Ngành tiềm năng thiếu nhân lực chất lượng cao
Du lịch được xem là ngành "công nghiệp không khói" giàu tiềm năng trong xu hướng toàn cầu hóa và bối cảnh du lịch có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Trong năm 2023, Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng gấp 3,4 lần năm 2022. Lượng khách du lịch nội địa cả năm 2023 ước đạt 108 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 678,3 nghìn tỷ đồng. Thống kê cho thấy quý I/2024 đã có 4,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3,2% so với năm 2019 trước dịch Covid-19.
Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), mỗi năm ngành du lịch cần thêm gần 40.000 nhân lực nhưng nguồn cung chỉ bảo đảm được 15.000 - 20.000 nhân lực. Trong đó, lao động có trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 9,7%, còn lại là trình độ trung cấp, cao đẳng, dưới sơ cấp và chỉ 43% tổng số lao động được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về du lịch.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan cho biết, Việt Nam đang thiếu hụt lượng lớn nhân sự du lịch, nhất là lao động có chuyên môn cao.
Báo cáo của 46/63 địa phương cuối năm 2023 về thực trạng nguồn nhân lực du lịch cho thấy, hầu hết tỉnh, thành phố là trọng điểm du lịch như: Hà Nội, TPHCM, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Ninh Bình… đều rơi vào cảnh thiếu lao động ngành này.
Hiện nay trên cả nước có gần 200 cơ sở đào tạo ngành du lịch, gồm: 65 trường đại học có các khoa du lịch; 55 trường cao đẳng cùng các trường trung cấp, trung tâm đào tạo nghề. Các trường đào tạo ngành liên quan đến du lịch như Quản lý dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Việt Nam học, Văn hóa du lịch, Hướng dẫn du lịch,...
Sinh viên ngành Du lịch được đào tạo kiến thức chuyên sâu về ngành, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp ứng xử, xử lý tình huống, tổ chức, điều hành hoạt động tour du lịch và cơ sở lưu trú, quản lý nhân lực, ngoại ngữ…
Sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành này có triển vọng nghề nghiệp ở các lĩnh vực như hướng dẫn viên du lịch, đại lý du lịch và lữ hành, quản lý lưu trú (khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà nghỉ), tổ chức sự kiện, quảng cáo và marketing, quan hệ khách hàng và truyền thông,…
Điểm chuẩn ở ngưỡng cao
Điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi TPHT Quốc gia của các ngành Du lịch luôn thuộc top ngành tại nhiều trường đại học trên cả nước.
Năm 2023, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của ĐH Khoa học Xã hội - Nhân Văn, ĐH Quốc gia Hà Nội lấy 25,5-26,4 điểm cho các tổ hợp A01, D01, D78, ngành Quản trị khách sạn có mức điểm chuẩn 25-25,5. Trung bình thí sinh cần 8,3-8,8 điểm/môn mới đỗ. Năm 2022, 2 ngành này có điểm chuẩn dao động 25-26,4 điểm.
Đại học Kinh tế Quốc dân đào tạo ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành và Quản trị khách sạn, có mức điểm chuẩn 26.75 năm 2023 và 26,85 năm 2022.
Du lịch là ngành hot tại ĐH Khoa học Xã hội - Nhân Văn Hà Nội và ĐH Văn hoá Hà Nội
Với ĐH Khoa học Xã hội - Nhân Văn, ĐH Quốc gia TP.HCM, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành năm 2023 và 2022 lần lượt lấy 27,4 điểm và 27,6 điểm khối C00, cao thứ 2 trường sau ngành Báo chí. Thí sinh cần trên 9 điểm/môn mới có thể trúng tuyển.
Trường ĐH Văn hoá Hà Nội có 4 ngành đào tạo Du lịch, trong đó Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành lấy điểm cao nhất 26,5 điểm ở tổ hợp C00 và 25,5 điểm cho các tổ hợp D01, D78, A00 năm 2023. Đây cũng là ngành có điềm cao chỉ sau ngành Báo chí tại trường này.
Các ngành Du lịch - Văn hoá Du lịch, Lữ hành, hướng dẫn du lịch và Hướng dẫn du lịch quốc tế có điểm chuẩn dao động 24,41-25,8 điểm. Năm 2022, 4 ngành đào tạo Du lịch tại trường ĐH Văn hoá Hà Nội lấy 26-27,5 điểm.
Khu tổ hợp thực hành Du lịch và Khách sạn của Đại học Quốc tế Hồng Bàng
Khu vực để sinh viên ĐH Văn Lang thực hành các thao tác tương đương khi làm việc tại khách sạn tiêu chuẩn
Năm 2023, điểm chuẩn ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành và Quản trị Khách sạn tại ĐH Mở Hà Nội là 30,53 và 29,28 điểm (thang điểm 40). Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của trường ĐH Hà Nội được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, 2 năm gần đây có mức điểm dao động 32,1-33,9 điểm (thang điểm 40) cho 2 chương trình hệ đại trà và CLC.
Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) lấy 24,5 điểm ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. "Ông lớn kinh tế" phía Nam là ĐH Kinh tế TP.HCM cũng đào tạo 2 ngành liên quan đến du lịch, có điểm chuẩn 24,6-25,2 năm ngoái.
Bên cạnh các trường đại học công lập, nhiều trường tư thục, quốc tế như ĐH Vin Uni, ĐH RMIT, ĐH Hoa Sen, Trường Đại Học Anh Quốc (BUV), ĐH Hồng Bàng, ĐH Văn Lang… cũng mở ngành Du lịch để đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng chuẩn quốc tế.
Thực hành nghiệp vụ tại ĐH RMIT Việt Nam
ĐH Vin Uni đào tạo chương trình cử nhân ngành Quản trị khách sạn, thuộc Viện Kinh doanh quản trị với nhiều cơ hội trao đổi sinh viên đến các trường ĐH, thực tập tại các công ty, tổ chức đối tác toàn cầu.
Chương trình Cử nhân Quản trị Du lịch và khách sạn của ĐH RMIT kéo dài 3 năm, được công nhận bởi Học viện Quản trị Khách sạn Vương quốc Anh và là thành viên của Hiệp hội Du lịch Châu Á Thái Bình Dương.
Học phí các trường đào tạo ngành Du lịch
Mức lương ngành Du lịch
Với tiềm năng hiện tại, sinh viên ngành Du lịch có nhiều cơ hội việc làm với mức lương hứa hẹn sau khi tốt nghiệp. Theo thống kê của Indeed, nhân viên tư vấn du lịch có mức lương trên 12 triệu đồng/tháng.
Với vị trí hướng dẫn viên nội địa, mức lương cứng là 8-9 triệu đồng/tháng còn hướng dẫn viên du lịch quốc tế có mức thu nhập cao hơn, dao động từ 15 - 30 triệu/tháng. Vị trí điều hành, kinh doanh tour du lịch có thể lên đến 20 triệu đồng/tháng.
Các vị trí trong khách sạn thường có mức lương tháng khởi điểm 7-10 triệu đồng. Mức thu nhập cho vị trí quản lý khách sạn, du lịch quy mô vừa đạt 10 - 15 triệu đồng/tháng và 45 triệu đồng/tháng trở lên ở các khách sạn đạt chuẩn 5 sao.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)