Đến tuổi trung niên, hôn nhân dường như trở thành "món xương sườn gà - nhạt miệng khi ăn, nhưng bỏ đi thì tiếc". Những lời ngọt ngào năm xưa đã bị mài mòn bởi cơm áo gạo tiền, tình cảm lãng mạn ngày nào cũng bị thay thế bởi đống hỗn độn của cuộc sống thường nhật.
Hai vợ chồng sống chung dưới một mái nhà, nhưng lại giống như bạn cùng phòng. Bạn chơi điện thoại của bạn, tôi xem phim của tôi. Bạn làm thêm đến khuya, tôi đi ngủ sớm không làm phiền. Thỉnh thoảng trao đổi vài câu, hoặc là hỏi thăm tình hình con cái, hoặc là nhờ xuống lấy hộ bưu phẩm....
Bề ngoài, giữa hai người dường như không có mâu thuẫn lớn, nhưng cũng không thể nói là tình cảm mặn nồng, không thể ly hôn, nhưng cũng chẳng thể sống tốt. Trong hoàn cảnh này, một kiểu hôn nhân tên là "hôn nhân khô cằn" đang âm thầm trở nên phổ biến, trở thành lựa chọn mới của nhiều cặp vợ chồng trung niên.
1. Hiện tượng "hôn nhân khô cằn" âm thầm phổ biến
"Hôn nhân khô cằn" là gì? Nói một cách đơn giản, đó là cuộc hôn nhân khô khan, như bị rút cạn hết sinh khí. Hai người trên danh nghĩa vẫn là vợ chồng, vẫn được pháp luật bảo vệ, nhưng mỗi người sống cuộc sống của riêng mình, không can thiệp vào nhau. Trạng thái này giống như kiểu "chung sống qua ngày", việc bạn làm "không liên quan" đến tôi, việc tôi làm bạn cũng đừng quản, cả hai ngầm hiểu duy trì vỏ bọc hôn nhân, mối quan hệ bề ngoài.
Có một người đàn ông tâm sự rằng, bản thân mình đã sớm bước vào hàng ngũ "hôn nhân khô cằn". Anh ấy nói, sống lâu rồi, không hiểu sao cuộc sống trở nên "nhạt nhẽo như nước ốc", đặc biệt là sau khi có con, anh và vợ ngủ phòng riêng, cứ thế kéo dài đến khi con chuẩn bị thi chuyển cấp. Ban đầu nghĩ "đồ gốm vỡ thì đập cho nát", thà rằng sống vật vờ như thế, chi bằng mỗi người một ngả, tự tìm niềm vui.
Nhưng sau đó nghĩ lại, chuyện hôn nhân, lấy ai chẳng giống nhau? Thà rằng đối mặt với tan vỡ hôn nhân, khoác lên tuổi thơ con cái một lớp bóng mờ, chi bằng im lặng hiểu ý nhau, tìm một điểm cân bằng, vừa giữ được thể diện, vừa cho đối phương không gian và tự do. Nghe những điều này, thật khiến người ta cảm thấy bất lực và xót xa.
Thực tế, so với ly hôn, "hôn nhân khô cằn" dường như đã trở thành "giải pháp tối ưu" của nhiều cặp vợ chồng trung niên đối với cuộc sống. Có người không hiểu, đã không còn tình yêu để duy trì hôn nhân, tại sao vẫn cố chấp níu kéo?
Thực ra, đằng sau hiện tượng này là 3 nguyên nhân thực tế đau lòng.
2. Tại sao chọn "hôn nhân khô cằn"?
Đối với con người, đôi khi sinh tồn quan trọng hơn nhiều so với "tình cảm". Đặc biệt là đến tuổi trung niên, đã qua giai đoạn lý tưởng "có tình uống nước lã cũng ngọt". Đằng sau "hôn nhân khô cằn", thực chất là sự cân nhắc và tính toán thực tế của người trưởng thành.
Vì con cái, không thể ly hôn
Vì con cái, có lẽ là lý do chính nhiều cặp vợ chồng chọn "hôn nhân khô cằn". Làm cha mẹ, ai cũng sợ ly hôn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, quá trình học tập của con. Thậm chí còn lo lắng gia đình đơn thân khiến con bị dị nghị, phân biệt đối xử trong giao tiếp xã hộ. Vì vậy, họ thà duy trì vẻ ngoài hoàn chỉnh, còn hơn để con gánh chịu hậu quả từ sự tan vỡ gia đình.
Chi phí ly hôn, không đủ khả năng
Đến tuổi trung niên, ly hôn không còn là vấn đề đơn giản chỉ cần động đôi môi. Nó không chỉ là sự chia ly về mặt tình cảm, mà còn là hàng loạt vấn đề bị ràng buộc bởi kinh tế. Ví dụ như nhà cửa, tiền tiết kiệm, quyền nuôi con, phân chia tài sản... bất kỳ khoản nào cũng có thể khiến cuộc sống vốn yên ả trở nên sóng gió, đảo lộn. Đặc biệt là những người sống ở thành phố lớn, mua bán nhà đều là việc hệ trọng.
Thêm vào đó, biến động khó lường của giá nhà dễ dàng khiến "bầu không khí sống" tích lũy bấy lâu tan biến. Nói thật, cái giá của ly hôn quá đắt, chi bằng "sống tạm".
Cần đảm bảo vẻ ngoài của một "gia đình bình thường"
Trong văn hóa Á Đông, hôn nhân không chỉ là chuyện của hai người, mà còn liên quan đến cha mẹ đôi bên, họ hàng bạn bè, thậm chí là đánh giá xã hội. Nhiều người sợ sau ly hôn phải đối mặt với bàn tán của người thân, chỉ trích của cha mẹ, hay ánh nhìn khác thường nơi công sở. Một số người còn lo sợ ly hôn ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp.
Vì vậy, thà rằng không để mọi chuyện kết thúc bằng ly hôn, chi bằng chọn cách giữ thể diện, tiếp tục diễn vở kịch "hôn nhân" này.
3. Chọn duy trì, hãy học cách vun đắp
Xét cho cùng, cuộc sống không phải là diễn cho người khác xem, mà là để tự mình cảm nhận. "Hôn nhân khô cằn" thoạt nhìn là sự thỏa hiệp trong bất đắc dĩ, nhưng về lâu dài, lại là sự hao mòn với cả hai phía. Vì vậy, đã chọn gìn giữ hôn nhân, chi bằng dùng thái độ tích cực để tái tạo, đưa nó trở lại quỹ đạo đúng đắn.
Xét cho cùng, đời người ngắn ngủi như cỏ cây, thoáng chốc chưa kịp chạm vào thì thời gian đã trôi qua lặng lẽ. Vì thế, biết trân trọng từng chút một trong cuộc sống, biết đâu có thể thắp lại hy vọng cho hôn nhân.
Làm vợ chồng, cần giao tiếp nhiều hơn, thông qua trò chuyện chân thành để gỡ rối, sai thì sửa, lạc hậu thì phải trưởng thành. Chỉ có như vậy, mới có thể khiến một mối tình tỏa sáng như vốn có.
Hơn nữa, khi bước lên lễ đường, không ai lại mong muốn hướng đến một cuộc hôn nhân "nhạt nhẽo". Vậy tại sao vẫn phải dùng cách "hao mòn lẫn nhau" để hành hạ đôi bên?
Nếu hôn nhân không có vấn đề gì về nguyên tắc, cũng chưa đến mức phải ly hôn, thì sao không thử nhìn nhau mỉm cười, bắt đầu lại từ đầu. Xét cho cùng, người có thể đồng hành cùng bạn nửa đời người, rốt cuộc vẫn là người chung chăn gối.
Diệu Hạnh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)