mạch bán dẫn, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 1.000 người.
Mức lương trong ngành này phụ thuộc vào số năm kinh nghiệm. Cụ thể, mức lương khởi điểm rơi vào khoảng 15 triệu đồng/tháng. Với những người có kinh nghiệm từ 6 năm trở lên, mức lương có thể đạt tới 1 tỷ đồng/năm. Sau hơn 10 năm kinh nghiệm, mức lương này có thể dao động trong khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.
Nếu đam mê ngành Vi mạch bán dẫn, thí sinh có thể tham khảo thông tin tuyển sinh của một số trường như: Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học FPT, trường Đại học Công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)