24 tuổi, Quỳnh kết hôn sau hơn 1 năm đi làm. Có lẽ cô sẽ được bạn bè và người thân chúc phúc nếu như chú rể là một người đàn ông khác không phải Hoàng. Hoàng là đồng nghiệp với Quỳnh, anh đã 42 tuổi và trải qua một đời vợ. Sau khi vượt qua bao rào cản và xì xào của dư luận, đỉnh điểm là sự ngăn cản quyết liệt của gia đình, cuối cùng đám cưới của hai người vẫn diễn ra.
Từ ngày biết Quỳnh qua lại với người đàn ông đã có một đời vợ, gia đình Quỳnh gần như tan vỡ.
Mẹ Quỳnh không ngừng tru tréo: “Cái thằng 'bất lực' ấy nó lấy vợ 9 năm trời không có con thì là lỗi tại ai? Rồi mai này mày đang phơi phới, nó nằm rũ ra đấy xem mày có chán rồi bỏ nhau sớm không?”. Kèm theo đó là những trận đòn tơi tả mà suốt từ bé, Quỳnh chưa nếm trải bao giờ.
Mẹ cô cũng không ngừng mắng chửi cả chồng Quỳnh với hy vọng hai người sẽ chán nản mà rời nhau ra: “Mày là cái loại dê già ham gặm cỏ non. Mày kém tao có 4 tuổi thôi, nó đáng tuổi con mày đấy, tao thà giết nó còn hơn gả cho mày”
Nhưng ngăn cản suốt 2 năm trời không thành, trời không chịu đất thì đất chịu trời, gia đình Quỳnh ngậm ngùi tổ chức hôn lễ cho con gái. Đám cưới không được sự chúc phúc và đồng thuận của tất cả mọi người. Trong khi nhà trai hớn hở thì nhà gái chỉ cười trừ cho mau qua buổi lễ.
Những tưởng sau cái tình yêu “định mệnh cuộc đời” sẽ là những ngày tháng thăng hoa hạnh phúc. Song cái cảm giác lâng lâng lúc yêu, sự thỏa mãn cả về thể xác và tinh thần hoàn toàn biết mất. Sự lệch pha bắt đầu chiếm lĩnh cuộc sống vợ chồng Quỳnh.
Hai vợ chồng ở riêng, không vướng víu ai, cũng chưa có con nhỏ. Tối đến, cứ 9 giờ là chồng Quỳnh không bao giờ bước ra khỏi nhà, chỉ lười nhác nằm xem tivi, thời sự, bóng đá… hoặc cùng lắm là sang nước chè, cờ tướng bên nhà hàng xóm. Nhiều hôm Quỳnh đi chơi cùng bạn về đã thấy chồng đắp chăn đi ngủ. Có đói muốn rủ chồng đi ăn đêm cũng không được, đành tự mở tủ lạnh "chế" món ăn tạm hoặc hậm hực đi ngủ.
Được bữa đi cùng Quỳnh thì Hoàng ngồi uể oải ngáp ngủ trong lúc vợ buôn chuyện với bạn. Đôi lúc, Quỳnh thấy chồng nhếch mép cười khẩy vì các chủ để "tám" của cô và bạn bè lúc nào cũng xoay quanh phim ảnh, showbiz, yêu đương.
Trong khi anh cất lời thì chủ đề luôn là chính trị, khoa học vĩ mô, thị trường bất động sản, giá 1 mét vuông đất khu nào, quận nào bao tiền anh đều nắm rất rõ. Tất nhiên Quỳnh cũng không còn hứng ngồi "buôn" với đám bạn nữa còn bạn bè Quỳnh thì chán chường ra mặt.
Tiếp đến là thói lười nhác của chồng. Đi làm về, quần áo, giày dép, cặp xách, laptop, Hoàng đều quăng bừa bãi. Phòng khách nơi anh ngồi xem thời sự ngập tràn đầu mẩu thuốc lá, vỏ bia trên bàn, dưới sàn… Quỳnh nhắc thì chồng lại giở giọng: “Thời trẻ như em anh cũng gọn gàng lắm. Em còn trẻ khỏe, chịu khó dọn dẹp nhiều một chút để mai này dễ sinh nở”.
Khi yêu, Hoàng nói yêu Quỳnh vì nét tươi trẻ, hồn nhiên của cô. Giờ anh cấm cô ăn mặc đẹp, cấm cô mặc áo váy hở hang. Anh lý luận: "Giờ em đã có chồng cần gì phô cái trẻ đẹp ấy ra nữa, để giai khác nó thấy nó lăm le ăn cắp à?".
Hai người đi mua đồ, chồng liên tục chê bai và khăng khăng chọn cho Quỳnh những bộ đồ U30 - U40 mà chỉ cần nhìn thôi Quỳnh đã "khóc thét" không dám mặc. Kết quả là lần nào ra về, hai vợ chồng cũng mặt nặng mày nhẹ. Đó là chưa kể mấy cô bán hàng trẻ thiếu tế nhị cứ liên tục: “Chú giúp chị chọn đồ đi ạ!”.
Quỳnh đã đấu tranh không mệt mỏi để nhận được cái gật đầu chấp thuận
của bố mẹ cho kết hôn với người chồng già (Ảnh minh họa).
Cưới nhau được hơn 1 năm, chồng quên hẳn những ngày lễ, không còn nhớ mua hoa tặng vợ, không 8/3, không 20/10, không Noel, không Valentine... Thậm chí cả sinh nhật Quỳnh, Hoàng cũng quên luôn. Quỳnh tủi thân và ấm ức lắm. Thiên hạ bảo lấy chồng già được chiều chuộng chẳng phải bao giờ cũng đúng.
Định bụng bao lần sẽ nói hết với chồng những suy nghĩ của mình, nhưng chưa được 2 câu chồng Quỳnh đã nhảy vào chặn họng: “Em đúng là đồ trẻ con!”, Quỳnh chỉ biết gào lên: “Ừ tôi trẻ con, thế anh đi lấy đứa trẻ con như tôi làm gì?”. Tình yêu vượt sông vượt biển ban đầu cứ theo những giận hờn vụn vặt mà nhạt dần.
Tuy nhiên đó chỉ là sự lệch pha về bên ngoài, Quỳnh có thể chấp nhận được. Cái đáng sợ hơn là sự lệch pha về nhu cầu sinh lý, Quỳnh không biết tâm sự cùng ai. Lời mẹ cô chì chiết hôm nào đã linh nghiệm, chồng cô giờ đã như “ngọn đèn dầu trước gió”.
Sau khi cưới, chồng Quỳnh mắc bệnh lười "gần" vợ, cứ như anh đã cống hiến hết sức lực thể hiện cho Quỳnh thấy phong độ của đàn ông 40 lúc còn yêu nhau.
Đã bao lần Quỳnh chủ động gần gũi chồng nhưng đáp lại cô chỉ là hành động èo uột hoặc những câu từ chối đại loại như: “Anh mệt lắm, anh buồn ngủ…” mặc cho vợ lăn qua lăn lại trong nỗi hậm hực không thể chợp mắt.
Thời còn yêu, có đêm anh chiều cô đến 2-3 lần, vậy mà giờ 1 tuần hai vợ chồng chỉ "chinh chiến" được 1-2 lần, mà lần nào cũng như anh đang hoàn thành nghĩa vụ với vợ. Quỳnh không thể ngờ vừa mới kết hôn hơn 1 năm mà đến cả sinh lý của anh cũng thay đổi nhanh đến thế.
Dù đã từng nghe, đã từng đọc tâm sự của rất nhiều phụ nữ có hoàn cảnh như mình, nhưng chỉ đến khi thực sự là người trong cuộc, Quỳnh mới cảm thấy những mâu thuẫn nhỏ lại có sức phá hủy lớn đến thế. Trong mắt Quỳnh, chồng đã trở thành một ông cụ già trước tuổi, vừa già cỗi, vừa bảo thủ.
Quỳnh thấy tiếc cho những năm tháng mệt mỏi đấu tranh để được kết hôn với anh. Hiện tại, dù rất chán chồng nhưng Quỳnh không biết phải làm gì để cải thiện tình trạng lệch pha trong mối quan hệ chồng già - vợ trẻ này. Cứ nghĩ đến cuộc hôn nhân của mình mới ở giai đoạn đầu và còn cả chặng đường dài trước mắt mà cô ngán ngẩm đến bế tắc.
Theo Trí Thức Trẻ