Suy luận trên đã được chị Hoàng Thu (35 tuổi, Hải Phòng) đặt ra khi đề cập đến vấn đề văn hóa trong hôn nhân. Chị Thu khẳng định một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đàn ông hay phụ nữ hư hỏng, suy cho cùng cũng là do họ được đối phương chiều chuộng thái quá.
Đó là những người sống thiếu văn hóa, và những gia đình như thế cũng khó mà yên ấm vì thiếu yếu tố văn hóa làm trọng tài trong mối quan hệ vợ chồng.
Đang rộ lên một luồng dư luận: Nhiều chị em phụ nữ được chồng chiều, nhường nhịn nên trở nên quá đáng, nanh nọc. Là một phụ nữ được mọi người yêu quý, tin tưởng, là một người có cuộc sống gia đình hạnh phúc, chị có ý kiến như thế nào về việc này?
Tôi đã đọc báo, đọc ở các trang thông tin về việc này. Tôi cảm thấy buồn. Sau đó ngẫm nghĩ lại bằng sự trải nghiệm của mình về cuộc sống nói chung và cuộc sống hôn nhân gia đình của mình, tôi thấy điều này có nguyên nhân sâu xa của nó.
Trước khi đánh giá vấn đề, tôi kể ra câu chuyện như thế này: Ở một vùng ven đô, nhà nước thu đất của những người dân để làm dự án và trả tiền đền bù cho họ. Có những nhà nhận được tiền tỷ. Họ xây nhà, mua xe, mua sắm đầy đủ tiện nghi; vàng, trang sức đeo đỏ người; cho tiền con cái chơi bời… Họ bỗng nhiên trở thành người giàu có và họ trở nên tồi tệ hơn khi chưa được đền bù. Con cái họ có thể nghiện ngập; vợ chồng, con cái tranh chấp tiền nong,…
Tôi nói ra như thế để nói về hiện tượng “sổi” trong cách nghĩ, cách sống của một số người. Khi người ta bỗng nhiên giàu có, người ta sẽ không biết làm gì với tiền của mình ngoài tiêu pha vung phí và trở nên người vô văn hóa. Tiền vào tay người biết làm ăn sẽ sinh sôi, tiêu đúng nơi, đúng chỗ. Tiền vào tay kẻ chưa bao giờ biết cầm đến tiền nhiều thông thường sẽ được dùng vào những trò phá phách.
Cuộc sống hôn nhân cũng tương tự như vậy. Khi người ta bỗng nhiên được lập gia đình, được chiều chuộng, được ăn sung mặc sướng, người ta sẽ trở nên vô lý và hay bị mờ mắt bởi những suy nghĩ cá nhân ích kỷ. Người ta cứ nghĩ việc được chiều, được người khác phục vụ là đặc quyền đương nhiên của họ. Họ không hài lòng thì họ sẽ trút tất cả lên đầu đối phương.
Hạnh phúc được đổi bằng sự nỗ lực của hai thành viên (vợ và chồng) thì sẽ bền vững vì cả hai đều cố gắng. Thế nhưng, một người ra sức cưng chiều, nhường nhịn, thậm chí là chịu đựng một người sẽ dẫn tới tình trạng được đằng chân, lân đằng đầu một cách mù quáng.
Nói thế nào nhỉ! Ý chị nói đó là việc “Sướng quá hóa rồ” đúng không?
Diễn đạt thế nào là do mỗi người, nhưng ý của tôi thì tôi không nhắc lại. Có điều, không chỉ riêng phụ nữ mới được đằng chân, lân đằng đầu mà cả đàn ông cũng thế. Mà hiện tượng này xảy ra ở đàn ông nhiều hơn. Dư luận rộ lên vì chưa quen với việc phụ nữ bắt nạt đàn ông chứ mấy trò quá đáng trong hôn nhân, đàn ông rành hơn phụ nữ nhiều.
Một người ra sức cưng chiều, nhường nhịn, thậm chí là chịu đựng một người sẽ dẫn
tới tình trạng được đằng chân, lân đằng đầu một cách mù quáng (Ảnh minh họa).
Thiếu gì “gương” điển hình đàn ông đi gái gú, về nhục mạ, đối xử với vợ con tàn nhẫn. Tôi hay đùa những anh bạn mình rằng: Nếu một ngày nào đó, các bà vợ của các ông bỏ bê con cái các ông như các ông bỏ bê chúng; họ lượn lờ đến tận đêm khuya mới về; họ đón giai đi nhà nghỉ để vuốt ve, làm tình; họ về nhà hằn học các ông, các ông sẽ làm gì? Đa số đàn ông đều không tin chuyện đó.
Bản thân tôi cũng không tin chuyện đó có thật và tôi chỉ dám đùa các anh đàn ông. Nhưng khi nó xảy ra thật, có chị như vậy, tôi cũng bất ngờ. Và tôi thấy dư luận cực kỳ cay nghiệt với người phụ nữ như thế. Tôi cũng không đồng ý với người phụ nữ như vậy cũng như tôi không đồng ý với mấy anh đàn ông quá quắt với những người vợ hiền, yêu chồng, chăm sóc gia đình.
Vậy theo chị, làm thế nào để người ta nhận thức đúng bản chất câu chuyện tình yêu trong hôn nhân? Làm thế nào các giá trị không bị bóp méo để người trong cuộc không làm mọi thứ tồi tệ hơn?
Đó là việc của những người trong cuộc, tôi nói nghiêm túc. Tuy nhiên, người có văn hóa, khi được người khác ứng xử tử tế với mình thì sẽ biết cách ứng xử tử tế lại với người ta. Chuyện vợ chồng cũng là mối quan hệ. Mối quan hệ cần có yếu tố văn hóa làm trọng tài.
Việc những người vợ hoặc những người chồng “sướng quá hóa rồ” như bạn nói là một kiểu thiếu văn hóa. Điều đó không chỉ diễn ra ở một vài gia đình, một vài nơi mà đó là việc khá phổ biến. Nó thể hiện ý thức ích kỷ, kém hiểu biết của nhiều người. Nó có bản chất từ giáo dục.
Tôi xin lấy một ví dụ như thế này: Hôm trước tôi có đi dạo ở bờ biển Đồ Sơn. Lúc tôi đang lơ đễnh đi thì bỗng thấy toẹt một cái như kiểu chim bậy. Tay tôi nhớp nhớp dính nước, quần và áo tôi cũng thế. Tôi đang ngơ ngác thì một cậu bé khoảng gần 10 tuổi được mẹ bế trên tay cầm chai nước đang nhìn tôi. Chính cậu bé vừa nhổ nước tráng miệng vào người tôi.
Theo phản xạ, tôi quát lên: Sao lại làm thế? Cậu bé thản nhiên nhìn tôi. Bố mẹ cậu bé xin lỗi tôi rối rít và mắng cậu bé: Lần sau con không được nhổ vào cô như thế nhé! Tôi đứng nhìn, chờ đợi một câu xin lỗi từ phía cậu bé nhưng cậu bé vẫn cứ nhâng nhâng nhìn tôi.
Tôi ngán ngẩm nghĩ: Trẻ con làm sai không được dạy xin lỗi mà có người xin lỗi thay sau này lớn lên, chúng quen như vậy, không bao giờ chúng biết nhận sai. Những đứa trẻ như vậy, sau này lớn lên, chúng sẽ lập gia đình. Chúng luôn túc trực sự vô ý thức để trở thành vô văn hóa.
Hôn nhân cần có văn hóa, rất cần để làm trọng tài như tôi đã nói. Việc người phụ nữ hay người đàn ông ứng xử được đằng chân lân đằng đầu xuất phát từ gốc nhận thức của con người, tôi nghĩ vậy. Tôi chỉ nói góc độ riêng của những trường hợp vậy, không nói hết mọi người.
Xin cảm ơn chị về những chia sẻ khách quan về tình yêu, hôn nhân. Chúc chị luôn hạnh phúc trong mái ấm của mình!
Trí Thức Trẻ