Họ chọn cuộc chiến của mình bằng cách tranh cãi về những điều mà họ có thể tìm ra giải pháp thay vì tập trung vào những vấn đề khó khăn. Tuy nhiên có một số sai lầm hai người cần tránh khi cãi nhau để giúp duy trì hôn nhân hạnh phúc.
Để duy trì hôn nhân hạnh phúc viên mãn, các cặp vợ chồng nên tránh các sai lầm sau:
Dùng cử chỉ gạt bỏ đối phương
Những ngôn ngữ hình thể mang tính phòng thủ như khoanh tay, bắt chéo chân, quay mặt đi có thể khiến cuộc tranh cãi càng tồi tệ hơn.
Ngoài ra vợ chồng cũng nên tránh những cử chỉ thể hiện sự tức giận, khinh thường như chỉ ngón tay, hất tay, trợn mắt, lắc đầu, nhếch mép vì sẽ khiến tình huống vốn đã nhạy cảm trở nên thù địch hơn.
Thay vào đó, hãy thử đối mặt với nhau, đặt lòng bàn tay úp xuống. Ngồi xuống và nhìn vào mắt nhau có thể cho thấy bạn không có ý đe dọa và đang cố gắng lắng nghe.
Cầm tay cũng là một cách hay khi cuộc cãi vã đã nguội bớt. Bạn cũng có thể ôm khi vợ/chồng buồn hoặc khóc để thể hiện sự quan tâm nhưng chỉ khi đối phương đã sẵn sàng để bạn chạm vào.
Cãi nhau về nhiều vấn đề cùng lúc
Dù cuộc tranh cãi chỉ xuất phát từ một chủ đề nhưng nhiều vợ chồng tiếp tục cãi vã vì những chuyện không liên quan. Hai bạn thường lôi những cuộc chiến cũ, những sai lầm trong quá khứ làm bằng chứng cho cuộc cãi vã hiện tại, tuy nhiên điều đó chỉ phục vụ cái tôi của bạn và khiến vợ/chồng bạn càng khó chịu hơn.
Hãy chỉ tập trung vào vấn đề đang tranh cãi và không lôi kéo những chuyện khác. Nếu vợ/chồng hơi lệch chủ đề, bạn hãy đưa vấn đề chính trở lại cuộc thảo luận.
Đổ lỗi cho nhau
Việc chỉ tay vào vợ/chồng và nói "Tất cả là lỗi của anh/em" chẳng khác nào bạn đang truy tố đối phương trước tòa. Bạn có thể thắng cuộc tranh cãi này nhưng cuối cùng sẽ đánh mất mối quan hệ. Bạn không nên khăng khăng nhìn vào khuyết điểm của đối phương mà không chịu nhìn nhận khuyết điểm của mình.
Hãy cố gắng kiên nhẫn, hiểu quan điểm của đối phương. Nếu bạn cảm thấy vợ/chồng đang tấn công mình, hãy giữ bình tĩnh và nghĩ về phản ứng của mình trước khi đáp lại. Hãy mở lòng nhận phản hồi vì điều đó có thể giúp cả hai vợ chồng cải thiện.
Chiến tranh lạnh
Chiến tranh lạnh là khi bạn hoàn toàn không muốn nói chuyện với ai đó đến mức phớt lờ sự tồn tại của đối phương. Có lẽ bạn làm vậy để tránh xung đột, để thông báo rằng bạn đang tức giận hoặc để trừng phạt vợ/chồng. Nhưng dù lý do là gì thì chiến tranh lạnh không phải giải pháp tốt, vì bạn không cởi mở để thảo luận và giải quyết vấn đề.
Nếu bạn muốn tránh cuộc cãi vã nảy lửa, thay vì chiến tranh lạnh, hãy nói rằng bạn cần thời gian giải tỏa và để cuộc thảo luận cho lúc khác. Nếu bạn muốn vợ/chồng biết mình đang tức giận, thay vì chiến tranh lạnh, hãy nói cho đối phương biết cảm giác của bạn.
Không lắng nghe ý kiến của đối phương
Khi cãi nhau, nhiều người muốn dùng giọng nói lấn át đối phương hoặc chỉ muốn được nghe mà không chịu lắng nghe. Tuy nhiên hét to hay chỉ nghe để bắt bẻ đối phương sẽ không giúp hai vợ chồng gần nhau hơn hay giải quyết được vấn đề. Ngắt lời đối phương và nói "Anh/Em hiểu sai ý em/anh rồi" sẽ làm cả hai cảm thấy bị hiểu lầm.
Thay vào đó bạn nên thư giãn và đừng để bụng những lời phàn nàn của đối phương. Nếu vợ/chồng bạn nói điều gì đó khiến bạn khó chịu, hãy đề nghị đối phương dùng cách nói khác để có thể hiểu nhau hơn. Bạn có thể áp dụng phương pháp “5-5-5”, trong đó mỗi người dành 5 phút để nói, còn người kia chỉ lắng nghe và sau đó sử dụng 5 phút cuối cùng để cùng tranh luận.
Tranh cãi không đúng nơi hoặc sai phương thức
Tranh cãi nơi công cộng, nơi làm việc hay nhà cha mẹ có thể làm mọi chuyện trở nên nhạy cảm không cần thiết. Cãi nhau qua tin nhắn hay gọi điện cũng có thể dẫn tới hiểu lầm vì cả hai không nhìn thấy nét mặt, ngôn ngữ cơ thể của nhau để biết cảm xúc của nhau.
Mâu thuẫn có thể diễn ra không đúng nơi, nhưng bạn có thể đề nghị đợi lúc khác để vợ chồng "đóng cửa bảo nhau". Khi bạn cảm thấy cả hai sắp cãi nhau qua điện thoại hay tin nhắn, hãy đề nghị gặp mặt trực tiếp để nói chuyện.
Dùng từ ngữ nặng nề
Cuộc cãi vã căng thẳng có thể khiến bạn chửi bới, lăng mạ nặng nề đối phương. Sự tấn công này có thể tạo ra khoảng cách giữa vợ chồng và khiến đối phương cảm thấy tồi tệ về bản thân.
Bạn nên tỉnh táo trong việc lựa chọn từ ngữ và chú ý cảm xúc của mình. Hãy ghi nhớ điều gì là quan trọng và nghĩ về những gì bạn có thể đánh mất nếu xúc phạm đối phương. Nhắc nhở bản thân rằng những lời nói nặng nề có thể khiến bạn giải tỏa tạm thời nhưng không đáng về lâu dài.
Lấy tình cảm để đe dọa, mặc cả
Tất nhiên khi đang xảy ra cãi nhau thì cả hai người đều đang trong trạng thái tâm lý khá nhạy cảm, thế nên việc lấy tình cảm ra để đe dọa kiểu như: "Em không thể sống cùng một người lạnh nhạt như anh" chỉ khiến tình hình thêm căng thẳng. Khi ấy, nửa kia sẽ cảm thấy họ không có tự do bày tỏ bản thân, vì nếu họ làm vậy thì bạn sẽ đòi chia tay.
Bạn nên cẩn thận với cách bạn dùng từ, tránh hoài nghi tình cảm của nhau khi đang tranh cãi về chuyện không liên quan. Một mối quan hệ tốt đẹp cần giao tiếp tích cực, và việc đe dọa sẽ phủ nhận điều đó.
Cãi nhau khi đang mệt mỏi, đói bụng
Những yếu tố bên ngoài có thể làm cuộc tranh cãi leo thang không cần thiết. Cãi nhau khi đói bụng, mệt mỏi có thể giải quyết bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi. Nghiên cứu cho thấy người có lượng glucose thấp thường hung hăng hơn với bạn đời.
Do đó, bạn hãy dành một phút suy nghĩ xem mình đang tranh cãi vì vấn đề cụ thể hay do trạng thái không tốt khiến bạn muốn cãi nhau. Nếu bạn đang mệt mỏi, hãy ra khỏi tình huống căng thẳng và nghỉ ngơi trước khi thảo luận vấn đề. Nếu bạn đang đói bụng, hãy tạm dừng và ăn uống dù bạn không thấy muốn ăn.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)