Sẽ thật thiếu sót nếu quan niệm rằng: “Đã là bạn thân thì sao yêu nhau được, nếu tình cảm tan vỡ sẽ khó làm bạn được như lúc đầu!”. Thực tế, một cặp đôi khi trải qua giai đoạn “bạn thân” sẽ thường bên nhau lâu dài hơn, bền vững hơn. Tình yêu có nền tảng từ tình bạn sẽ kéo dài và ít gặp mâu thuẫn, khi cả hai có những lợi thế sau:
Không lãng mạn, nhưng gần gũi
Sẽ không có những buổi hẹn hò dưới ánh nến lung linh, cả hai ngồi đối diện, lặng im để rồi không biết nói gì. Yêu bạn thân, bạn sẽ cảm thấy gần gũi hơn, có thể rủ người ấy đi dạo khắp phố, người ấy tạo dáng còn bạn chụp ảnh, hay đơn giản là ngồi uống cà phê góc công viên giữa lòng thành phố ồn ào. Đó là điều mà rất nhiều cặp đôi muốn, nhưng không được, vì yêu nhau nhưng có khi vẫn tạo khoảng cách bên nhau.
Quá hiểu sở thích của nhau
Sẽ không có chuyện “tặng gì vào dịp sinh nhật người ta đây?”, “người ấy thích đi đâu nhỉ?”, “có nên dẫn người ta đi ăn một món lạ?”… Bởi vì thân nhau, nên đã thuộc nằm lòng sở thích của nhau, việc chiều chuộng sở thích của đối phương là một việc “dễ như ăn bánh”. Đó là chưa kể, hai bạn đã thân nhau nên có rất nhiều sở thích chung. Đây là điều gắn kết hai bạn, khiến tình yêu thêm vững bền.
Nói hoài không hết chuyện
Nguyên nhân khiến các cặp đôi tan vỡ thường là do họ không chịu lắng nghe nhau, không có sự kết nối chung, và bên nhau mãi nên chẳng biết nói gì. Bạn thân thì khác. Thử yêu nhau đi và hai bạn sẽ hiểu, thay vì trò chuyện sặc mùi “sến” như các cặp đôi khác, thì hai bạn có thể cùng nhau tranh luận về một bộ phim, một bài viết trên báo, hay một câu chuyện có thật. Còn mong đợi gì hơn?
Không nhất thiết phải “làm đẹp” trước mỗi buổi hẹn
Nhìn các cặp đôi khác mà xem, giai đoạn đầu yêu nhau, họ luôn cố giữ ấn tượng đẹp trong mắt nhau, thế nên lúc nào cũng phải chuẩn bị thật kĩ cho một buổi hẹn hò. Con trai thường chuẩn bị trước cả tiếng, còn con gái chăm chút vài tiếng là chuyện thường tình. Nhưng khi hai bạn thân nhau, điều đó không còn cần thiết nữa. Vì hai bạn đã quá quen với diện mạo bình thường của nhau trong suốt bao năm qua rồi.
Sẵn sàng cãi và chấp nhận tính xấu của đối phương
Khi có mâu thuẫn, thay vì “lặng im không nói”, “cặp đôi bạn thân” sẽ có một cuộc đấu khẩu tưng bừng để giải tỏa nỗi lòng. Họ không ý tứ như các cặp đôi khác, cũng không ngại ngần chia sẻ quan điểm. Họ đã quen với việc “phán xét nhau” khi còn là bạn thân. Điều này giúp cả hai thêm hiểu nhau và sẵn sàng sửa chữa sai sót.
Điểm tốt khác ở cặp đôi bạn thân, đó là dù có hay chê bai nhau, nhưng họ vẫn chấp nhận khuyết điểm của nhau được. Ai cũng có khuyết điểm và chính điều này khiến họ càng gắn kết chặt hơn.
Thế nên, một cặp đôi bạn thân sẽ yêu nhau lâu bền hơn các cặp đôi không có xuất phát điểm từ tình bạn. Đây là một tín hiệu tốt, xóa bỏ đi quan niệm “đã là bạn thân thì không thể yêu nhau”.
Trí Thức Trẻ