Mồng 8 – 3 là gì vậy hỡi các bà vợ vĩ đại, hỡi các cô bồ đáng yêu, hỡi những cô em xinh xắn. Tất cả chắc sẽ đồng thanh: Ngày Quốc tế phụ nữ.
Lần về cũ kỹ nguồn gốc, rêu phong lịch sử thì ngày này ra đời gắn liền với cuộc đấu tranh của chị em với giới chủ, đòi một số quyền lợi của bản thân và chị em quốc tế. Khởi phát của ngày này ở tận một xứ Tây xa tít mù khơi…Thế nhưng khi về tới Việt Nam, chẳng hiểu vì sao cái ngày đấu tranh của chị em bỗng nhiên trở thành ngày “Cho em xin quà”.
Mà nào có phải một ngày đó đâu, đến cái ngày Valentine, nơi người ta tôn vinh tình yêu thanh sạch thì khi du nhập vào nước ta nó đã “đốt cháy” các nhà nghỉ những đêm đông và cũng như ngày Quốc tế phụ nữ, ngày Phụ nữ Việt Nam cũng là ngày chị em nghiễm nhiên phải được tặng quà.
Có dạo, một gã đàn ông sợ vợ đã rủ rê một số ông chồng nhiều bồ thực hiện nghiên cứu khoa học tạm gọi là: “Sự liên quan giữa một số ngày kỷ niệm với trách nhiệm tặng quà của cánh đàn ông”.
Nghe đồn, nghiên cứu này mới bắt đầu vào giai đoạn khảo sát đã bị các bà vợ, các cô bồ kiên trì phát hiện. Hậu quả, một số ông đã phải nhập viện để nghiên cứu đề tài mới với tên gọi: “Phương thức ăn cơm hiệu quả trong điều kiện sưng quai hàm và thương tổn cơ thể”. Tin đồn này lan ra khiến cho một bộ phận đàn ông có mưu đồ tương tự đã phải âm thầm dập tắt từ trong trứng nước.
Thực tế cũng chứng minh, tinh thần phản kháng của cánh đàn ông từ độc thân yêu đời cho đến lấy vợ sợ độ cao đều diễn ra một cách lẻ tẻ, tự phát và thường không kéo dài được lâu.
Thực tế cũng chứng minh, tinh thần phản kháng của cánh đàn ông từ
độc thân yêu đời cho đến lấy vợ sợ độ cao đều diễn ra một cách lẻ tẻ,
tự phát và thường không kéo dài được lâu. (ảnh minh họa)
Thay vào đó, khi cơn bão 8-3 mới chỉ manh nha như một cơn áp thấp nhiệt đới, hoặc mạnh hơn nữa cũng cỡ cơn bão gần bờ một số ông chồng đã bắt đầu suy nghĩ về chiến thuật gây bất ngờ cho vợ đồng thời lấy lòng bồ.
Chẳng thế mà cứ lượn lờ trên facebook những ngày đó mà xem, thơ ca cứ gọi là tràn ngập các lãnh thổ, những món quà từ tầm thường chợ quê đến xa xỉ hàng hiệu, kèm theo những lời chúc mỹ miều chân thật hoặc sực nức mùi Internet cũng được dịp tung ra.
Trong khi cánh đàn ông bước vào một cuộc chạy đua để tìm ra những món quà độc, những cách thức lạ thì các bà vợ, các cô bồ cũng luôn cài đặt bản thân ở chế độ “sẵn sàng chiến đấu”, “chỉ cần có quà là ta 'ắp Fây'”. Xu hướng này của chị em cũng báo hại cho không ít ông chồng. Nhẹ thì bị vợ bĩu môi bóng gió như: “Làm vợ như cái A nhà anh C bạn anh thì sướng nhỉ. Được chồng tặng cho hẳn một quả Iphone 6, chẳng bù cho em…”, đính kèm với đó là một tiếng thở dài miên man.
Nhưng suy cho cùng cái gì cũng có nguồn gốc của nó. Có lần tôi nghe một nhà văn xứ mình phát biểu trong một hội thảo về bạo lực đối với phụ nữ, bà nói đại thể: “Phụ nữ Việt Nam mình thiệt thòi cỡ nhất thế giới”. Nghe xong cũng thấy giật mình liên tiếp mấy phát.
Xã hội mình đi lên từ một xã hội kinh tế nông nghiệp là chủ yếu. Thế nên mới có chuyện tương đối buồn cười, có địa phương nọ đã đường đường được nâng cấp lên phường lên quận vậy mà vẫn hồn nhiên treo khẩu hiệu kêu gọi toàn dân thi đua xây dựng nông thôn mới.
Và, việc trải qua một thời kỳ phong kiến kéo dài đó đã để lại không ít tàn tích không dễ gì gạt bỏ, nổi bật nhất đó chính là việc 'trọng nam khinh nữ'.
Có những sai lầm có thể sửa chữa được, nhưng có những yêu thương có thể không
còn kịp trao cho những người xứng đáng được nhận yêu thương. (ảnh minh họa)
Ngày nay, kinh tế phát triển phụ nữ đã khẳng định vị thế ngang bằng, thậm chí vượt bậc so với cánh đàn ông. Tuy nhiên, xét ở một góc độ nào đó họ vẫn chịu thiệt thòi ngay chính mái nhà của mình. Có thể là sự vô tâm của các đức ông chồng, lớn hơn nữa là những ông chồng có thói quen đánh vợ như một môn thể dục rèn luyện cơ bắp và làm nở nang khâu oai. Chưa kể có đức ông chồng còn tự hào coi vợ là một kiểu ô sin cao cấp.
Vậy nên, có lẽ một phần là do bản năng giành giật quyền ưu tiên vốn dĩ nên có mà chị em phụ nữ rất biết tranh thủ những ngày lễ để đẩy người mình yêu hoặc đã từng yêu về vị trí của kẻ nghe lời (không áp dụng cho những ông chồng ngoài nghe lời vợ ra chỉ biết tuân lệnh mẹ của các con mình).
Viết đến đây đã nghe thấy những âm vọng của ngày bão về. Bàn phím bỗng rung lên những hồi tiền tệ. Đã nghe thấy bên tai tiếng the thé của chị em này nỉ: “Anh kìa, quà em đâu”.
Suy cho cùng, mọi cử chỉ và hành động, mọi tình cảm và yêu thương dù được trần trụi chuyển tải qua ngôn ngữ thô mộc hay được bọc trong những vật chất óng ánh đi chăng nữa cũng chỉ là biểu hiện ra bên ngoài sự trân trọng (nếu có) của đàn ông đối với người phụ nữ của mình.
Chỉ hiềm một nỗi, đàn ông Việt không muôn người như một. Có những người đằng đẵng những ngày dài không nói với vợ được một lời yêu thương, không tặng cho vợ những món quà gợi nhắc những ngày xưa tươi đẹp… chỉ chăm chăm chờ đến những cái ngày chẳng biết từ đâu rơi xuống để “truy lĩnh yêu thương”.
Nhưng đáng tiếc, hiếm có một gói yêu thương nào đủ để bắn về quá khứ nhằm khỏa lấp hết những khoảng trống lỗ chỗ trong tâm tưởng của người phụ nữ, người mẹ, người vợ của chính mình. Có những sai lầm có thể sửa chữa được, nhưng có những yêu thương có thể không còn kịp trao cho những người xứng đáng được nhận yêu thương.
Theo Khampha.vn